Bộ Quốc phòng mới đây nhận được kiến nghị của cử tri do Ban Dân nguyện chuyển đến phản ánh, hiện nay nguồn công dân tham gia thực hiện nghĩa vụ quân sự hằng năm rất khó khăn, bên cạnh đó số công dân trốn, tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự rất nhiều.

Cử tri đề nghị có biện pháp tăng cường các chế tài xử lý công dân trốn, tránh đi nghĩa vụ quân sự; xử lý đối với những doanh nghiệp sử dụng lao động là những công dân trốn, tránh nghĩa vụ quân sự để đảm bảo công bằng, dân chủ trong công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ.

Cử tri đề nghị Bộ Quốc phòng tham mưu trình Chính phủ có quy định cụ thể đối với việc một số thanh niên trong độ tuổi thực hiện Luật nghĩa vụ quân sự, lợi dụng kẽ hở để xăm trổ trên cơ thể nhằm thực hiện ý đồ cá nhân trốn tránh nghĩa vụ quân sự.

Trả lời các kiến nghị của cử tri, Bộ Quốc phòng cho biết, đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định số 37 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu.

Công dân thủ đô hăng hái lên đường nhập ngũ. Ảnh: Phạm Hải

Trước đây, tại khoản 1 điều 7 Nghị định số 120 quy định: “Phạt tiền từ 1,5 triệu đồng đến 2,5 triệu đồng đối với hành vi không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm tập trung ghi trong lệnh gọi nhập ngũ mà không có lý do chính đáng”.

Còn tại Nghị định số 37 quy định điều chỉnh tăng mức tiền xử phạt: “Phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với hành vì không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm tập trung ghi trong lệnh gọi nhập ngũ mà không có lý do chính đáng” (tăng từ 15-16 lần).

“Phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với hành vi gian dối nhằm trốn tránh thực hiện lệnh gọi nhập ngũ sau khi đã có kết quả khám tuyển sức khỏe nghĩa vụ quân sự đủ điều kiện nhập ngũ theo quy định.

Phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 75 triệu đồng đối với hành vi không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ”.

Hiện nay, Luật Nghĩa vụ quân sự và các văn bản pháp luật có liên quan đến lao động, không có quy định cụ thể về trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc tiếp nhận và sử dụng lao động trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự, nên không có cơ sở pháp lý để xử lý vi phạm đối với hành vi doanh nghiệp sử dụng lao động là những công dân trốn, tránh nghĩa vụ quân sự.

Về giải pháp, Bộ Quốc phòng tiếp thu và chỉ đạo cơ quan chức năng rà soát nghiên cứu, đề xuất Quốc hội bổ sung quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp sử dụng lao động trong việc tiếp nhận sử dụng lao động trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự vào Luật Nghĩa vụ quân sự; để có cơ sở xử lý khi doanh nghiệp vi phạm.

Trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, không có quy định cấm công dân xăm hình, xăm chữ lên cơ thể, vì vậy không có cơ sở pháp lý để xử phạt. Quy định về hình xăm, chữ xăm khi xét duyệt tiêu chuẩn tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ vào phục vụ trong Quân đội được quy định tại Thông tư của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an.

Theo đó, không tuyển chọn vào phục vụ trong Quân đội những trường hợp sau: “Trên cơ thể có hình xăm, chữ xăm có nội dung chống đối chế độ, chia rẽ dân tộc, mang tính kinh dị, kỳ quái, kích động tình dục, bạo lực. Hình xăm, chữ xăm gây phản cảm ở vị trí lộ diện, như: Mặt, đầu, cổ; từ 1/2 cánh tay trên trở xuống, từ 1/3 dưới đùi trở xuống. Hình xăm, chữ xăm chiếm diện tích từ 1/2 lưng, ngực, bụng trở lên.”

Vì vậy, quá trình tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ, nếu để những công dân có hình xăm, chữ xăm với nội dung nêu trên nhập ngũ vào Quân đội, gây phản cảm, ảnh hưởng đến hình ảnh, lễ tiết tác phong của người quân nhân cách mạng, xây dựng môi trường văn hóa trong Quân đội.

Những công dân trên cơ thể có hình xăm, chữ xăm không thuộc các quy định trên hoặc có thể tẩy xóa thì vẫn được xem xét, tuyển chọn nghĩa vụ quân sự.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, một số công dân đã lợi dụng quy định này cố tình xăm hình, xăm chữ lên cơ thể trước thời điểm khám tuyển để trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự, gây dư luận bất bình trong nhân dân.

Để kịp thời ngăn chặn các hành vi lợi dụng, trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự, hằng năm Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo rút kinh nghiệm và có hướng dẫn chi tiết cụ thể về hình xăm, chữ xăm khi tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ. Do đó, chất lượng công tác tuyển quân từng bước được nâng lên; góp phần hạn chế hành vi công dân lợi dụng hình xăm, chữ xăm trên cơ thể để trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Về giải pháp, Bộ Quốc phòng tiếp thu và chỉ đạo cơ quan chức năng rà soát các văn bản quy phạm pháp luật thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự; nghiên cứu, đề xuất Chính phủ và các bộ sửa đổi, bổ sung, hoàn chỉnh cho phù hợp bảo đảm thống nhất, đồng bộ trong triển khai thực hiện.