Tại buổi làm việc với Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba sáng 16/4, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho hay, trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, một số địa phương phía Trung Quốc đã tăng cường thực hiện nhiều biện pháp kiểm soát dịch bệnh... gây khó khăn việc thông quan hàng hóa xuất khẩu tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong xuất nhập khẩu hàng hóa nông sản, Việt Nam và Trung Quốc đã thống nhất thiết lập danh sách các doanh nghiệp xuất khẩu theo “luồng xanh” hưởng quy chế ưu tiên miễn kiểm tra đối với bột sắn, hạt điều, tôm thẻ chân trắng, tôm hùm... để giảm thời gian thông quan cửa khẩu.
Đồng thời, hai bên phối hợp tích cực triển khai vận hành “luồng ưu tiên” thông quan. Kéo dài thời gian đối với hàng nông sản xuất nhập khẩu từ 7h00 đến 22h00 (tương ứng 8h00 đến 23h00, giờ Bắc Kinh) qua cặp cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành (Lào Cai - Bắc Sơn).
Bộ trưởng NN-PTNT Việt Nam làm việc với Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam để cùng bàn giải pháp gỡ khó cho xuất khẩu nông sản |
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Cường đề nghị Đại sứ Hùng Ba trao đổi với Bộ Ngoại giao, các bộ ngành và hai tỉnh Quảng Tây và Vân Nam (Trung Quốc) xem xét một số đề xuất, kiến nghị tạm thời cho xe sang bến bãi cách ly tại cửa khẩu Tân Thanh bốc hàng trong thời gian phòng chống dịch bệnh nhằm giải quyết lượng xe tồn của Việt Nam (phía Việt Nam sẽ bố trí phát miễn phí khẩu trang và quần áo bảo hộ y tế cấp cho lái xe Trung Quốc, bố trí lao động và miễn phí bốc xếp hàng hóa... ).
Ngoài ra, có thể tạm thời đưa vào hoạt động tuyến đường bộ qua mốc 1035 thuộc cặp cửa khẩu Bình Nghi - Bình Nhi trong thời gian phòng chống dịch bệnh. Thực hiện nhập khẩu các mặt hàng nông thuỷ sản của Việt Nam qua cặp cửa khẩu song phương Chi Ma (Việt Nam) - Ái Điểm (Trung Quốc). Mở rộng danh mục hàng hóa nông sản xuất nhập khẩu tại ga đường sắt Đồng Đăng - Bằng Tường như đối với cửa khẩu quốc tế đường bộ, đồng thời khôi phục việc nhập khẩu mặt hàng thủy hải sản qua cặp cửa khẩu Cốc Nam - Lũng Nghịu trên cơ sở tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về công tác phòng chống dịch bệnh.
Theo Bộ trưởng Cường, hai bên đều thống nhất cố gắng tập trung những nhóm giải pháp cao nhất liên quan đến hải quan, các ngành, địa phương của để trong thời gian sớm nhất có thể giải quyết được ùn tắc về nông sản, tạo sự thông thương.
“Trước mắt, cần làm tốt hơn vấn đề sân bãi, quy trình kỹ thuật về thương mại, ứng dụng công nghệ thông tin để quá trình thông quan được nhanh nhất”. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề xuất, đi kèm đó là đầu tư nhân lực. Bởi, nếu nguồn nhân lực cho các khâu của hai bên không đảm bảo thì vẫn chậm tiến độ thông quan.
Còn về vấn đề mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản, Bộ trưởng Cường đề nghị Đại sứ Hùng Ba chuyển tải về nước nội dung thông tin hai bên đã trao đổi để cố gắng trong hoàn cảnh hiện nay, nếu chưa làm việc trực tiếp được thì qua hình thức gián tiếp như trao đổi online hay bằng văn bản để giải quyết những vấn đề kỹ thuật, đáp ứng mong muốn chung của hai bên.
Cụ thể, cần giải quyết thủ tục hành chính một cách nhanh nhất để nông sản Việt Nam chính thức vào thị trường Trung Quốc, góp phần thúc đẩy thương mại hai chiều cũng như thúc đẩy nông nghiệp hai bên phát triển.
Đáp lời bộ trưởng, Đại sứ Hùng Ba cho biết, Trung Quốc rất quan tâm đến những khó khăn về thông quan hàng hóa, đặc biệt là tình trạng ùn ứ tại cửa khẩu những ngày gần đây. Ông tin tưởng rằng vấn đề này chỉ nảy sinh trong thời điểm đặc biệt, mang tính tạm thời. Hai bên sẽ cùng nỗ lực sẽ vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Ông Hùng Ba đồng ý quan điểm một mặt nghiêm ngặt kiểm soát dịch bệnh, một mặt cần thúc đẩy kinh tế phát triển. Áp lực với Trung Quốc là hiện tình hình dịch bệnh lây lan từ ngoài vào cũng như trong nước vẫn rất cao. Do đó, việc kiểm soát tại các cửa khẩu biên giới giữa Trung Quốc với các nước rất nghiêm ngặt.
Ông cho rằng cần thiết xây dựng cơ chế phòng chống dịch cấp Chính phủ với sự tham gia của địa phương. Chính quyền Quảng Tây cũng rất quan tâm đến việc bảo đảm thông thương giữa Việt Nam và Trung Quốc. Cục Hải quan Trung Quốc cũng có nhiều biện pháp rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa, đề xuất Việt Nam có thể mở rộng bãi xe hàng hóa để có đủ không gian điều phối xe đi lại; có thể phân luồng, giảm sức ép với các cửa khẩu, tập trung về một cửa khẩu; có thể sử dụng đường sắt vì kênh vận chuyển này có sức chứa hàng hóa lớn, chi phí thấp.
Theo ông, hai bên có thể áp dụng khai báo điện tử. Các lái xe có thể khai báo trước, tránh phải xếp hàng lâu do khai báo bằng giấy. Ông cũng đề nghị Việt Nam tăng thêm đường cho các xe đi vào vì Trung Quốc đang áp dụng đường xe là “3 nhập 3 vào” còn Việt Nam là “1 nhập 1 vào”.
Tâm An