Thông tin trên vừa được ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Khu Quản lý đường bộ 4 (Cục Đường bộ VN) xác nhận với PV VietNamNet.
Cụ thể, Bộ GTVT đã có văn bản phê duyệt phương án tổ chức giao thông để khai thác tạm thời dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Phan Thiết - Dầu Giây thuộc dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.
Theo đó, Bộ GTVT cho phép tốc độ lưu thông trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây tối đa 120km/h, tối thiểu 60km/h.
Bộ GTVT lưu ý, trong điều kiện thời tiết mưa, nhiều sương mù, mặt đường trơn trượt, người điều khiển phương tiện giao thông phải điều chỉnh tốc độ thích hợp để đảm bảo an toàn.
Trước đó, đoàn kiểm tra liên ngành sau khi đi khảo sát, đánh giá đã có đề xuất do đoạn đường mới khai thác tạm, đảm bảo an toàn Cục Cảnh sát Giao thông (C08) đã kiến nghị giảm tốc xuống còn 100km/h.
Kiến nghị này cũng được đoàn kiểm tra gồm Khu quản lý đường bộ 4 (Cục Đường bộ Việt Nam) cùng với các bên liên quan khảo sát thực tế toàn tuyến cao tốc trước khi đưa vào khai thác đề xuất trước đó.
Tại thời điểm đề xuất, các đơn vị đều thống nhất việc giảm tốc độ nhằm đảm bảo an toàn cho xe chạy, bởi tuyến còn một số hạng mục nút giao, đường dẫn, hàng rào chưa hoàn thiện.
Ngoài việc giảm vận tốc chung trên toàn tuyến, các đơn vị cũng thống nhất đề xuất đối với những đoạn chưa đảm bảo an toàn, xe chỉ được chạy tối đa 80 km/h trong thời gian khai thác tạm.
Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết dài 99km nối Đồng Nai, Bình Thuận (đoạn qua Bình Thuận 47km, Đồng Nai 52km) được khởi công từ tháng 9/2020 với tổng mức đầu tư hơn 12.500 tỷ đồng. Đây là tuyến giao thông huyết mạch nối cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.
Dự án gồm 4 gói thầu đi qua nhiều địa phương 2 tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận. Theo thiết kế ban đầu, cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết có 6 làn xe, vận tốc cho phép tối thiểu 60km/h, tối đa 120km/h.
Hiện tuyến cao tốc trên chưa có trạm dừng nghỉ, chưa thu phí. Tuy nhiên, khi khai thác tuyến Dầu Giây - Phan Thiết, sẽ rút ngắn thời gian từ TP.HCM đi Phan Thiết còn khoảng 2 giờ.