Theo Russia Today, trong một tuyên bố được đưa ra hôm 28/4, Giám đốc Cơ quan Tình báo Nước ngoài (SVR) của Nga Sergey Naryshkin, dẫn một số thông tin thu thập được, nói rằng Ba Lan và Mỹ đang lên kế hoạch giành lại quyền kiểm soát các khu vực của Ukraine được cho là một phần lãnh thổ của Ba Lan trong quá khứ.

Ông Naryshkin cho biết, giai đoạn đầu tiên của kế hoạch này sẽ bao gồm việc triển khai ​​"lực lượng gìn giữ hòa bình" của Ba Lan ở miền tây Ukraine với mục đích "bảo vệ khỏi nguy cơ tấn công từ Nga". Chi tiết của hoạt động này đang được Warsaw thảo luận với chính phủ Washington, và dường như sẽ được tiến hành mà không có sự ủy quyền của NATO và chỉ có sự tham gia của các nước tình nguyện.

Các binh sĩ Ba Lan tại lễ kỷ niệm Ngày Các lực lượng vũ trang Ba Lan năm 2020. Ảnh: NATO 

Theo giám đốc SVR, Ba Lan cho đến nay vẫn chưa thể kêu gọi được bất kỳ quốc gia nào khác tham gia kế hoạch trên, song giới chức Warsaw không quan tâm đến điều đó, vì họ muốn giảm thiểu số lượng "nhân chứng không cần thiết" cho các động thái của mình. "Bất chấp mục tiêu được tuyên bố công khai là nhằm đối phó với Moscow, quân đội Ba Lan sẽ được triển khai ở những nơi mà họ hầu như không có cơ hội giao tranh với các lực lượng Nga ở Ukraine", ông Naryshkin lưu ý.

Dữ liệu của Nga cho biết, "mục tiêu chiến thuật" trên thực tế của quân đội Ba Lan sẽ là giành quyền kiểm soát các cơ sở chiến lược từ lực lượng Vệ binh Quốc gia Ukraine. Các cơ quan tình báo của Ba Lan đang tìm cách thu hút sự ủng hộ của các thành viên “đáng tin cậy” thuộc giới tinh hoa của Kiev, để tạo thành một phe thân Warsaw đối trọng với những người theo chủ nghĩa dân tộc ở Ukraine.

Cũng theo ông Naryshkin, Chính phủ Ba Lan cho rằng việc duy trì các lực lượng của họ ở miền tây Ukraine nhiều khả năng sẽ khiến nước này bị chia cắt. Nếu trường hợp đó xảy ra, quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ nơi lực lượng gìn giữ hòa bình được triển khai ở Ukraine sẽ thuộc về Warsaw. Giám đốc SVR chỉ ra rằng, kế hoạch này dường như là nỗ lực lặp lại một thỏa thuận lịch sử đã được ký kết sau Thế chiến I, trong đó ​​các nước phương Tây chấp nhận quyền chiếm đóng của Warsaw tại một phần lãnh thổ của Ukraine, sau đó sáp nhập những khu vực này vào nhà nước Ba Lan.

Giới chức Warsaw cùng ngày 28/4 đã bác bỏ tuyên bố trên của ông Naryshkin. Stanislaw Zaryn, người phát ngôn của điều phối viên các dịch vụ đặc biệt của Ba Lan, nói rằng đó là sự lan truyền thông tin đánh lạc hướng của Moscow nhằm gây ra tình trạng mất lòng tin giữa Ba Lan và Ukraine, cũng như làm suy yếu sự hợp tác của hai nước. Trong khi đó, Mỹ chưa có phản ứng nào trước các thông tin trên.

Biên giới phía tây của Ukraine được vẽ lại lần cuối sau Thế chiến II, sau khi Ba Lan đồng ý để các khu vực Đông Galicia và phần lớn vùng Volhynia được hợp nhất vào nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô viết Ukraine thuộc Liên Xô, để đổi lấy các vùng lãnh thổ từng là một phần của Đức, trong đó đáng chú ý nhất là thành phố cảng Gdansk.

Việt Anh