Bộ Công an nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Hải Dương sau kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV do Ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyển đến. Cử tri kiến nghị Bộ Công an phối hợp với Bộ TT&TT xử lý kịp thời các trang mạng có các bài đăng phản cảm, nói xấu, bôi nhọ lãnh đạo Đảng và Nhà nước; thường xuyên kiểm tra, giám sát các trang mạng, đấu tranh bảo vệ an ninh mạng, xử lý kịp thời, nghiêm minh những vụ việc liên quan đến an ninh mạng.

Bộ Công an cho biết, hiện nay, các thế lực thù địch, số đối tượng phản động - chống đối, hãng thông tấn quốc tế và nhiều website, blog, mạng xã hội chống đối thường xuyên đăng tải hàng loạt tin, bài viết, video có nội dung tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước. Các đối tượng xuyên tạc tình hình chính trị nội bộ, hạ uy tín các đồng chí lãnh đạo cấp cao, kích động biểu tình, phá rối an ninh trật tự.

Thủ đoạn chủ yếu là tạo lập, sử dụng các trang mạng có máy chủ ở nước ngoài để phát tán thông tin xấu độc, đặc biệt là vào thời điểm diễn ra các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội quan trọng; sử dụng tên, hình ảnh của các mục tiêu, hội nhóm theo các sự kiện chính trị, vấn đề phức tạp, tình hình nóng để thu hút dư luận, lan truyền thông tin xấu độc, chống Đảng, Nhà nước; sử dụng các mạng xã hội có sự phát triển nhanh, phổ biến như Telegram, Viber, TikTok, Instagram, Twitter... để liên lạc, thảo luận, huấn luyện cũng như tán phát thông tin xấu độc, tác động trực tiếp tới giới trẻ.

Đáng chú ý, Bộ Công an cho biết, nhiều trang Fanpage, nhóm mạng xã hội Facebook mạo danh, sử dụng thông tin, hình ảnh của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lực lượng Công an để thu hút người truy cập nhằm lan truyền thông tin xấu độc, sai sự thật, lừa đảo.

Để chủ động phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn hoạt động đăng tải thông tin sai sự thật, Bộ Công an đã và đang chỉ đạo triển khai các giải pháp. Bộ Công an chủ động nắm tình hình, giám sát chặt chẽ các mục tiêu thường xuyên đăng tải thông tin xấu độc trên không gian mạng để xây dựng phương án, đối sách.

Tập trung triển khai các biện pháp nghiệp vụ với hàng trăm mục tiêu trên không gian mạng; tổ chức và quét, theo dõi, nắm tình hình trên không gian mạng liên quan đến các sự kiện chính trị quan trọng, các vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự mà các thế lực thù địch tập trung lợi dụng để chống phá.

Giám sát thường trực các hội nhóm lớn, một số kênh youtube có hoạt động chống phá mạnh, thường xuyên đăng tải nhiều tin, bài viết, video có nội dung tuyên truyền xuyên tạc, công kích bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lực lượng Công an, kích động biểu tình phá rối an ninh, trật tự.

Qua đó, phân tích, xử lý hàng triệu tin/bài có nội dung xấu độc, chống Đảng, Nhà nước; sàng lọc, đánh giá theo tính chất, mức độ hoạt động, hệ loại đối tượng để có báo cáo phản ánh tình hình, tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền và trao đổi, phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan tổ chức đấu tranh kịp thời.

Bộ Công an phối hợp với Bộ TT&TT yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet quản lý chặt chẽ thông tin trên không gian mạng; thực hiện chức năng quản lý nhà nước, yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới tại Việt Nam (Google, Youtube...) tuân thủ, chấp hành đầy đủ quy định của pháp luật Việt Nam trên lĩnh vực đảm bảo an ninh, an toàn thông tin mạng.

Trả lời cử tri, Bộ Công an cho biết, bộ đã chủ động trong công tác tuyên truyền, phản bác, vạch trần âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch; phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí đổi mới hình thức, nội dung tuyên truyền giúp người dân nâng cao ý thức cảnh giác trước các phương thức hoạt động của tội phạm trên không gian mạng.

Ngoài ra, chủ động rà soát, đánh giá, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật liên quan quản lý, sử dụng Internet, mạng xã hội phục vụ phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật trên không gian mạng.