Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tổ chức Phiên họp thứ tư và công bố Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2022 (SIPAS 2022) và Chỉ số cải cách hành chính năm 2022 của các bộ, cơ quan ngang bộ, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (PAR index 2022).

Theo đó, Chỉ số cải cách hành chính năm 2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) xếp hạng thứ 05/17 bộ, cơ quan ngang bộ với tổng điểm đạt 86,93/100, tăng 4 hạng so với năm 2021 (9/17). Kết quả này cho thấy sự cố gắng rất lớn trong công tác cải cách thủ tục hành chính của Bộ Thông tin và Truyền thông thời gian vừa qua.

anh chup man hinh 2023 10 24 luc 145652.png
Bộ Thông Tin và Truyền Thông xếp thứ 5 về Chỉ số cải cách hành chính năm 2022.

Được biết, năm 2022, Bộ Nội vụ đã phê duyệt Bộ tiêu chí đánh giá mới nhằm sửa đổi, bổ sung, cập nhật các tiêu chí và phương pháp đánh giá cho phù hợp với thực tiễn và góp phần thúc đẩy các bộ, ngành, địa phương thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ cải cách hành chính được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030.

Các tiêu chí được đánh giá dựa trên phương pháp định lượng kết hợp với định tính, có sự tham gia thẩm định của các cơ quan được Chính phủ giao chủ trì triển khai từng nội dung cải cách hành chính, kết hợp đánh giá (bên trong) của các cơ quan hành chính nhà nước và sự tham gia đánh giá (bên ngoài) của người dân, tổ chức đối với kết quả cải cách hành chính hàng năm của các bộ, các tỉnh. Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong đánh giá, bảo đảm sự chính xác, khách quan và công bằng trong chấm điểm, xếp hạng.

Chỉ số cải cách hành chính năm 2022 các bộ, cơ quan ngang bộ có 03 nhóm:

Chỉ số cải cách hành chính trên 90%, bao gồm 02 đơn vị: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tư pháp.

Chỉ số cải cách hành chính từ trên 80% đến dưới 90%, bao gồm 11 đơn vị: Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Xây dựng; Bộ Giao thông vận tải; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Công Thương.

Chỉ số cải cách hành chính dưới 80% có 04 đơn vị là: Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Y tế; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Ngoại giao.

Giá trị trung bình Chỉ số cải cách hành chính của 17 bộ, cơ quan ngang bộ năm 2022 là 84.05%, giảm 2.02% so với năm 2021 (giá trị trung bình Chỉ số cải cách hành chính năm 2021 của các bộ là 86.07%). Có 11/17 bộ có Chỉ số cải cách hành chính năm 2022 trên mức giá trị trung bình.

Kết quả đánh giá năm 2022 cũng cho thấy, có 03/17 đơn vị có Chỉ số cải cách hành chính tăng cao hơn so với năm 2021, đó là: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông. 

Đây là năm đầu tiên triển khai thực hiện Đề án “Xác định Chỉ số cải cách hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giai đoạn 2022 - 2030” được ban hành tại Quyết định số 876/QĐ-BNV ngày 10/11/2022 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Trong đó có nhiều tiêu chí, tiêu chí thành phần mới được đưa vào đánh giá để phù hợp với Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 cũng như các chỉ đạo mới của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về cải cách hành chính. 

Đồng thời, Đề án cũng sẽ mang đến bức tranh toàn diện hơn về chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước đối với người dân, từ đó giúp cơ quan hành chính nhà nước xây dựng, thực hiện các giải pháp phù hợp, hiệu quả hơn trong công tác cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ và sự hài lòng của người dân.

Thanh Hải