Những năm qua, chương trình cho vay học sinh, sinh viên (HSSV) theo Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ đã hỗ trợ hiệu quả con em các gia đình nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn được học hành, vươn lên trong cuộc sống, trong đó có nhiều hộ là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).
Gia đình ông Điểu Grêm ở thôn Sơn Trung, xã Đức Hạnh, huyện Bù Gia Mập có nhiều con đi học xa nên gặp không ít khó khăn. Từ năm 2017 ông đã vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện với số tiền 180 triệu đồng cho 4 người con.
Từ khi được tiếp cận nguồn vốn vay đối với HSSV, các con ông đều cố gắng học tập đến nơi đến chốn. Đến nay gia đình ông đã trả 80 triệu đồng, chỉ còn 2 sinh viên đang theo học, còn lại đã ra trường có công việc làm ổn định.
Bù Gia Mập là huyện biên giới có xuất phát điểm kinh tế - xã hội thấp, đồng bào DTTS chiếm khoảng 36,6% dân số toàn huyện. Huyện có 03 xã và 16 thôn đặc biệt khó khăn; số hộ nghèo/ cận nghèo là đồng bào DTTS lần lượt chiếm khoảng 60%/ 55% số hộ nghèo/ cận nghèo toàn huyện. Với những hộ gia đình ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào DTTS, nhất là hộ đông con, để chăm lo cho con em được ăn học đầy đủ, vào được các cơ sở đào tạo nghề, trường trung cấp, cao đẳng, đại học là thách thức rất lớn.
Trong năm học mới 2023 - 2024, với quyết tâm không để HSSV nào phải dừng việc học vì không tiếp cận được nguồn vốn cho vay HSSV, không có tiền đóng học phí và chi phí học tập, chương trình cho vay vốn HSSV đã được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện triển khai có hiệu quả, tạo nguồn lực kịp thời để hỗ trợ, tiếp sức cho HSSV nghèo.
Tiếp sức cho học sinh, sinh viên vùng biên
Hiện nay Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện tín dụng chính sách trên địa bàn với phương thức hoạt động là ủy thác đến hội đoàn thể cấp cơ sở cũng như ủy nhiệm đến hệ thống tổ trưởng đến tận các thôn, ấp, bản làng. Nguồn vốn được người dân tiếp cận từ dưới cơ sở lên. Khi có nhu cầu vay vốn, hộ vay sẽ tiếp cận với tổ trưởng ở thôn, ấp, bản.
Hàng năm vào tháng 8, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện có thông báo tới các thôn trên địa bàn để các hộ dân có nhu cầu vay vốn biết, liên hệ với thôn và được hướng dẫn làm hồ sơ vay vốn HSSV nếu có nhu cầu.
Chỉ tính riêng trong học kỳ I năm 2023 - 2004 Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã giải ngân được 14 tỷ 923 triệu đồng với 373 lượt HSSV được vay vốn. Đến ngày 31/12/2023, tổng dư nợ chương trình HSSV có hoàn cảnh khó khăn tại phòng giao dịch là 40 tỷ 432 triệu đồng với hơn 1.000 sinh viên đã được hỗ trợ vay vốn.
Để tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình này, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị nhận ủy thác tăng cường công tác tuyên truyền về tín dụng chính sách nói chung và chương trình cho vay HSSV nói riêng. Qua đó giúp nhân dân trên địa bàn huyện nắm rõ và tiếp cận nguồn vốn một cách nhanh chóng, thuận lợi nhất, đặc biệt quan tâm đến đối tượng học sinh, sinh viên học nghề, con em đồng bào DTTS.
Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát nhu cầu của các hộ dân trên địa bàn, tăng cường công tác kiểm tra giám sát, quản lý chặt chẽ nguồn vốn vay, hướng dẫn hộ vay sử dụng vốn vay đúng mục đích nhằm phát huy giá trị và hiệu quả của nguồn vốn mang lại cũng như nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn huyện.
Hiện nay, chương trình tín dụng đối với HSSV có hoàn cảnh khó khăn được thực hiện theo Quyết định 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 05/2022/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 157/2007/QĐ-TTg. Đối tượng vay vốn là HSSV có hoàn cảnh khó khăn theo học tại các trường đại học (hoặc tương đương đại học), cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và tại các cơ sở đào tạo nghề. Mức cho vay tối đa 4 triệu đồng/tháng/HSSV. |