Thông điệp này được Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đưa ra tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2023 của Bộ Tài chính diễn ra hôm nay (13/7).
"Vừa qua một số DN hoàn thuế không được đã phản ánh như gỗ, sắn... Có DN nói tại sao công an xác nhận rồi nhưng vẫn không hoàn thuế? Cơ quan công an xác minh là xem có dấu hiệu vi phạm không. Cho nên khi công an hỏi bên Trung Quốc, thì bên Trung Quốc không trả lời. Như vậy là không có dấu hiệu tội phạm", lãnh đạo Bộ Tài chính nói.
"Hoàn thuế phải đáp ứng điều kiện cần. Ví dụ một trong những điều kiện để hoàn thuế là phải có hợp đồng kinh tế với đối tác. Khi đối chiếu với phía Trung Quốc, thì cơ quan thuế Trung Quốc trả lời rằng không có giao dịch này. Điều đó có nghĩa hợp đồng này vô hiệu", ông Hồ Đức Phớc chia sẻ.
Tư lệnh ngành Tài chính nhận định: Hợp đồng vô hiệu thì không thể hoàn thuế. Một số DN cũng đã kiện ra tòa, thì tòa cũng xử là hợp đồng này không được hoàn thuế. Cơ quan thuế và các địa phương phải đặc biệt quan tâm vấn đề này.
Đánh giá tình hình 6 tháng năm 2023, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết: Những tháng đầu năm 2023, kinh tế tăng trưởng chậm lại đã tác động trực tiếp tới nguồn thu ngân sách. Trong bối cảnh đó, ngành Tài chính đã rất nỗ lực trong điều hành chính sách tài khóa, đảm bảo nguồn thu đáp ứng các nhiệm vụ chi.
Đồng thời, ngành Tài chính thực hiện nhiều chính sách tài khóa khoan thư sức dân. Quy mô các gói chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã và sẽ ban hành trong năm 2023 là khoảng 200 nghìn tỷ đồng. Trong đó, miễn, giảm 79 nghìn tỷ đồng; gia hạn 121 nghìn tỷ đồng.
Lãnh đạo Bộ Tài chính chia sẻ: Ngành Tài chính đã rất nỗ lực điều hành trong bối cảnh kinh tế chững lại, thu ngân sách giảm so với cùng kỳ năm 2022, nhưng tính chung vẫn đạt 54%, đảm bảo tiến độ thu ngân sách so với dự toán. Đây cũng là yếu tố phải tính đến trong xây dựng dự toán ngân sách năm 2024.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái chia sẻ: Nửa năm qua, Bộ Tài chính đã tham mưu ban hành số lượng lớn văn bản pháp luật một cách chất lượng, chặt chẽ, phù hợp với thực tế, nhất là với các văn bán pháp luật liên quan đến các chính sách tài chính hỗ trợ người dân, doanh nghiệp như: miễn, giảm thuế, phí…, với tổng số tiền lên đến 200 nghìn tỷ đồng.
Trong điều kiện kinh tế còn khó khăn, phải thực hiện miễn giảm nhiều loại thuế, phí, song ngành Tài chính đã phấn đấu thu đạt yêu cầu dự toán (6 tháng thu được 54% dự toán, phấn đấu cả năm đạt dự toán).
Đồng thời, Bộ Tài chính tham mưu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xử lý các vấn đề phát sinh như bố trí kinh phí mua vắc-xin chương trình tiêm chủng mở rộng; tích cực phối hợp và tham gia đôn đốc giải ngân đầu tư công (tỷ lệ giải ngân đạt 30,49% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn 43,4% so với cùng kỳ).
Theo Phó Thủ tướng, dự báo nửa cuối năm 2023 vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức ảnh hưởng lớn tới việc hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả năm, trong đó có mục tiêu của ngành Tài chính.
Chính vì vậy, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành và địa phương cũng phải đề cao quyết tâm, cùng góp sức, cùng phối hợp chặt chẽ với ngành Tài chính, thực hiện nhất quán phương châm điều hành của Chính phủ, phấn đấu hoàn thành cao nhất mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 đã đề ra.
Theo Bộ Tài chính, thu ngân sách nhà nước (NSNN) 6 tháng đạt 875,8 nghìn tỷ đồng, bằng 54% dự toán. Thu NSNN 6 tháng giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, tổng thu NSNN 6 tháng giảm 7,8% (thu ngân sách trung ương đạt 57,1% dự toán; thu ngân sách địa phương đạt 50,6% dự toán). Trong đó, thu nội địa đạt 53,9% dự toán, giảm 4,7%; thu từ dầu thô đạt 72,9% dự toán, giảm 15%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 52,9% dự toán, giảm 20,6%. Nguyên nhân số thu NSNN giảm là do trong quá trình thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm tiếp tục phát sinh nhiều yếu tố không thuận lợi. Việc thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất chưa được tính trong dự toán, tác động làm giảm nguồn thu NSNN và ảnh hưởng đến cân đối NSNN năm 2023. |