Năm 2014, thông qua mạng xã hội Facebook, ông T.V.T (SN 1964, trú huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) biết đến người phụ nữ có tên là Nguyễn Bạch Dương (trú khu Phú Mỹ Hưng, quận 7, TP.HCM), không rõ thân nhân lai lịch. Từ đó, ông T. và bà Dương xuyên liên lạc qua Facebook Nguyễn Bạch Dương (sau đổi tên thành Cynthia Nguyễn).

Bà Dương tự giới thiệu mình là Tiến sỹ, quê Hà Nội, đang sống độc thân và làm việc tại TP.HCM. Bà sử dụng số điện thoại 0984107xxx để liên hệ với ông T. 

Ông T. chưa bao giờ đến nơi bà Dương sống, chỉ gặp mặt trực tiếp người phụ nữ này hai lần ở huyện Tây Sơn (Hà Nội) và TP.Đà Lạt (Lâm Đồng). Ông T. cũng được bà Dương hứa sẽ hỗ trợ mở hoạt động kinh doanh.

Từ tháng 2/2023, bà Dương đưa ra lý do đang chữa bệnh ung thư tuỷ tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), cọc tiền ô tô và cần chi phí để làm thủ tục mua bán bất động sản tại TP.Đà Lạt nên nhiều lần hỏi mượn tiền ông T. Vì tin tưởng, ông đã chuyển 131 lần với tổng số tiền hơn 3,1 tỷ vào 2 số tài khoản bà Dương đưa. 

Tuy nhiên, sau đó, người phụ nữ này dần cắt đứt liên lạc với ông T. Đến tháng 7/2023, ông T. tìm đến Bệnh viện Chợ Râỹ để xác minh thông tin mới biết mình đã bị lừa. Ông trình báo sự việc với cơ quan chức năng.

Tại thời điểm đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Định đã ra công văn yêu cầu nhà mạng viễn thông cung cấp thông tin chủ thuê bao số điện thoại 0984107xxx, mà đối tượng Nguyễn Bạch Dương sử dụng để liên lạc với ông T. Khi có được thông tin, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bình Định tiến hành rà soát người đứng tên căn cước công dân (CCCD) đăng ký số điện thoại này trong dữ liệu dân cư quốc gia tại Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự xã hội (PC06), Công an tỉnh Bình Định.

Kết quả, người sử dụng số thuê bao là Nguyễn Thị Thuý Nga (SN 1973, trú phường Tân Phú, quận 7, TP.HCM). Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Định đã triệu tập đối tượng Nga để làm việc. Qua đó, xác định bà Nga chính là chủ tài khoản Facebook Nguyễn Bạch Dương, người đã lừa đảo chiếm đoạt số tiền 3,1 tỷ đồng của ông T.

Tại cơ quan điều tra, bà Nga đã thừa nhận hành vi của mình. 

Trên đây chỉ là một trong nhiều vụ việc được phát hiện, xử lý khi cơ quan công an truy ngược từ số thuê bao di động, tìm thông tin CCCD để xác định đối tượng có hành vi hoặc dấu hiệu phạm tội. 

Trao đổi với VietNamNet, Thượng tá Nguyễn Hòa Bình - Phó trưởng Phòng PC06, Công an tỉnh Bình Định cho hay, tới đây, dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ hỗ trợ rất tốt các đơn vị nghiệp vụ trong quá tình truy vết, đấu tranh, trấn áp tội phạm. Hiện, PC06 cũng đang đẩy mạnh quá trình định danh điện tử trên địa bàn.

-      Thưa Thượng tá, định danh điện tử mang lại lợi ích gì cho cư dân cũng như trong công tác quản lý Nhà nước của ngành?

Lợi ích thứ nhất có thể đề cập, là trong lĩnh vực y tế. Khi người dân đi tới các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh, họ chỉ cần sử dụng ứng dụng VNeID đã tích hợp thẻ bảo hiểm y tế, mà không cần xuất trình bản giấy. 

anh 1.jpg
 Thượng tá Nguyễn Hòa Bình, Phó trưởng Phòng PC06, Công an tỉnh Bình Định (Ảnh: Diễm Phúc)

Hoặc, khi đi máy bay, hành khách có thể sử dụng VNeID có tích hợp CCCD, xuất trình thay bản chính và có giá trị tương đương. Hiện, phương thức này đang được áp dụng trên các sân bay toàn quốc.

Một chức năng khác là người dân có thể kiến nghị, phản ánh các thông tin về tình hình an ninh trật tự thông qua VneID. Thông tin được chuyển lên hệ thống sẽ có bộ phận tiếp nhận.

Trong tương lai, nếu dữ liệu được tích hợp cùng ví điện tử trong thanh toán không tiền mặt, đăng ký kê khai nộp thuế thì cũng sẽ rất thuận tiện cho người dân. Số hóa dữ liệu có giá trị lớn trong cuộc sống.

anh 2.jpg
 Số hóa dữ liệu cư dân là xu hướng tất yếu (Ảnh: Diễm Phúc)

Riêng tại Bình Định, đến cuối tháng 11/2023, tổng số hồ sơ đăng ký tài khoản định danh điện tử là gần 946.500 hồ sơ. Có hơn 680.200 tài khoản định danh điện tử đã kích hoạt, đang sử dụng. Số còn lại đang được tiếp tục thực hiện.

VneID giúp người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên các cổng dịch vụ công. Tiết kiệm thời gian trong thực hiện các thủ tục hành chính, xác thực đúng thông tin, tăng sự tiện lợi cho cư dân dân. 

Đối với cơ quan nhà nước, việc xác định công dân theo đúng danh tính trên số CCCD, mã định danh cá nhân nhằm đảm bảo chính xác thông tin trong suốt quá trình, từ khi công dân nộp hồ sơ cho đến lúc trả toàn bộ kết quả.

Ngoài ra, khi có thông tin của công dân có dấu hiệu vi phạm cần xác minh, cơ quan chức năng có thể nhanh chóng xác minh trên hệ thống, kể cả tìm trong dữ liệu chuyên trách. Đây là phương thức hiệu quả trong truy vết, đấu tranh, trấn áp tội phạm.

-      Thời gian qua, quá trình triển khai, thực hiện định danh điện tử trên địa bàn có gặp phải trở ngại nào không, thưa ông?

Có thể nói rằng, khối lượng công việc rất nhiều. Ngoài công tác chuyên môn, từng cán bộ chiến sĩ ở địa bàn, cảnh sát khu vực, công an các xã phải xuống từng nhà dân để tuyên truyền, vận động người dân thực hiện.

Cảnh sát khu vực đến tận nhà dân để hướng dẫn kích hoạt sử dụng và tuyên truyền về lợi ích của tài khoản định danh điện tử cho người dân hiểu.

Do đặc thù địa bàn, các khu vực nhiều đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Vĩnh Thạnh, Vân Canh, An Lão, đa phần người dân đi rừng, đi rẫy, không có ở nhà. Chúng tôi đi thu nhận thông tin, cấp tài khoản định danh điện tử nhưng người dân chưa kích hoạt, chưa sử dụng được. Nhiều người đi làm trên rừng, trên rẫy có khi cả tháng mới về nhà.

Ngoài ra, người dân ở các khu vực trên còn yếu về trình độ thông tin, cũng như điều kiện vật chất thiếu thốn so với khu vực đồng bằng. Do đó, họ không thể trang bị smartphone. Trước mắt, chúng tôi hỗ trợ tích hợp thông tin lên hệ thống. Sau này, khi người dân có nhu cầu sử dụng, có thể thông qua website hoặc tới cơ quan Nhà nước để được hỗ trợ đăng nhập, phục vụ các thủ tục hành chính hoặc xác minh giấy tờ cần thiết. 

Chúng tôi phải nhiều lần gọi điện thoại, nhắc người dân khi đi làm rẫy trở, chủ động liên hệ công an xã để được hướng dẫn kích hoạt tài khoản. Thậm chí, công an cơ sở cũng phải thông qua công tác dân vận, những người có uy tín trên địa bàn để tuyên truyền, kêu gọi người dân thực hiện định danh điện tử.

Dù gặp phải một số khó khăn như vậy, nhưng chỉ tiêu đặt ra năm nay là 60% người dân tỉnh Bình Định, kể cả cư dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số có tài khoản định danh điện tử, đã đạt được. 

Trần Chung - Diễm Phúc