Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh tại cuộc họp với 28 tỉnh, thành phố ven biển bàn giải pháp phát triển bền vững ngành thủy sản và chống khai thác IUU, ngày 27/8.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng khẳng định, việc gỡ cảnh báo thẻ vàng IUU của Uỷ ban châu Âu không phải mục tiêu duy nhất. Mục tiêu cuối cùng của Việt Nam là gìn giữ trữ lượng và tính đa dạng sinh học trên vùng biển.
Trong giải pháp phát triển bền vững ngành thủy sản, chống khai thác IUU, theo người đứng đầu ngành nông nghiệp, ngoài công cụ bằng pháp luật còn có sức mạnh cộng đồng và nguồn lực kinh tế. Ông cho rằng, cần cân bằng giữa khai thác, nuôi trồng, bảo tồn dựa trên hệ sinh thái gồm có quản lý nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp và cộng đồng ngư dân.
Song, muốn ngư dân chủ động chuyển đổi ngành nghề, giảm khai thác thì phải tích cực đối thoại, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và tập trung nguồn lực giải quyết những trăn trở đó. Khi người dân nhận thức đầy đủ về việc chuyển đổi ngành nghề là việc làm có ý nghĩa mà cuộc sống vẫn đảm bảo thì mục tiêu phát triển thủy sản bền vững mới thành công.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng lưu ý, cảng cá đóng vai trò quan trọng trong chống khai thác IUU và phát triển bền vững ngành thủy sản. Thế nên, phải kết nối được tất cả cảng cá với cảng chính, đầu tư để hiện đại hóa và mở rộng không gian cảng.
Cảng cá không phải nơi tàu vào, lên xuống tàu mà là trung tâm cung cấp các dịch vụ đảm bảo và là nơi nghỉ ngơi, sinh hoạt, giao lưu, học tập kinh nghiệm cho ngư dân, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Giữa tháng 7 vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án Chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái.
Mục tiêu là đảm bảo tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ nghiêm túc, kịp thời, hiệu quả. Xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp gắn với chức năng, nhiệm vụ cụ thể của từng cơ quan, đơn vị thuộc Bộ; đảm bảo chủ động trong triển khai thực hiện, phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm theo lộ trình để đạt được mục tiêu đề ra.
Cùng với đó, kịp thời lồng ghép các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Đề án vào các chương trình, kế hoạch, đề án, hoạt động có liên quan tại các đơn vị thuộc Bộ, địa phương, nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện kế hoạch.
Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao Cục Thủy sản rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực khai thác hải sản, công tác đảm bảo chất lượng tàu cá, vùng hạn chế tàu cá được phép hoạt động trên biển. Đặc biệt là quy định quản lý nghề cá giải trí gắn với việc phát triển cộng đồng ngư dân trong thời gian từ năm 2023 – 2024.
Xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề khai thác thủy sản ảnh hưởng lớn đến nguồn lợi thủy sản, môi trường, hệ sinh thái sang các nghề khai thác hải sản thân thiện với môi trường hoặc chuyển ra ngoài lĩnh vực khai thác.
Xác định số lượng hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản cắt giảm hàng năm theo loại nghề và bổ sung hợp lý số tàu cá cho phép đóng mới để đảm bảo đội tàu về ngưỡng bằng khoảng 60% số tàu cá hoạt động tại vùng ven bờ, khoảng 70% số tàu cá hoạt động tại vùng lộng, khoảng 90% số tàu cá hoạt động tại vùng khơi so với thời điểm khi bắt đầu thực hiện Đề án.
Với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu tổ chức thực hiện Đề án thông qua việc xây dựng và thực hiện các quy hoạch, kế hoạch phát triển thủy sản trên địa bàn lãnh thổ và vùng biển thuộc địa phương quản lý.
Bố trí nguồn vốn từ ngân sách địa phương và có cơ chế chính sách cụ thể phù hợp với tình hình của địa phương để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng, khai thác và quản lý nghề khai thác thủy sản hiệu quả, bền vững.
Các địa phương phải xây dựng cơ chế đặc thù về cấp giấy chấp thuận đóng mới tàu để thay thế đối với các tàu mục nát, chìm đắm, mất tích, phá dỡ... nhưng phải đảm bảo cắt giảm số tàu trung bình hàng năm tối thiểu từ 1,5% đối với tàu hoạt động vùng khơi, 4% số tàu hoạt động vùng lộng và 5% đối với tàu hoạt động vùng biển ven bờ trên tổng số tàu cá hiện có của địa phương, bắt đầu thực hiện từ năm 2023.
Bên cạnh đó, cấp giấy chấp thuận đóng mới theo hướng ưu tiên các nghề thân thiện với môi trường, tàu được cơ giới hóa cao trong các khâu khai thác và bảo quản sản phẩm, sử dụng vỏ tàu bằng kim loại, vật liệu mới. Không cấp giấy chấp thuận đóng mới, cải hoán đối với tàu làm nghề lưới kéo, nghề lưới rê thu ngừ.
Chủ động rà soát, cắt giảm tàu cá có nghề khai thác hải sản làm ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái tại địa phương ngoài những nghề được quy định. Xây dựng các dự án chuyển đổi nghề phù hợp với thực tế của địa phương và phù hợp với quy định của Luật Thủy sản.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng yêu cầu địa phương xây dựng, ban hành chính sách hỗ trợ cho ngư dân chuyển đổi nghề từ các nghề khai thác xâm hại đến nguồn lợi và hệ sinh thái sang các nghề khai thác hải sản thân thiện với môi trường gắn với hiện đại hóa tàu cá hoặc chuyển ra ngoài lĩnh vực khai thác phù hợp với định hướng phát triển nghề cá và điều kiện kinh tế xã hội của địa phương.
Nguồn kinh phí do UBND tỉnh đảm bảo thực hiện đối các tỉnh tự cân đối được ngân sách. Đối với các tỉnh không cân đối được ngân sách, nguồn kinh phí thực hiện do Trung ương hỗ trợ.
Phải chuyển đổi các tàu cá làm nghề lưới kéo có chiều dài lớn nhất trên 15m; chuyển đổi các nghề ven bờ sang nghề dịch vụ khai thác thủy sản, nghề cá giải trí và các nghề khác; chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản và các dịch vụ nuôi trồng thủy sản đối với các địa phương có tiềm năng phát triển nghề nuôi biển.
Bộ cũng đề nghị địa phương tuyên truyền, phổ biến, tập huấn đào tạo nhân rộng các mô hình nghề cá giải trí; các mô hình chuyển đổi từ nghề đạt hiệu quả để người dân biết và tổ chức triển khai thực hiện.