Sáng 13/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính có buổi thăm, làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam nhân kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2023).

Cùng dự có Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà; lãnh đạo một số cơ quan Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam; lãnh đạo cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương.

Báo cáo tại cuộc làm việc, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh cho biết, với vai trò là nơi tập hợp, đoàn kết đội ngũ hội viên-nhà báo, Hội Nhà báo Việt Nam đã góp phần tổ chức, động viên đội ngũ người làm báo tuyên truyền thực hiện thắng lợi chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đóng góp vào thành tựu to lớn và toàn diện của đất nước.

Thủ tướng và các nhà báo lão thành tại hội nghị.

Nhiều hoạt động, công tác trọng tâm của các cấp Hội từ Trung ương đến địa phương được triển khai thực hiện tốt, như: Tăng cường công tác giáo dục, chính trị, tư tưởng, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp của hội viên; bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của phóng viên, nhà báo và tập hợp, đoàn kết đội ngũ những người làm báo...

Giải Báo chí Quốc gia được tổ chức hằng năm, ngày càng thu hút đông đảo hội viên tham gia, với số lượng và chất lượng tác phẩm tham dự giải ngày càng cao; Hội Báo toàn quốc với nhiều hoạt động nghiệp vụ bổ ích, hấp dẫn.

Tuy nhiên, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, công tác tập hợp những người làm báo còn gặp nhiều khó khăn. Một số tổ chức hội, cơ quan báo chí chưa chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ. 

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh phát biểu tại hội nghị.

Một bộ phận hội viên chưa tích cực học tập nâng cao trình độ tác nghiệp báo chí trong tình hình mới. Vẫn còn tình trạng hoạt động báo chí xa rời tôn chỉ, mục đích, thiếu tính định hướng; một số người làm báo thiếu tu dưỡng, rèn luyện, vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp….

Báo chí ứng vạn biến nhưng luôn giữ giá trị cốt lõi

Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định quan tâm tới báo chí cách mạng chính là quan tâm tới sự nghiệp cách mạng. Bộ trưởng cho biết, Thủ tướng Phạm Minh Chính luôn có sự quan tâm đối với nền báo chí cách mạng, trong đó có buổi gặp mặt thân tình với lãnh đạo các cơ quan báo chí ngày hôm nay.

Trước đây coi công tác truyền thông là việc của báo chí trong khi báo chí chỉ là một trong những phương tiện truyền thông, Bộ trưởng cho rằng, thay đổi nhận thức này có ý nghĩa quan trọng sẽ thay đổi căn bản truyền thông chính sách.

Bộ TT&TT đang sửa văn bản pháp luật liên quan để hoàn thiện cơ chế đặt hàng báo chí, nhất là nghị định, thông tư về nhuận bút, định mức kinh tế kỹ thuật sao cho phù hợp với thị trường.

“Các cơ quan báo chí hãy cùng làm với bộ vì chỉ như vậy mới sát với cuộc sống”, Bộ trưởng kêu gọi. 

Bộ trưởng TT&TT nhận định, báo chí gần 100 năm nay tập trung vào mảng nội dung, tập trung vào cây bút, trang giấy mà ít khi “phải lo” vấn đề công nghệ. Nhưng công nghệ số đã trở thành lực lượng sản xuất cơ bản của hầu hết lĩnh vực và đặc biệt là báo chí.

Bộ trưởng nhấn mạnh, công nghệ số ảnh hưởng đầu tiên, mạnh mẽ nhất và sâu rộng tới báo chí truyền thông.

“Sử dụng công nghệ số để làm báo đã trở thành vấn đề sống còn của báo chí”, Bộ trưởng chia sẻ.

Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại hội nghị.

Tháng 5/2023 Thủ tướng ban hành chiến lược chuyển đổi số báo chí, Bộ TT&TT đã thành lập trung tâm hỗ trợ chuyển đổi số báo chí trực thuộc Cục Báo chí, “có khó khăn gì, hỗ trợ gì, các cơ quan báo chí hãy liên hệ trung tâm này”.

Bộ trưởng cho biết, Bộ sẽ huy động các doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp công nghệ số hỗ trợ toàn diện cho cơ quan báo chí. Ngoài ra, Bộ sẽ hỗ trợ xây dựng một số nền tảng chung cho cơ quan báo chí, nhất là với cơ quan báo chí nhỏ, hạn chế về công nghệ.

Theo Bộ trưởng, với sự xuất hiện của truyền thông xã hội thì báo chí không còn độc quyền về thông tin, một cá nhân trên mạng xã hội có thể ảnh hưởng lớn như một tờ báo. Từ đây, Bộ trưởng cho rằng, báo chí phải trở thành dòng chủ lưu trên không gian mạng, dẫn dắt thông tin, thay vì viết nhiều bài thì cần viết bài để dẫn dắt (5% tin bài của báo chí để dẫn 95% còn lại). Mỗi cơ quan báo chí phải trở thành nền tảng để người dân tham gia viết, cần làm chủ nền tảng số là làm chủ được dòng chủ lưu. 

Trước đây báo chí tập trung đầu tư vào con người thì nay phải tập trung đầu tư vào công cụ, công cụ trước đây là cây bút, trang giấy thì nay là công nghệ, là nền tảng số, trước đây đầu tư vào truyền dẫn, phát sóng thì nay phải đầu tư vào nền tảng số.

Bộ trưởng đề nghị Thủ tướng quan tâm đầu tư vào nền tảng cho báo chí, tăng đầu tư cho cơ quan báo chí, bởi “không có vũ khí thì không thể chiến đấu”.

Ngoài ra, trong chuyển đổi số cũng cần thay đổi mô hình hoạt động, Bộ TT&TT đang làm việc với cơ quan báo chí để đề xuất Chính phủ mô hình cơ chế hợp lý và hoạt động của cơ quan báo chí trong môi trường số, trong một hệ sinh thái mới.

Hiện nay, chi thường xuyên cho báo chí thông qua giao nhiệm vụ và đặt hàng chỉ dưới 0,5% tổng chi ngân sách thường xuyên của Nhà nước. Chi cho đầu tư báo chí cũng thấp chỉ chiếm khoảng 0,25% tổng chi đầu tư của ngân sách Nhà nước. Đặc biệt, một số cơ quan báo chí lớn lại không có hoặc có rất ít hỗ trợ hay đặt hàng từ ngân sách. Theo Bộ trưởng, quan tâm đến báo chí nước nhà thì cần cả hệ thống chính trị, cả về con người, cả về kinh tế báo chí.

“Chúng tôi mong muốn Thủ tướng chỉ đạo chính quyền các cấp tăng thêm 30% ngân sách đặt hàng báo chí, tăng từ dưới 0,5% lên ít nhất 0,65% chi ngân sách thường xuyên”, Bộ trưởng đề xuất.

Nhân kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chúc các cơ quan báo chí, nhà báo, người làm báo cả nước phát huy tinh thần báo chí cách mạng, có tinh thần phụng sự, “chúc báo chí ứng vạn biến nhưng luôn giữ cái bất biến là giá trị cốt lõi của báo chí cách mạng”.

Tại cuộc làm việc, lãnh đạo một số cơ quan báo chí đã báo cáo, chia sẻ về công tác hoạt động và kiến nghị, đề xuất tháo gỡ khó khăn trong hoạt động báo chí.