Huy động vốn trái phép 

Thanh tra tỉnh Bình Dương cho biết, đơn vị này vừa công bố quyết định thanh tra về tình hình thực hiện các dự án khu nhà ở thương mại liên quan đến việc khiếu nại phức tạp, đông người trên địa bàn tỉnh. 

Ngoài Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Bình Dương, hai doanh nghiệp có dự án bị thanh tra là Công ty CP Đầu tư thương mại Á Châu (Công ty Á Châu) và Công ty TNHH Xây dựng dịch vụ thương mại đầu tư bất động sản Tường Phong (Công ty Tường Phong).

Đoàn thanh tra sẽ do ông Lê Thành Tài – Phó Chánh Thanh tra tỉnh Bình Dương, làm trưởng đoàn. Thời hạn thanh tra 45 ngày, trường hợp có vấn đề phức tạp, đoàn thanh tra có thể gia hạn thời gian. 

Đây là cuộc thanh tra đột xuất do UBND tỉnh Bình Dương chỉ đạo. Qua thanh tra, đoàn thanh tra sẽ đánh giá tình hình chấp hành quy định pháp luật của các đơn vị cũng như vướng mắc, bất cập trong lĩnh vực đất đai và phát hiện các sai phạm nếu có để xử lý kịp thời. 

Đoàn thành tra yêu cầu các đơn vị phải báo cáo trung thực, cung cấp hồ sơ, tài liệu chính xác và kịp thời để phục vụ cho quá trình thanh tra. 

Chủ đầu tư dự án Khu nhà ở Suối Giữa từng bị phạt vì huy động vốn trái phép. 

Công ty Á Châu được biết đến là chủ đầu tư dự án Khu nhà ở Suối Giữa (tên cũ là Khu nhà ở thương mại Tương Bình Hiệp) tại P.Tương Bình Hiệp và P.Chánh Mỹ, TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. 

Dự án này được UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận đầu tư vào năm 2008. Tháng 8/2015, dự án được UBND TP.Thủ Dầu Một phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500, quy mô dự án lúc này là 30,6ha. 

Đến tháng 4/2020, chủ đầu tư dự án Khu nhà ở Suối Giữa chỉ mới được UBND tỉnh Bình Dương giao, cho thuê đất đợt 1 khoảng 10ha. Sau nhiều năm được chấp thuận đầu tư, Công ty Á Châu vẫn chưa hoàn tất công tác đền bù, giải phóng mặt bằng tại 3,7ha đất nên dự án chưa thể triển khai.

Dù pháp lý dự án Khu nhà ở Suối Giữa chưa hoàn chỉnh nhưng giai đoạn 2017 – 2018, Công ty Á Châu đã huy động vốn của hàng trăm khách hàng bằng hình thức “hợp đồng giữ chỗ và hợp tác đầu tư”. 

Không được nhận đất xây nhà, nhiều khách hàng đã gửi đơn kêu cứu đến cơ quan chức năng. Thậm chí, người dân còn nhiều lần tụ trung tại dự án căng băng rôn để phản đối Công ty Á Châu. 

Vào tháng 10/2020, UBND tỉnh Bình Dương đã ra quyết định xử phạt hành chính Công ty Á Châu với số tiền 285 triệu đồng về hành vi huy động vốn hoặc chiếm dụng vốn trái phép tại dự án Khu nhà ở Suối Giữa. Đồng thời, yêu cầu chủ đầu tư này thực hiện đúng quy định, bồi thường thiệt hại nếu có cho bên mua, bên thuê mua. 

Đầu năm 2022, một số khách hàng mua đất tại dự án Khu nhà ở Suối Giữa bất ngờ khi bị Công ty Á Châu khởi kiện. 

Chủ đầu tư đề nghị TAND TP.Thủ Dầu Một tuyên “hợp đồng giữ chỗ và hợp tác đầu tư” đã ký với khách hàng vô hiệu và cam kết hoàn tiền cho khách hàng kèm theo lãi phạt 0,005%/ngày. 

Nhận được phản ánh của những người mua đất tại dự án Khu nhà ở Suối Giữa, Bí thư Tỉnh uỷ Bình Dương đã chỉ đạo các cơ quan liên quan xử lý các vấn đề tồn tại của dự án, phối hợp với chủ đầu tư giải quyết những vướng mắc, khiếu nại của người dân. Tuy vậy, đến nay sự việc chưa được giải quyết dứt điểm. 

Không phải chủ đầu tư vẫn ký hợp đồng mua bán 

Cũng bị thanh tra trong đợt này, Công ty Tường Phong là chủ đầu tư dự án Roxana Plaza, P.Vĩnh Phú, TP.Thuận An, tỉnh Bình Dương. Vào năm 2021, hàng trăm người mua căn hộ tại dự án này nhiều lần căng băng rôn đề nghị chủ đầu tư hoàn thiện xây dựng và bàn giao nhà. 

Dù Công ty Tường Phong mới là chủ đầu tư dự án Roxana Plaza nhưng từ năm 2018, Công ty CP Naviland (Công ty Naviland) đã đứng ra ký hợp đồng mua bán căn hộ tại dự án với nhiều khách hàng. Dự án thi công ì ạch và liên tục lùi thời hạn giao nhà.

Lùm xùm pháp lý tại dự án Roxana Plaza ảnh hưởng đến quyền lợi của hàng trăm người mua nhà. 

Đến khi người mua nhà tập trung phản đối nhiều lần thì đại diện Công ty Naviland mới cho biết công ty đang thực hiện thủ tục nhận chuyển nhượng dự án từ Công ty Tường Phong. Thủ tục chuyển nhượng dự án vẫn chưa hoàn tất. 

Ngoài ra, đại diện Công ty Naviland còn “tố” lãnh đạo cũ của công ty đã cấu kết với đơn vị phân phối để chiếm đoạt tiền thu của khách hàng. Do vậy, công ty không có vốn để hoàn thiện dự án.

Thông tin về dự án Roxana Plaza vào năm 2021, Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương cho biết đã nhận hơn 300 đơn phản ánh của khách hàng mua căn hộ tại dự án. 

Một số nội dung phản ánh chính là: Công Tường Phong chuyển nhượng dự án khi chưa được UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận; Công ty Naviland không phải chủ đầu tư nhưng vẫn ký hợp đồng mua bán và thu tiền của khách hàng; chậm bàn giao nhà theo cam kết trong hợp đồng…

Vì nhận được nhiều phản ánh liên quan đến việc mua bán căn hộ nên Sở Xây dựng Bình Dương tạm ngưng giải quyết hồ sơ chuyển nhượng dự án Roxana Plaza giữa Công ty Tường Phong và Công ty Naviland. Đến nay, hàng trăm người mua căn hộ tại dự án Roxana Plaza vẫn chưa có nhà. 

Anh Phương