Bộ Quốc phòng mới đây nhận được kiến nghị của cử tri do Ban Dân nguyện chuyển đến đề nghị nghiên cứu trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015, quy định theo hướng tất cả nam thanh niên đến tuổi phải thực hiện nghĩa vụ quân sự, sau đó mới được đi học đại học hoặc học nghề để đảm bảo tính nghiêm minh và công bằng, tạo điều kiện thuận lợi cho chính quyền cơ sở gọi thanh niên nhập ngũ.

Bộ Quốc phòng cho biết, về hành lang pháp lý trong nghĩa vụ quân sự (NVQS) thì Luật NVQS năm 2015 được Quốc hội thông qua, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016. Cùng với đó là các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn Luật được ban hành, điều chỉnh một số nội dung.

Sau hơn 7 năm thực hiện đã góp phần quan trọng đối với nhiệm vụ quân sự, quốc phòng của địa phương, đơn vị. Hằng năm công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ để bổ sung quân số cho các đơn vị thường trực và thay quân theo luật định.

Tân binh chia tay người thân lên đường nhập ngũ. Ảnh minh họa: Phạm Hải

Theo Bộ Quốc phòng, thực tiễn, quá trình triển khai thực hiện đã có những khó khăn, vướng mắc, bất cập nhất định, trong đó có một số vấn đề mà cử tri phản ánh đó là thực hiện công bằng xã hội đối với mọi nam thanh niên trong độ tuổi nhập ngũ.

Theo quy định của Luật NVQS 2015, mọi công dân trong độ tuổi thực hiện NVQS, không phân biệt dân tộc, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ học vấn, nghề nghiệp, nơi cư trú phải thực hiện NVQS.

Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế đất nước còn hạn hẹp và nhiều yếu tố khác chi phối nên chưa thể gọi hết nam thanh niên nhập ngũ. Hằng năm chỉ gọi nhập ngũ từ 3-3,2% trong tổng số thanh niên ở độ tuổi thực hiện NVQS.

Bộ Quốc phòng cho biết sẽ tiếp thu, nghiên cứu, xem xét báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật NVQS năm 2015 theo chương trình soạn thảo luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Đồng thời chỉ đạo cơ quan chức năng rà soát các văn bản quy phạm pháp luật. Nghiên cứu, đề xuất Chính phủ, và các bộ ngành sửa đổi, bổ sung, hoàn chỉnh hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan bảo đảm thống nhất, đồng bộ góp phần thực hiện công bằng trong công tác tuyển quân.

Bộ đội xuất ngũ không được miễn học phí học nghề

Bộ Quốc phòng cũng nhận được kiến nghị của cử tri với nội dung: cần ban hành quy định, hướng dẫn thống nhất trong công tác giải quyết việc làm và cấp thẻ đào tạo nghề cho bộ đội sau xuất ngũ. Vì hiện nay, bộ đội khi xuất ngũ trở về địa phương muốn học nghề và cầm theo thẻ học nghề do Bộ Quốc phòng cấp đến các trung tâm dạy nghề để đăng ký học nghề thì không được miễn học phí theo quy định.

Về vấn đề này, Bộ Quốc phòng cho biết, chế độ đào tạo, học nghề, giải quyết việc làm cho hạ sĩ quan, binh sĩ xuất ngũ được quy định tại Luật NVQS và Nghị định số 27 của Chính phủ.

Trường hợp hạ sĩ quan, binh sĩ hoàn thành nghĩa vụ phục vụ tại ngũ, khi xuất ngũ nếu có nhu cầu đào tạo nghề và đủ điều kiện được hỗ trợ đào tạo nghề thì được hỗ trợ đào tạo nghề theo quy định.

Theo quy định tại Nghị định số 61 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và quỹ quốc gia về việc làm, trong đó có nội dung hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên hoàn thành NVQS, nhằm khuyến khích và tạo điều kiện cho bộ đội xuất ngũ về địa phương có nhiều cơ hội tìm việc làm, có thu nhập ổn định và phát triển kinh tế.

Về nguyên tắc bộ đội xuất ngũ được cấp thẻ học nghề và được hỗ trợ tiền học nghề nếu tham gia học nghề trình độ sơ cấp tại các cơ sở đào tạo đúng luật định.

Những năm qua, Bộ Quốc phòng đã thường xuyên phối hợp với Bộ LĐTB&XH chỉ đạo, hướng dẫn các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị, các cơ sở đào tạo nghề tăng cường tuyên truyền, thực hiện có hiệu quả chính sách hướng nghiệp dạy nghề, tạo việc làm cho bộ đội xuất ngũ và công tác hậu phương quân đội.

Bộ đội xuất ngũ tham gia học nghề ở trình độ sơ cấp được miễn học phí, hỗ trợ một phần chi phí về chỗ ở, tiền ăn, sinh hoạt phí. Vì vậy số lượng đăng ký, tham gia học nghề tại các cơ sở dạy nghề trên toàn quốc từng năm đều tăng, đa số sau khi học nghề được hỗ trợ giới thiệu việc làm tại các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn hoặc tham gia thị trường lao động ngoài nước, có thu nhập ổn định.

Tuy nhiên, theo Bộ Quốc phòng trong quá trình thực hiện còn một số vướng mắc như cử tri kiến nghị, nhiều trường hợp trước khi nhập ngũ đã tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng, đại học, vì vậy khi xuất ngũ không có nhu cầu học nghề; thời gian sử dụng thẻ và thủ tục thanh quyết toán còn bất cập… dẫn đến chưa phát huy tốt chính sách của Đảng, Nhà nước đối với bộ đội xuất ngũ.

Về giải pháp, Bộ Quốc phòng tiếp thu, nghiên cứu và phối hợp chặt chẽ với Bộ LĐTB&XH kiến nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định số 61 cho phù hợp, sát với thực tiễn và bảo đảm tốt hơn quyền lợi đối với bộ đội xuất ngũ.