Quốc hội chiều 9/11 thảo luận dự án Luật Phòng thủ dân sự, đại biểu (ĐB) Nguyễn Danh Tú (Kiên Giang) cho biết, theo dự thảo luật quy định: Sự cố là tình huống nguy hiểm nghiêm trọng do thiên nhiên, dịch bệnh nguy hiểm hoặc do con người gây ra; hoặc do hậu quả chiến tranh có nguy cơ dẫn tới thảm họa. Còn thảm họa là biến động do thiên nhiên, dịch bệnh nguy hiểm lây lan trên quy mô rộng; hoặc do con người gây ra hoặc do hậu quả chiến tranh làm thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản, môi trường. 

Theo quy định này, sự cố, tình huống nguy hiểm nghiêm trọng có nguy cơ thảm họa. Còn thảm họa là đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản, môi trường. Như vậy, sự cố thảm họa có mối quan hệ với nhau nhưng tính chất, mức độ nghiêm trọng, hậu quả là khác nhau.

ĐB Nguyễn Danh Tú

Tuy nhiên, một số nội dung trong dự thảo luật chỉ quy định chung các biện pháp phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố thảm họa. Theo ĐB Tú do tính chất, mức độ và hậu quả giữa thảm họa và sự cố khác nhau nên có quy định riêng.

Về cấp độ phòng thủ dân sự theo dự thảo luật quy định 4 cấp độ, ĐB tỉnh Kiên Giang nhấn mạnh đây là nội dung rất quan trọng, bởi đây là cơ sở để ban bố, bãi bỏ các biện pháp áp dụng cho từng cấp độ.

Tuy nhiên theo dự thảo luật việc quy định cấp độ phòng thủ dân sự dựa trên cơ sở phạm vi địa giới hành chính. Ông Tú cho rằng cần cân nhắc kỹ.

"Các thảm hoạ, sự cố cùng tính chất mức độ nguy hiểm nghiêm trọng, cùng tính chất gây thiệt hại về người, tài sản, môi trường nhưng có thể xác định cấp độ khác nhau. Như trường hợp xảy ra sự cố tại 2 xã ở cùng trong phạm vi địa bàn 1 huyện được xác định cấp độ 1 nhưng trường hợp 2 xã này ở 2 huyện trong tỉnh lại được xác định ở cấp 2, mặc dù tính chất, mức độ thảm họa, sự cố của 2 xã này là tương tự", ĐB Tú dẫn chứng và cho rằng như vậy là chưa phù hợp.

Quân đội chi viện ứng phó với đại dịch Covid-19 hồi năm 2021.

Phòng thủ dân sự cấp độ 2 (cấp độ cấp tỉnh) cao hơn cấp độ 1 (cấp độ huyện), tuy nhiên ĐBQH nhận định không phải mọi trường hợp hậu quả sự cố trong phạm vi cấp tỉnh cũng lớn hơn hậu quả sự cố trong phạm vi cấp huyện. Có thể có trường hợp thảm hoạ sự cố trong phạm vi huyện gây hậu quả, tính mạng, sức khoẻ, tài sản lớn hơn nhiều so với thảm hoạ sự cố xảy ra trên phạm vi cấp tỉnh.

ĐB tỉnh Kiên Giang nhấn mạnh: "Phòng thủ dân sự là bộ phận quan trọng của phòng thủ đất nước, bao gồm các biện pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh, thảm hoạ sự cố thiên tai, dịch bệnh nhằm bảo vệ nhân dân, cơ quan, tổ chức, nền kinh tế quốc dân sẽ góp phần quan trọng trong xây dựng thế trận lòng dân, tạo thế chủ động chiến lược, ngăn chặn đẩy lùi nguy cơ, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ nước từ khi nước chưa nguy".

Cũng đồng tình với ĐB Nguyễn Danh Tú, ĐB Lã Thanh Tân (Hải Phòng) cho rằng, phòng thủ dân sự được phân loại thành 4 cấp độ, trong đó cấp độ 4 là tình trạng khẩn cấp, còn cấp độ 1,2,3 được phân loại dựa trên tiêu chí, phạm vi, địa bàn xảy ra thảm họa, sự cố và khả năng lan rộng của thảm họa, sự cố.

Tuy nhiên, tiêu chí về khả năng lan rộng mà chỉ gắn với phạm vi địa bàn của một hoặc một số tỉnh thì rất khó để xác định. Vì vậy, ĐB đề nghị xem xét bổ sung. 

Phát biểu giải trình làm rõ một số vấn đề ĐBQH quan tâm, Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Quốc phòng cho biết, dự thảo Luật Phòng thủ dân sự chỉ điều chỉnh về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục đối với thảm họa và sự cố có nguy cơ dẫn đến thảm họa. Việc phòng ngừa, ứng phó, khắc phục đối với sự cố, những loại hình thiên tai, dịch bệnh thông thường thực hiện theo quy định của luật hiện hành.

Bộ trưởng cho biết, để tạo cơ sở cho việc triển khai các biện pháp phòng thủ dân sự phù hợp với mức độ thảm họa, sự cố, bảo đảm không chồng chéo với luật chuyên ngành thì dự thảo luật đã quy định cụ thể tiêu chí đánh giá mức độ rủi ro của sự cố và các cấp độ phòng thủ dân sự, cũng như các biện pháp trong từng cấp độ phòng thủ dân sự.

Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang giải trình, làm rõ một số vấn đề.

Về đánh giá mức độ rủi ro của thảm họa, sự cố, Bộ trưởng cho biết, hiện nay, một số văn bản quy phạm pháp luật đã quy định cách thức, tiêu chí phân loại, đánh giá mức độ rủi ro do các loại hình thiên tai, dịch bệnh, sự cố.

Dự thảo Luật quy định tiêu chí đánh giá mức độ rủi ro của thảm họa, sự cố gồm: Phạm vi ảnh hưởng, khả năng lan rộng của thảm hoạ, sự cố; Đặc điểm địa lý tự nhiên, KT-XH của địa bàn chịu ảnh hưởng của thảm họa, sự cố; Diễn biến, khả năng gây thiệt hại và thiệt hại của thảm họa, sự cố; Khả năng ứng phó với thảm họa, sự cố của chính quyền địa phương và lực lượng tham gia phòng thủ dân sự.