Chiều 4/11, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, Văn phòng Chính phủ đã nhận được văn bản của Bộ Giao thông. Tuy nhiên, việc chống ùn tắc trên địa bàn Thủ đô trước hết thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Hà Nội. Vì vậy, Bộ Giao thông cần làm việc với Hà Nội để thống nhất phương án trình Chính phủ.

TIN BÀI KHÁC


Xung quanh đề án đổi giờ làm việc, giờ học để tránh ùn tắc giao thông trên địa bàn Thủ đô do Bộ Giao thông trình Chính phủ, chiều 4/11, tại buổi họp báo thường kỳ của Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, Văn phòng Chính phủ đã nhận được văn bản của Bộ GTVT và đã tiến hành xử lý, báo cáo lãnh đạo Chính phủ.

Bộ Trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ khẳng định, vấn đề an toàn giao thông nói chung, trong đó có ùn tắc giao thông, là nội dung được Chính phủ tập trung chỉ đạo nhiều năm nay. Trước kia, Chủ tịch UBATGTQG thường là Bộ trưởng Bộ GTVT thì tới nhiệm kỳ này, Thủ tướng đã yêu cầu nâng cấp lên, Uỷ viên Bộ chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp làm Chủ tịch UBATGT QG.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, đến nay tất cả các giải pháp về đảm bảo ATGT nói chung và chống ùn tắc đều đã được bàn. Việc ùn tắc giao thông cơ bản chỉ xảy ra ở một số thành phố lớn, cụ thể là HN, TPHCM. Riêng vấn đề điều chỉnh giờ làm, năm 2003, Hà Nội đã từng triển khai biện pháp này.

Cảnh thường thấy trên đường phố Hà Nội giờ cao điểm.

Với đề xuất đổi giờ làm, giờ học do Bộ Giao thông vận tải trình, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho rằng, việc đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn Hà Nội, trong đó có việc chống ùn tắc giao thông trước hết thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của UBND Hà Nội. Vì thế, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ GTVT làm việc với UBND Hà Nội, trao đổi, thống nhất phương án.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ, vì là công việc của Hà Nội nên thành phố phải chủ động vào cuộc, trình các cấp có thẩm quyền của Hà Nội xem xét quyết định. Với các vấn đề thuộc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thì trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết.

“Chính phủ cũng yêu cầu các cơ quan chức năng, kêu gọi nhân dân, trước mắt, trong khi chưa có giải pháp cụ thể thì hãy nghiêm chỉnh chấp hành luật lệ giao thông. Nếu chỉ nghiêm chỉnh chấp hành luật lệ giao thông thì tai nạn giao thông, vấn đề ùn tắc giao thông cũng đã được giải quyết một phần”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nói.

Trước đó, theo dự kiến, Bộ GTVT và Hà Nội sẽ cùng nghiên cứu, thống nhất và đồng trình lên Chính phủ phương án đổi giờ làm. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, Bộ Giao thông vận tải đã đơn phương trình Chính phủ 2 phương án đổi giờ làm.

Tuy nhiên, không đồng ý với kế hoạch của Bộ Giao thông vận tải, ngay sau đó, Hà Nội đã lên tiếng sẽ tự xây dựng đề án riêng để trình Chính phủ phê duyệt. Hiện Hà Nội đã đưa ra 3 phương án và đang lấy ý kiến các Bộ, ngành trước khi hoàn thiện trình Chính phủ. Tuy nhiên, phương án Hà Nội đang xây dựng không có nhiều sự thay đổi. Việc này cũng đã được chính Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh, Giám đốc Công an Hà Nội khẳng định.

Về vấn đề này, dư luận cũng cho rằng, dù chưa thể khẳng định phương án của Bộ GTVT hay của Hà Nội là hợp lý hơn, nhưng trước hết, hai cơ quan này phải vì mục đích chung là giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông và lợi ích của người dân chứ không phải chỉ để thể hiện cái "tôi" của các cơ quan này.

Trong khi đó, có ý kiến cho rằng, trong việc đơn phương trình Chính phủ mà không chờ Hà Nội, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã thành công trong việc "thúc" Thành phố Hà Nội phải khẩn trương giải quyết những công việc thuộc trách nhiệm của mình. "Bấy lâu nay cứ chần chừ. Cho nên, không nhất thiết phải là Chính phủ áp dụng phương án của ai mà tự Hà Nội phải làm việc của mình thôi. Bộ máy của HN trì trệ quá!" - một độc giả của chia sẻ.

(Theo VnMedia)