Trường ĐH Quy Nhơn được thành lập với sứ mệnh đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; bồi dưỡng nhân tài; nghiên cứu khoa học, truyền bá tri thức và chuyển giao công nghệ; góp phần thúc đẩy tiến bộ xã hội và phục vụ hiệu quả sự phát triển bền vững của đất nước, đặc biệt đối với khu vực Nam Trung Bộ - Tây Nguyên. Hiện nay, trường có 12 khoa và 1 bộ môn thuộc trường, đào tạo 47 ngành, quy mô xấp xỉ 12.000 sinh viên chính quy.

Ứng dụng CNTT trong quản lý, đào tạo

TS. Nguyễn Thành Đạt – Giám đốc Trung tâm CNTT&TT chia sẻ, trong những năm qua, Trường ĐH Quy Nhơn đã ứng dụng CNTT, chuyển đổi số để phục vụ công tác quản lý, đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Trong công tác quản lý điều hành, toàn bộ văn bản đã được phát hành và lưu trữ trên môi trường số, không chỉ giúp tiết kiệm đáng kể chi phí in ấn giấy tờ, thời gian phát hành mà còn giúp cho công tác quản lý được thực hiện nhanh chóng, kịp thời, mọi lúc mọi nơi. 

dh quy nhon.jpg
Trong những năm qua, Trường ĐH Quy Nhơn đã ứng dụng CNTT, chuyển đổi số để phục vụ công tác quản lý, đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Hơn nữa, dữ liệu các lĩnh vực như tài chính, nhân sự, đào tạo, sinh viên, tuyển sinh …đã được số hóa, từng bước được liên thông, đồng bộ với nhau. Các quy trình tuyển sinh, xét tuyển nhập học đã được số hóa giúp cho hàng trăm nghìn thí sinh thuận tiện trong đăng ký tuyển sinh và xét tuyển nhanh chóng, tiết kiệm chi phí đi lại.

Hệ thống phần mềm và quy trình khảo thí cho phép sinh viên thi trắc nghiệm cuối kỳ tại trung tâm khảo thí (Test Center) giúp nâng cao chất lượng đào tạo, đảm bảo tính khách quan, công bằng và hạn chế tối đa các vấn đề tiêu cực trong thi cử. 

Hệ thống Elearning được xây dựng liên thông, đồng bộ giúp cho Nhà trường đơn giản hóa quy trình đào tạo và quản lý điểm. Ngoài ra, chuyển đổi số trong công tác khảo sát sinh viên cũng được thực hiện trong nhiều năm qua, giúp cho nhà trường nắm bắt kịp thời chất lượng giảng dạy, phản hồi từ sinh viên về công tác đào tạo và từ đó, nâng cao chất lượng dạy học. 

Bên cạnh đó, sau hơn 2 năm hoạt động, thư viện số của trường đã tích tụ được kho tài nguyên với gần 7.000 đầu tài liệu. Trung bình mỗi ngày có hơn 10.000 hoạt động truy cập, khai thác tài liệu trên cổng thông tin của Thư viện nhà trường...

Đặc biệt, trong giai đoạn 2020-2025, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và công tác quản lý đào tạo, tháng 1/2020 ĐH Quy Nhơn đã ban hành Kế hoạch về ứng dụng CNTT và Chuyển đổi số giai đoạn 2020-2025. Kế hoạch được xây dựng và triển khai nhằm đáp ứng các hoạt động trong Trường, bao gồm công tác quản lý, thủ tục hành chính, đổi mới nội dung, phương pháp dạy-học, kiểm tra đánh giá và nghiên cứu khoa học, cung cấp dịch vụ cho sinh viên, đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo trong giai đoạn mới. 

Đón đầu xu hướng chuyển đổi số

PGS.TS. Hồ Xuân Quang – Trưởng phòng Đào tạo sau đại học (ĐH Quy Nhơn) cho biết, sự phát triển mạnh mẽ của cuộc CMCN 4.0 trên phạm vi toàn cầu với công nghệ lõi là Khoa học dữ liệu (Data Science), Dữ liệu lớn (Big Data), Điện toán đám mây (Cloud Computing), Internet vạn vật (IoT), Trí tuệ nhân tạo (AI) tác động sâu sắc đến nhận thức và hành động của con người. Thực tiễn cho thấy, Khoa học dữ liệu ngày càng trở nên quan trọng, có ý nghĩa to lớn đối với khoa học và sự vận hành của các tổ chức, tập đoàn, doanh nghiệp, các cơ sở giáo dục đại học, đặc biệt là quá trình chuyển đổi số của quốc gia hiện nay.

dh quy nhon 1.jpg

Sớm nhận diện sự cấp thiết về nhu cầu nguồn nhân lực khoa học dữ liệu, nhất là đà tăng trưởng ấn tượng của hệ sinh thái khoa học công nghệ trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên nói chung và tỉnh Bình Định nói riêng, đặc biệt là Thung lũng Khoa học Quy Hòa, Quy Nhơn; đồng thời, với thế mạnh đào tạo về lĩnh vực toán học, thống kê, công nghệ thông tin, tự động hóa, tối ưu điều khiển…, Trường Đại học Quy Nhơn có nhiều thuận lợi để đào tạo ngành Khoa học dữ liệu theo định hướng ứng dụng.

Chính vì vậy, từ năm 2019, trường đã mở chuyên ngành đào tạo trình độ thạc sĩ ngành Khoa học dữ liệu ứng dụng; tháng 5/2022, chính thức mở ngành đào tạo Khoa học dữ liệu trình độ đại học. Đến nay, trường đã tuyển sinh và đào tạo được 3 khóa đào tạo trình độ thạc sĩ với quy mô trên 40 học viên.

“Có thể nói, Trường Đại học Quy Nhơn là một trong những trường đại học tiên phong trên cả nước đào tạo trình độ đại học và thạc sĩ ngành Khoa học dữ liệu. Từ năm 2020, ngành Khoa học dữ liệu trình độ thạc sĩ nhận được nguồn tài trợ kinh phí của Quỹ Đổi mới Sáng tạo Vingroup (VINIF) một cách toàn diện, trọng điểm cả về hoạt động tổ chức đào tạo, nghiên cứu khoa học, hỗ trợ người học đến cơ sở chất, trang thiết bị dạy học, một lần nữa cho thấy nhu cầu cấp thiết của Khoa học dữ liệu và chủ trương đúng đắn trong việc đón đầu, dự báo xu hướng chuyển đổi số của Trường đối với lĩnh vực đào tạo mới này”, PGS.TS. Hồ Xuân Quang cho hay.

dh quy nhon 2.jpg
Trường Đại học Quy Nhơn còn chú trọng đầu tư đào tạo lĩnh vực công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, 

Song song với Khoa học dữ liệu, Trường Đại học Quy Nhơn còn chú trọng đầu tư đào tạo lĩnh vực công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, tự động hóa, kỹ thuật điện - điện tử, viễn thông, tài chính - ngân hàng, kinh doanh số…”

Ngoài ĐH Quy Nhơn, từ năm 2022, Trường ĐH FPT phân hiệu Quy Nhơn đã chính thức đi vào hoạt động với định hướng đào tạo chuyên sâu về AI.

Theo Tập đoàn này, nhân lực là yếu tố quan trọng hàng đầu để phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, đặc biệt là công nghệ phần mềm, trí tuệ nhân tạo (AI). 

Trường ĐH FPT - Phân hiệu AI Quy Nhơn được đầu tư với số vốn 693,93 tỷ đồng, đào tạo trình độ đại học, sau đại học, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ giáo dục và nghiên cứu khoa học, đáp ứng nhu cầu học tập và rèn luyện của khoảng 5.200 sinh viên cho các ngành Công nghệ thông tin, Quản trị kinh doanh và các ngành học khác.

fpt quy nhon.png
Từ năm 2022, Trường ĐH FPT phân hiệu Quy Nhơn đã chính thức đi vào hoạt động với định hướng đào tạo chuyên sâu về AI.

Đây là cơ sở thứ 5 của ĐH FPT trên cả nước, sau 4 thành phố (Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Cần Thơ). 

Ông Vũ Hồng Chiên, Trưởng bộ môn AI Trường ĐH FPT phân hiệu Quy Nhơn, cho hay: “Trường đang đào tạo chuyên ngành về AI. Đây là nguồn nhân lực chất lượng cao để hỗ trợ tỉnh hiện thực hóa dự án Trung tâm Trí tuệ nhân tạo -Đô thị phụ trợ tại Bình Định trong tương lai gần”.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT cho biết: "FPT có một khát vọng lớn, đầu tư và xây dựng đưa Bình Định trở thành trung tâm AI hàng đầu khu vực, một trung tâm khoa học thử nghiệm, phát triển các công nghệ mới nhất của thế giới.

Diệu Thuỳ

Bình Định 'trải thảm' thu hút nhân tài ngành công nghệ cao

Bình Định 'trải thảm' thu hút nhân tài ngành công nghệ cao

Tỉnh Bình Định đang hướng đến môi trường làm việc công khai minh bạch, tốt cho sự phát triển của nhân tài, ưu tiên thu hút nhân lực chất lượng cao các lĩnh vực: nông nghiệp công nghệ cao, CNTT và truyền thông, trí tuệ nhân tạo...