Bộ Tài chính vừa có văn bản đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo người đại diện vốn Nhà nước tại Sabeco khẩn trương nộp vào ngân sách 2.500 tỷ đồng là lợi nhuận từ năm 2016 trở về trước mà Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra.
Dẫn luật Kiểm toán Nhà nước 2015, Bộ Tài chính cho rằng: Quy định báo cáo kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước sau khi phát hành và công khai có giá trị bắt buộc phải thực hiện với đơn vị vi phạm trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Ngoài ra, báo cáo của Kiểm toán Nhà nước là căn cứ để Chính phủ, cơ quan quản lý Nhà nước và tổ chức, cơ quan khác sử dụng trong quản lý, điều hành và thực thi nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
Do vậy, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo người đại diện vốn Nhà nước tại Tổng công ty cổ phần bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) chấn chỉnh kịp thời các sai phạm mà Kiểm toán Nhà nước đã nêu, đồng thời khẩn trương nộp vào ngân sách Nhà nước số thuế và các khoản phải nộp khác được nhắc đến tại kiến nghị báo cáo kiểm toán.
Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công Thương, Sabeco thông báo kết quả thực hiện về Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) trước ngày 30/4.
Liên quan đến kết luận của Kiểm toán Nhà nước, ngày 16/3, Bộ Công Thương cho biết đang chỉ đạo Tổng công ty cổ phần Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) "thực hiện kết luận Kiểm toán Nhà nước, đồng thời phối hợp các đơn vị chức năng của bộ rà soát, làm rõ các nội dung báo cáo các cấp có thẩm quyền".
Trong khi đó, Sabeco cũng chính thức lên tiếng về kết luận kiểm toán. Cụ thể, Sabeco cho biết ngoài những khoản đầu tư tài chính phát sinh thời kỳ công ty Nhà nước từ trước tháng 4/2008, doanh nghiệp này đã trích lập dự phòng theo quy định từ 2008 đến 2017.
Một số vấn đề còn tồn tại chưa được xử lý dứt điểm đều đã được Sabeco công bố thông tin trước khi Bộ Công Thương bán phần vốn Nhà nước tại Sabeco. Trong đó có nội dung liên quan đến khoản thuế tiêu thụ đặc biệt giai đoạn 2007-2015 đã tạm nộp mà khi có quyết định chính thức của cấp có thẩm quyền có thể gây ảnh hưởng đến số liệu tài chính của Sabeco.
Trên cơ sở đảm bảo tối đa lợi ích hợp pháp của cổ đông thì những nội dung mà Kiểm toán Nhà nước đã nêu ý kiến, Sabeco cho rằng đã tuân thủ theo Luật doanh nghiệp, các quy định pháp luật hiện hành.
Cùng với đó, doanh nghiệp cũng xin ý kiến của các cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn, phê duyệt trước khi thực hiện. Sabeco đang triển khai thực hiện Kết luận kiểm toán, đã phối hợp các đơn vị liên quan có ý kiến với Kiểm toán Nhà nước một số vấn đề mà kết luận đã nêu.
Sabeco cho biết tiếp tục kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét hướng dẫn thực hiện, trong đó bao gồm việc xử lý dứt điểm vấn đề thuế tiêu thụ đặc biệt nộp bổ sung của giai đoạn 2007-2015 có thể ảnh hưởng đến việc phân phối lợi nhuận đến 31/12/2016.
Trước đó, Kiểm toán Nhà nước đã có văn bản gửi Bộ Công Thương về kết luận báo cáo kiểm toán báo cáo tình hình tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn nhà nước năm 2016 của Sabeco.
Kiểm toán Nhà nước đề cập đến các vấn đề lợi nhuận chưa được phân phối đến ngày 31/12/2016 là 2.930 tỷ đồng và chưa được chia cổ tức cho các cổ đông.
Công ty mẹ phải trích lập dự phòng tổn thất đầu tư tài chính đối với 10 khoản đầu tư dài hạn khi có vốn góp dưới 20% vốn điều lệ với số tiền 444,7 tỷ đồng, bằng 77,8% giá trị đầu tư.
Trong đó, phần lớn là các hạng mục đầu tư trái ngành, chủ yếu trong các lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, quỹ đầu tư tài chính, chủ yếu trước năm 2008, thời điểm cổ phần hóa.
Đồng thời, việc chi tiền thưởng của năm tài chính 2015 (chi trong năm 2016) cho chủ tịch hội đồng quản trị, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, trưởng ban kiểm soát và kế toán trưởng hơn 15 tỷ đồng, bằng 20,3 tháng lương thực hiện bình quân của người quản lý, trong khi mức tối đa mà doanh nghiệp được thưởng theo quy định tại nghị định 71 năm 2013 chỉ 1,5 tháng lương.
Và mức thưởng Sabeco đã chi cao hơn mức khen thưởng mà Bộ Công Thương chấp thuận tới hơn 12,7 tỷ đồng.
Hà Duy
Hai tuần chi phối Sabeco, tỷ phú Thái Lan đút túi 1.200 tỷ
Doanh nghiệp của tỷ phú người Thái Charoen Sirivadhanabhakdi sẽ nhận hơn 1,2 ngàn tỷ đồng từ phần lợi nhuận Sabeco ngay sau khi thực hiện thương vụ đình đám nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Sabeco thu gần 110 nghìn tỷ đồng: Đừng lo mất vốn, mất thương hiệu
Cổ phần của Bia Sài Gòn (Sabeco) đã chính thức được bán với số tiền lên đến gần 110.000 tỷ đồng vào những ngày cuối cùng của năm 2017.
Sabeco 'ván bài lật ngửa'
Đang có những ý kiến tranh luận trái chiều về giá khởi điểm đợt bán đấu giá công khai 53,59% cổ phần của Nhà nước tại Tổng công ty Rượu - Bia - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco - SAB) được công bố ngày 29-11-2017.
Thương vụ Sabeco 4,9 tỷ USD: Nỗi lo độc quyền
Thoái vốn tại Bia Sài Gòn là một bài toán khó. Bộ Công Thương đã có những quy định siết chặt thoái vốn, thiết lập thị trường bia cạnh tranh, hạn chế độc quyền trong ngành bia.
Chục ngàn tỷ sẵn túi: Sốt ruột chờ mua Sabeco, Habeco
Thị trường bia Việt đang thu hút nhiều đại gia bia ngoại và có sự cạnh tranh khốc liệt để chiếm thị phần. Đặc biệt, sự kiện thoái vốn nhà nước trong 2 công ty Sabeco và Habeco sẽ mở ra cánh cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài.