UBND tỉnh Bình Định vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện chương trình phát triển thị trường KH&CN đến năm 2030 trên địa bàn, nhằm cụ thể hóa các nội dung thực hiện chương trình phát triển thị trường KH&CN quốc gia đến năm 2030; huy động mọi nguồn lực tham gia hỗ trợ, triển khai thực hiện chương trình này.

Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, phát triển 2 tổ chức trung gian của thị trường KH&CN có đủ năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn, ươm tạo, đào tạo, kết nối, xúc tiến chuyển giao công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực KHCN và đổi mới sáng tạo trên thị trường KH&CN.

anh 4.jpeg
Bình Định chú trọng phát triển khoa học và công nghệ trong thời gian đến

Cùng với đó, thực hiện đổi mới, ứng dụng công nghệ, hỗ trợ thương mại hóa được ít nhất 20 sản phẩm sáng tạo, kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

Tỉnh sẽ số hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ có tiềm năng thương mại hóa trên thị trường; hỗ trợ các DN, tổ chức, cá nhân tham gia các sự kiện kết nối cung cầu, hội chợ công nghệ.

Tiếp theo, kết nối sàn giao dịch công nghệ của tỉnh Bình Định với các sàn giao dịch công nghệ trong nước.

Nhằm hiện thực hóa các mục tiêu trên, tỉnh cũng đưa ra những nhiệm vụ và giải pháp thực hiện, hoàn thiện môi trường pháp lý hỗ trợ phát triển thị trường KH&CN; thúc đẩy phát triển nguồn cầu của thị trường KH&CN, nâng cao năng lực hấp thụ, làm chủ và đổi mới công nghệ của DN; thúc đẩy phát triển nguồn cung của thị trường KH&CN; phát triển các tổ chức trung gian của thị trường KH&CN; tăng cường hoạt động xúc tiến thị trường KH&CN; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, truyền thông và hội nhập quốc tế về thị trường KH&CN; phát triển hạ tầng của thị trường KH&CN.

6 nhiệm vụ trọng tâm phát triển thị trường KH&CN

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ KH&CN cùng các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện 6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để phát triển thị trường KH&CN đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập.

1. Tập trung rà soát, tháo gỡ các khó khăn, điểm nghẽn về thể chế, cơ chế, chính sách để thị trường KH&CN phát triển đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các Nghị quyết của Bộ Chính trị và chiến lược, chương trình phát triển KH&CN của Chính phủ.

Các bộ, ngành, cơ quan, địa phương xây dựng, lồng ghép nhiệm vụ, kế hoạch/đề án phát triển thị trường KH&CN vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm và hằng năm.

Đẩy mạnh hơn nữa việc thể chế hóa đường lối của Đảng trong xây dựng, hoàn thiện thể chế, nhất là đối với các ngành, lĩnh vực mới nổi, thúc đẩy nghiên cứu, đổi mới công nghệ góp phần giải quyết các vấn đề về môi trường, chống biến đổi khí hậu, khuyến khích chuyển đổi số và phát triển xanh.

2. Tổ chức triển khai, thực hiện hiệu quả hai mục tiêu lớn và 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại Chương trình phát triển thị trường KH&CN quốc gia đến năm 2030.

Thúc đẩy phát triển nguồn cung và cầu của thị trường KH&CN, nâng cao năng lực hấp thụ, làm chủ, đổi mới công nghệ của doanh nghiệp, đẩy mạnh hợp tác giữa doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học, kết nối cung cầu giữa bên mua và bên bán để phục vụ thương mại hóa sản phẩm.

Nâng cao năng lực hoạt động các tổ chức trung gian, nhất là các tổ chức lớn, đa ngành và gắn với các ngành hàng xuất khẩu chủ lực; khuyến khích, hỗ trợ phát triển tổ chức trung gian thuộc khu vực tư nhân.

Đẩy mạnh việc phát triển mạng lưới tổ chức trung gian trên cơ sở kết nối các sàn giao dịch công nghệ, các tổ chức dịch vụ KH&CN tại các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp với các trung tâm ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN.

Đầu tư phát triển các sàn giao dịch công nghệ quốc gia tại một số thành phố lớn và khu vực kinh tế trọng điểm, kết nối liên thông với hệ thống các trung tâm ứng dụng và chuyển giao công nghệ của các tỉnh, thành phố, kết nối với các sàn giao dịch công nghệ khu vực và thế giới.

Đẩy mạnh việc xúc tiến thị trường KH&CN tại các địa bàn có nhiều nguồn cung công nghệ cao, tiên tiến và thân thiện môi trường, các thị trường tiềm năng mà Việt Nam có lợi thế thông qua các hiệp định thương mại tự do.

Tăng cường tổ chức các sự kiện xúc tiến thị trường KH&CN quy mô vùng, quốc gia và quốc tế; quảng bá thị trường KH&CN và đổi mới sáng tạo; lồng ghép, phối hợp với các sự kiện xúc tiến thương mại và đầu tư với xúc tiến thị trường KH&CN.

Phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng quốc gia của thị trường KH&CN, đẩy mạnh kết nối trung ương với địa phương, viện, trường với doanh nghiệp và người dân.

Từng bước liên thông, tích hợp với các nền tảng kỹ thuật về thị trường KH&CN trong nước và quốc tế.

Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực khoa học, công nghệ. Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của thị trường KH&CN. Phát triển các doanh nghiệp tiên phong trong mua bán công nghệ, nhất là công nghệ cao, công nghệ nguồn.

3. Đẩy mạnh kết nối liên thông, tiến tới đồng bộ hóa thị trường KH&CN với các thị trường hàng hóa, dịch vụ, lao động và tài chính. Đẩy mạnh hợp tác công tư, huy động vốn từ doanh nghiệp, người dân, và xã hội để phát triển thị trường KH&CN.

4. Tập trung xây dựng và triển khai thí điểm chính sách tạo động lực thương mại hóa, đưa nhanh kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ được tạo ra từ nguồn ngân sách nhà nước, hợp tác công-tư và đầu tư tư nhân vào sản xuất, kinh doanh, trong đó chú trọng chính sách chấp nhận rủi do trong hoạt động KH&CN; khuyến khích hợp tác công-tư và đầu tư tư nhân trong các dự án thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ.

5. Có chính sách khuyến khích doanh nghiệp nhập khẩu công nghệ lõi thông qua các viện nghiên cứu, trường đại học để giải mã, hấp thụ và làm chủ công nghệ, đẩy nhanh tốc độ đổi mới công nghệ của doanh nghiệp.

6. Xây dựng chính sách khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển cơ sở dữ liệu lớn, chia sẻ dữ liệu, thông tin để đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái KH&CN, khởi nghiệp một cách toàn diện và đồng bộ.

Công Sáng