Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà vừa có báo cáo bổ sung, làm rõ một số vấn đề thực hiện nghị quyết của Quốc hội khóa 14 về giám sát chuyên đề, chất vấn; Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa 15 đến hết kỳ họp thứ 4 thuộc lĩnh vực Nội vụ.

Một trong những nội dung đáng chú ý được Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà báo cáo các đại biểu Quốc hội là về cải cách tiền lương.

Đã bố trí đủ nguồn ngân sách cải cách tiền lương

Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, điểm thuận lợi trong thực hiện cải cách tiền lương hiện nay là đã bố trí đủ nguồn ngân sách (560.000 tỷ đồng) để triển khai đồng bộ cả 6 nội dung của chế độ tiền lương mới theo Nghị quyết số 27 của Trung ương khóa 12.

Chính phủ đảm bảo mức lương thấp nhất của khu vực công bằng mức lương thấp nhất bình quân vùng của khu vực doanh nghiệp. Đời sống của người hưởng lương và phụ cấp từ ngân sách nhà nước được cải thiện; hạn chế tình trạng cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc hoặc chuyển việc từ khu vực công sang khu vực tư.

PhamThiThanhTra.jpg
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: Quốc hội

Việc cải cách tiền lương sẽ tạo động lực để nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp; góp phần làm trong sạch và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.

Đặc biệt từ khi thực hiện Nghị quyết số 18, 19 của Hội nghị Trung ương 6 khóa 12 và Nghị quyết số 39/2015 của Bộ Chính trị đến nay tổ chức bộ máy hành chính nhà nước đã tinh gọn hơn.

Cụ thể, ở Trung ương đã giảm 17 Tổng cục và tổ chức tương đương; giảm 8 Cục và 145 vụ/ban thuộc tổng cục và thuộc bộ; ở địa phương giảm được 7 sở, 6 tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp tỉnh; giảm 2.572 tổ chức cấp phòng và biên chế công chức giảm 10,01%, biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước giảm 11,67% là cơ sở tạo nguồn để thực hiện cải cách chính sách tiền lương.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng cho biết, quá trình thực hiện cải cách tiền lương gặp một số khó khăn. Chẳng hạn như việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống vị trí việc làm cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị “là giải pháp căn bản mang tính tiền đề để thực hiện cải cách tiền lương”  làm cơ sở xây dựng bảng lương mới vẫn đang trong quá trình hoàn thiện.

Việc thực hiện chuyển xếp lương cũ sang lương mới đối với người giữ chức vụ lãnh đạo phức tạp do ở nhiều bậc lương cũ, ngạch, chức danh nghề nghiệp khác nhau xếp vào một mức lương chức vụ mới... dẫn đến có người cao hơn, có người thấp hơn (phải bảo lưu chênh lệch để bằng mức hiện hưởng)...

Tiếp tục tạo nguồn để cải cách chính sách tiền lương bền vững

Từ đó, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nêu nhiều giải pháp chủ yếu để thực hiện cải cách chính sách tiền lương đồng bộ, kịp thời vào thời điểm từ ngày 1/7/2024.

Cụ thể là trình cấp có thẩm quyền thông qua danh mục vị trí việc làm cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp xã.

Cùng với đó là tập trung triển khai Nghị quyết của kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 15 về cải cách chính sách tiền lương ngay sau khi được Quốc hội thông qua.

maptienluong 971.png

Một nội dung quan trọng khác là thực hiện các giải pháp tài chính để tạo nguồn bảo đảm thực hiện cải cách chính sách tiền lương bền vững; xây dựng quy định về cơ chế quản lý tiền lương mới của khu vực công trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng nhấn mạnh đến việc tiếp tục thực hiện việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và giảm số lượng người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách nhà nước; cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo làm cơ sở để thực hiện chế độ tiền lương mới.

Đồng thời đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm tạo đồng thuận xã hội, các ngành, các cấp, các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị về cải cách chính sách tiền lương; đặc biệt tránh lợi dụng tăng lương để tăng giá làm mất cân đối thị trường.

Sau khi cấp có thẩm quyền thông qua lộ trình cải cách chính sách tiền lương và các nội dung cụ thể của chế độ tiền lương mới, Bộ Nội vụ tham mưu Chính phủ ban hành nghị định về chế độ tiền lương mới đối với đối tượng thuộc thẩm quyền của Chính phủ.

Đồng thời, Bộ Nội vụ phối hợp Ban Tổ chức Trung ương trình Ban Bí thư ban hành Quyết định về chế độ tiền lương mới đối với khu vực Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; phối hợp với Ban công tác đại biểu trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về chế độ tiền lương mới đối với đối tượng thuộc thẩm quyền quản lý của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Nhiều chính sách tiền lương quan tâm đến giáo viên mầm non, tiểu học

Theo các cơ quan thẩm tra của Quốc hội, cải cách tiền lương đã được tích cực triển khai thực hiện với nhiều giải pháp đồng bộ.

Trong đó, đã có nhiều chính sách quan tâm đến giáo viên mầm non, tiểu học với việc hưởng lương và các chế độ phụ cấp lương theo địa bàn hoặc theo công việc đảm nhiệm như viên chức nói chung và còn được hưởng các chế độ ưu đãi khác.

Cụ thể, ngoài lương, giáo viên mầm non còn có phụ cấp ưu đãi, phụ cấp tính theo thâm niên, phụ cấp thu hút, trợ cấp lần đầu, trợ cấp 1 lần khi chuyển công tác với giáo viên vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn…

Dù vậy, cơ quan thẩm tra của Quốc hội lưu ý, việc cải cách tiền lương vẫn chưa bảo đảm tiến độ theo yêu cầu tại Nghị quyết số 27; mức lương của giáo viên mầm non, tiểu học vẫn thấp so với mặt bằng thu nhập chung.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề xuất dự kiến tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non thêm 10%, giáo viên tiểu học tăng thêm 5%. Cơ quan thẩm tra của Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan sớm ban hành chính sách này.