Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà bày tỏ quan điểm trên tại Hội nghị sơ kết công tác ngành Nội vụ 6 tháng đầu năm và đề ra nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024.
25 địa phương chưa gửi hồ sơ về Bộ
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, trong 6 tháng qua, ngành đã đạt được nhiều thành tích nổi bật, đóng góp chung vào sự phát triển của đất nước.
Trong đó, nổi bật nhất là các địa phương triển khai tốt công tác sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Cụ thể, đến thời điểm này, toàn ngành đã gỡ được các vướng mắc tồn tại, các hạn chế phát sinh, nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Từ đó, đã có 28/53 đơn vị trong diện sắp xếp hoàn thành được đề án. Bộ Nội vụ đã thẩm định 14 hồ sơ, trong đó đã trình Chính phủ hồ sơ của 5 địa phương tiêu biểu để trình Quốc hội.
Theo Bộ trưởng, công tác sắp xếp các đơn vị hành chính là không dễ, nhưng các địa phương đã triển khai với một tinh thần càng khó, càng quyết tâm...
“Tuy nhiên, nhìn lại tiến độ sắp xếp vẫn còn chậm so với mục tiêu đề ra. Phải tăng tốc và bắt buộc xong trước ngày 30/9, để báo cáo cấp có thẩm quyền. Địa phương nào làm chậm phải chịu trách nhiệm trước Bộ Chính trị, trước Quốc hội, Chính phủ”, người đứng đầu ngành Nội vụ lưu ý.
Thủ trưởng quyết liệt, công việc thông suốt
Là địa phương đầu tiên được Bộ Nội vụ thẩm định đề án, tỉnh Nam Định đã chia sẻ kinh nghiệm về công tác sắp xếp đơn vị hành chính tại hội nghị.
Theo đó, địa phương đã triển khai đồng bộ các giải pháp quyết liệt từ cấp lãnh đạo đến cơ sở, làm nhanh nhưng đảm bảo tính khoa học.
“Trong triển khai, chúng tôi xác định rõ trách nhiệm cụ thể của từng cá nhân, đơn vị, tổ chức…gắn với trách nhiệm người đứng đầu. Xem kết quả sắp xếp đơn vị hành chính là tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu”, đại diện Sở Nội vụ Nam Định cho biết.
Phát biểu tham luận, theo đại diện Sở Nội Vụ TP Hà Nội, công tác sắp xếp cán bộ là khó nhất. Tuy nhiên địa phương đã vận dụng sáng tạo, tìm cách giải quyết phù hợp, mang lại sự ổn định cho bộ máy, sự an tâm cho cán bộ, công chức sau sắp xếp. Đặc biệt, công tác lựa chọn cán bộ, bố trí người đứng đầu tại các đơn vị sau sắp xếp đủ phẩm chất, năng lực đã tạo được sự đồng thuận từ nhân dân.
Nhiều tham luận khác cũng cho rằng, sự quyết liệt của người đứng đầu tổ chức, cơ quan là thước đo thành công trong triển khai sắp xếp đơn vị hành chính tại địa phương.
Sửa luật để khuyến khích và bảo vệ cán bộ
Về vấn đề này, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho rằng, vẫn còn nhiều khó khăn, tồn tại trong ngành Nội vụ. Đó là hệ thống thể chế chưa đồng bộ, nhất quán; còn tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong một số văn bản pháp luật. Thực tiễn đặt ra nhiều vấn đề để toàn ngành nghiên cứu, xem xét ban hành các chính sách phù hợp hơn.
Cụ thể, đang tồn tại tình trạng cán bộ né tránh, sợ sai…đặt ra yêu cầu cho ngành Nội vụ nghiên cứu chính sách để hạn chế tình trạng tâm lý này.
Trong đó, phải tiếp tục tham mưu sửa các luật, như Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Chính quyền địa phương, Luật cán bộ công chức và Luật viên chức…
“Việc sửa các luật nói trên nhằm hóa giải vấn đề sợ trách nhiệm, sợ sai và đáp ứng được yêu cầu bảo vệ, khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm”, Bộ trưởng khẳng định.
Về biên chế, bà Phạm Thị Thanh Trà yêu cầu các địa phương tiếp tục tháo gỡ các bất cập, để đạt mục tiêu giảm biên chế 10% theo quy định, nhưng vẫn bảo đảm hoạt động hiệu quả của bộ máy.