Hiện nay, tỉnh Bình Phước đã xây dựng, phát triển các HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm, hàng hóa chủ lực, có quy mô lớn và sức lan tỏa như điều, tiêu, rau sạch, bưởi da xanh, sầu riêng, ca cao, bơ sáp, mít ruột đỏ….
Tính đến tháng 6/2023, tỉnh có gần 100 HTX nông - lâm nghiệp tham gia sản xuất theo chuỗi giá trị, trong đó 29 HTX trồng và chế biến sản phẩm từ hạt điều; 22 HTX sản xuất hạt tiêu; 7 HTX sản xuất rau; 26 HTX trồng cây ăn trái, chăn nuôi và nông nghiệp khác… đã góp phần nâng cao giá trị nông sản, nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX, cải thiện đời sống thành viên, người nông dân, đảm bảo đầu vào và đầu ra nhằm tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững.
Nhiều HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hình thành mô hình liên kết sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm, điển hình như: HTX Nông nghiệp Sản xuất Thương mại Dịch vụ Thành Phương có các sản phẩm rau, củ, quả đạt tiêu chuẩn VietGAP, đặc biệt là sản phẩm dưa lưới canh tác theo công nghệ cao; HTX Nông nghiệp Hữu cơ Đồng Xanh có sản phẩm điều rang muối; HTX Thương mại Dịch vụ Phước Thiện có sản phẩm mít ruột đỏ theo tiêu chuẩn GlobalGAP; HTX Cây ăn trái Bàu Nghé có sản phẩm sầu riêng cấp đông, sầu riêng sấy, kem sầu riêng đáp ứng tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm….
Các HTX nông nghiệp đã từng bước xây dựng được chiến lược sản xuất kinh doanh và liên kết thu mua sản phẩm cho các thành viên theo chuỗi giá trị và cung cấp cho các siêu thị, cửa hàng tiện lợi như: Siêu thị Coopmart, Bách Hóa Xanh và các công ty như: Công ty chế biến gia vị Nedspice (hồ tiêu), Công ty TNHH MTV A9 (nhãn xuồng Bình Long), Visimex (Điều), Tùng Lâm, Minh Hàng (Sầu riêng)... gắn sản xuất với sơ chế, chế biến và thị trường.
Bình Phước có quỹ đất nông nghiệp dồi dào để có thể quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu trồng trọt và chăn nuôi với quy mô lớn để cung cấp nguyên liệu đầu vào ổn định cho công nghiệp chế biến hạt điều, chế biến gỗ và chế biến thực phẩm.
Nhằm huy động nguồn lực từ khu vực kinh tế tập thể, HTX, mới đây, UBND tỉnh Bình Phước đã ban hành kế hoạch triển khai Đề án nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của HTX nông nghiệp sản xuất, chế biến sâu và xuất khẩu sản phẩm chủ lực có quy mô lớn theo chuỗi giá trị, gắn với xây dựng nông thôn mới. Theo đó, năm 2023 tập trung vận động, hỗ trợ thành lập mới 4 mô hình HTX nông nghiệp đi vào sản xuất, chế biến sản phẩm theo chuỗi giá trị gắn với sản phẩm chủ lực của tỉnh; hỗ trợ 10 HTX nông nghiệp tiếp cận ứng dụng chuyển đổi số; hỗ trợ 10 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt vào hoạt động sản xuất; Hỗ trợ 02 HTX nông nghiệp đang hoạt động hiệu quả có sản phẩm qua chế biến, đóng gói, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm...
Để đạt các mục tiêu này, tỉnh sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thành lập mới mô hình HTX nông nghiệp sản xuất, chế biến sản phẩm chủ lực có quy mô lớn theo chuỗi giá trị, gắn với xây dựng nông thôn mới, hướng đến chế biến sâu và xuất khẩu; triển khai các mô hình HTX trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là mô hình liên kết gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, xây dựng sản phẩm đạt thương hiệu OCOP; lồng ghép các nguồn vốn để triển khai các mô hình HTX trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là mô hình liên kết gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, công nghệ cao vào sản xuất, nhất là công nghệ về sơ chế, bảo quản, chế biến…; tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng sản phẩm có khả năng cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài tỉnh; tăng cường hỗ trợ các HTX đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, hỗ trợ xây dựng các mô hình điểm về HTX chuyển đổi số...
Các HTX cũng được tiếp cận, nghiên cứu, khảo sát thị trường; xây dựng, đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu; đăng ký sản phẩm thương mại; tham gia hội chợ triển lãm, nhằm nâng cao năng lực xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, tìm kiếm đối tác kinh doanh; hỗ trợ HTX ứng dụng thương mại điện tử, tham gia chương trình giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm thông qua các sàn giao dịch điện tử, các ứng dụng bán hàng trực tuyến...
Ngoài sự hỗ trợ của tỉnh, các HTX cũng cần đẩy mạnh đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi nhằm nâng cao chất lượng và giá trị nông sản, phát triển sản xuất kinh doanh và thực hiện có hiệu quả kế hoạch phát triển HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025
Sự hỗ trợ của tỉnh chắc chắn sẽ tạo động lực cho phát triển kinh tế tập thể, HTX nông nghiệp tại địa phương để phát huy hơn nữa vai trò liên kết, hợp tác, hỗ trợ thành viên và cộng đồng khu vực; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho thành viên và người lao động trong HTX.