VietNamNet có cuộc phỏng vấn với ông Nguyễn Đình Hùng - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Bình Định về quá trình chuyển đổi số của ngành giáo dục tỉnh.
Thưa ông, thời gian qua, tỉnh Bình Định đã triển khai nhiều chương trình, kế hoạch thúc đẩy chuyển đổi số. Ông có thể chia sẻ một số kết quả nổi bật về chuyển đổi số của ngành giáo dục tỉnh đạt được?
Ông Nguyễn Đình Hùng: Chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà tỉnh Bình Định hướng tới. Trong đó, giáo dục là một trong những lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi trong công tác này. Hiện nay, ngành giáo dục tỉnh đã và đang thực hiện chuyển đổi số với một số nội dung sau:
Đội ngũ công chức, viên chức được phân công làm công tác chuyển đổi số, an toàn, an ninh mạng có trình độ chuyên môn, năng lực phù hợp với vị trí việc làm, có phẩm chất đạo đức tốt, tác phong làm việc, tinh thần trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn công chức, viên chức về chuyển đổi số, an toàn, an ninh mạng được Sở chú trọng, thực hiện hiệu quả. Nhiều giáo viên trên địa bàn tỉnh tích cực tham gia các khóa học bồi dưỡng để nâng cao năng lực chuyển đổi số…
Một số phần mềm, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, an toàn, an ninh mạng được Sở tạo ứng dụng, quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả trong công tác quản lý, công tác chuyên môn gồm: Hệ thống phần mềm cơ sở dữ liệu ngành (quản lý trường, lớp, học sinh, nhân sự, cơ sở vật chất…) do Bộ GD&ĐT triển khai tại địa chỉ https://sgd.csdl.moet.gov.vn. Hệ thống hồ sơ điện tử công chức, viên chức và người lao động do Bộ Nội vụ, UBND tỉnh, Sở Nội vụ triển khai tại địa chỉ https://binhdinh.vnerp.vn. Văn phòng điện tử iDesk, Evernet; hộp thư điện tử công vụ, cá nhân. Ứng dụng các phần mềm đào tạo, bồi dưỡng, báo cáo trực tuyến như LMS, meet, teams, trang tính…
Cùng với đó, Sở GD&ĐT Bình Định đã triển khai các nền tảng dạy học trực tuyến, kho dữ liệu dùng chung. Sở đã phối hợp xây dựng hoàn thành cơ sở dữ liệu cho Trung tâm điều hành giáo dục thông minh IOC-vnEdu, với hệ thống này giúp quản lý được thông tin về trường, lớp, giáo viên, học sinh…
Có thể nói chuyển đổi số trong giáo dục là bước đi then chốt trong việc đẩy nhanh sự phát triển của hoạt động dạy và học trong tương lai. Xin ông cho biết, ngành giáo dục tỉnh hiện nay và trong thời gian đến sẽ triển khai các ứng dụng chuyển đổi số như thế nào để nâng cao chất lượng giảng dạy và quản lý?
Ông Nguyễn Đình Hùng: Trong thời gian đến, ngành giáo dục tỉnh Bình Định sẽ tiếp tục tăng cường chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục đào tạo; tăng cường các điều kiện đảm bảo và kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy - học trực tuyến và trong công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường thực hiện thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến.
Quá trình chuyển đổi số ngành giáo dục tỉnh có gặp phải khó khăn gì không? Từ những khó khăn đó ông có đề xuất gì để triển khai thuận lợi hơn trong thời gian đến?
Ông Nguyễn Đình Hùng: Chuyển đổi số, là một công việc khó khăn phức tạp, đòi hỏi phải có quyết tâm cao, sự thông suốt từ xây dựng thể chế, chỉ đạo từ trên xuống, sự phối hợp thực hiện nhịp nhàng của nhiều cơ quan liên quan, việc xây dựng đội ngũ đáp ứng yêu cầu với đầu tư hạ tầng đảm bảo, hệ thống các ứng dụng an toàn, bảo mật, quản lý hiệu quả.
Trong quá trình triển khai, ngành giáo dục tỉnh Bình Định còn gặp nhiều khó khăn thách thức như: Hạ tầng công nghệ thông tin chưa đáp ứng yêu cầu. Khó khăn về kinh phí cho việc chuyển đổi số vì khả năng đáp ứng còn khá khiêm tốn so với nhu cầu.
Bên cạnh đó, nhận thức và quyết tâm thực hiện chuyển đổi số của một số cán bộ quản lý, giáo viên về việc thực hiện chuyển đổi số chưa cao nên thiếu quyết tâm thực hiện chuyển đổi số. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên có năng lực để quản lý, quản trị các phần mềm ở một số cơ sở giáo dục (nhất là bậc học mầm non) chưa có nên khó triển khai hiệu quả.
Ngoài ra, các thể chế, quy định đặc thù của ngành còn nhiều bất cập, chưa hoàn toàn thuận lợi cho việc triển khai. Mạng lưới giáo dục quốc dân khá đồ sộ và phức tạp với nhiều loại hình, nhiều nội dung quản lý, nhiều cấp học với những đặc thù riêng… Hệ thống các phần mềm phục vụ công tác quản lý ở các địa phương, cơ sở có từ nhiều nguồn không đáp ứng các chuẩn thống nhất nên việc đồng bộ dữ liệu chung còn rất nhiều khó khăn, thách thức.
Theo tôi, Bộ GD&ĐT cần có hệ thống phần mềm dùng chung trong toàn quốc để đảm bảo tính liên thông, đồng bộ và tiết kiệm ngân sách trong chuyển đổi số.
Xin cảm ơn ông!