Bộ Thông tin và Truyền thông chính thức phát hành bộ tem “Kiến trúc phong cảnh Việt Nam”.
Ngày 28/7, Bộ TT&TT phát hành bộ tem bưu chính "Bảo vật quốc gia (bộ 3): Đồ gốm", gồm 4 mẫu tem vuông tràn lề khuôn khổ 37 x 37 mm.
Được cung ứng trên mạng lưới của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam – Vietnam Post từ ngày 28/7/2024 đến ngày 30/6/2025, bộ tem bưu chính mới được phát hành giới thiệu các hiện vật bằng gốm tiêu biểu, đó là bình gốm Đầu Rằm, bộ sưu tập bình gốm đất nung Long Thạnh, bình gốm Nhơn Thành và Thống gốm hoa nâu.
"Bảo vật quốc gia (bộ 3): Đồ gốm", là bộ tem bưu chính thứ 8 được Bộ TT&TT phát hành trong năm nay, sau 3 bộ tem kỷ niệm và 4 bộ tem chuyên đề đã được được phát hành trước đó gồm: Tem tình yêu; Kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế; Hà Nội 12 mùa hoa (bộ 1); Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ; Cây chè; Kỷ niệm 200 năm hoàn thành kênh Vĩnh Tế; Truyện cổ tích Cây tre trăm đốt.
Bộ tem bưu chính này còn là bộ thứ 3 trong chuỗi tem về chủ đề bảo vật quốc gia Việt Nam, được Bộ TT&TT phát hành để góp phần quảng bá, giới thiệu những nét đặc sắc, độc đáo của các bảo vật quốc gia tới đông đảo công chúng trong và ngoài nước.
Bảo vật quốc gia là hiện vật hàm chứa giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật lớn đối với quốc gia. Mỗi bảo vật quốc gia là một di sản quý giá chứa đựng những thông điệp của quá khứ, tinh hoa của nền văn hóa Việt Nam phong phú, đa dạng, giàu bản sắc, phản ánh lịch sử văn hóa lâu đời, truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.
Bảo vật quốc gia do Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận, được bảo vệ và bảo quản theo chế độ đặc biệt, giúp di sản được gìn giữ trao truyền cho thế hệ sau.
Trong các hiện vật đồ gốm được chọn giới thiệu trên bộ tem "Bảo vật quốc gia (bộ 3): Đồ gốm", Thống gốm hoa nâu được công nhận là bảo vật quốc gia trong đợt 5 vào tháng 12/2016; bình gốm Đầu Rằm, bộ sưu tập bình gốm đất nung Long Thạnh và bình gốm Nhơn Thành đều được công nhận là bảo vật quốc gia trong đợt 7, vào tháng 12/2018.
Thông tin với phóng viên VietNamNet, họa sỹ Nguyễn Du, tác giả thiết kế bộ tem "Bảo vật quốc gia (bộ 3): Đồ gốm" cho biết, một trong những tiêu chí lựa chọn các mẫu đồ gốm được giới thiệu trên bộ tem thứ ba về bảo vật quốc gia là giá trị văn hóa, tính đại diện vùng miền cũng như tính lịch sử lâu đời. Các hiện vật đều đã có hàng ngàn năm lịch sử, từ văn hóa Phùng Nguyên của miền Bắc, văn hóa Sa Huỳnh ở miền Trung cho đến văn hóa Óc Eo ở miền Nam.
Hình ảnh các bảo vật đều được bảo tàng tỉnh Quảng Ninh, bảo tàng thành phố Cần Thơ, bảo tàng tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi và Bảo tàng Lịch sử quốc gia cung cấp và cho phép sử dụng để giới thiệu trên tem bưu chính.
“Các hiện vật bằng gốm được lựa chọn giới thiệu trong bộ tem này đều mang tính tiêu biểu cho từng giai đoạn phát triển của đất nước”, họa sĩ Nguyễn Du chia sẻ.
Trước đó, Bộ TT&TT đã phát hành 2 bộ tem bưu chính về chủ đề bảo vật quốc gia Việt Nam: Bộ tem ‘Bảo vật quốc gia (bộ 1): Đồ đồng’ gồm 4 mẫu, phát hành ngày 1/10/2018, giới thiệu bộ khóa đai lưng bằng đồng, thạp đồng Hợp Minh, kiếm ngắn Núi Nưa và cây đèn đồng hình người quỳ; Bộ tem ‘Bảo vật quốc gia (bộ 2): Đồ vàng’ cũng gồm 4 mẫu, phát hành ngày 31/7/2021, giới thiệu Ấn sắc mệnh chi bảo, Ấn vàng “Đại Việt quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bảo”, hộp vàng Ngọa Vân - Yên Tử, hộp đựng xá lị Tháp Nhạn.
Bốn mẫu của bộ tem "Bảo vật quốc gia (bộ 3): Đồ gốm" Mẫu 4-1 giới thiệu bình gốm Đầu Rằm, hiện được lưu giữ tại bảo tàng tỉnh Quảng Ninh. Được phát hiện vào năm 1998 tại khu di chỉ khảo cổ học Đầu Rằm (xã Hoàng Tân, thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh), bình gốm này được các nhà nghiên cứu đều nhận định là hiện vật thuộc giai đoạn muộn của văn hóa Phùng Nguyên, có niên đại cách ngày nay hơn 3.000 năm. Mẫu 4-2 giới thiệu bộ sưu tập bình gốm đất nung Long Thạnh hiện được lưu giữ tại Bảo tàng tổng hợp Quảng Ngãi. Bộ sưu tập gồm 18 bình gốm đất nung, là những di vật trong di tích Long Thạnh, một di tích tiền Sa Huỳnh, có giá trị đánh dấu giai đoạn phát triển từ tiền Sa Huỳnh lên đỉnh cao của văn hóa Sa Huỳnh. Bộ sưu tập này có giá trị đặc sắc về nghệ thuật tạo hình và trang trí mỹ thuật, phản ánh sự khéo léo tài hoa của cư dân Sa Huỳnh, Long Thạnh, Quảng Ngãi cũng như sự phát triển của nghề thủ công làm gốm đất nung thời kỳ tiền sử. Mẫu 4-3 giới thiệu bình gốm Nhơn Thành, đang được lưu giữ tại Bảo tàng thành phố Cần Thơ. Bình gốm được phát hiện ở di chỉ Nhơn Thành còn trong tình trạng nguyên vẹn, là tiêu bản bình có vòi còn nguyên vẹn nhất thuộc văn hóa Óc Eo. Với nguồn gốc rõ ràng, giá trị thẩm mỹ cao, bình gốm có vòi Nhơn Thành không chỉ là một di vật tiêu biểu, quý hiếm của nền văn hóa Óc Eo, mà còn là một sản phẩm văn hóa vật chất quan trọng, minh chứng cho một giai đoạn lịch sử phát triển của vùng đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, đất Nam Bộ nói chung. Mẫu 4-4 giới thiệu Thống gốm hoa nâu, hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Đây là hiện vật được phát hiện tại khu di tích đền Trần - Khu di tích lịch sử quan trọng của quốc gia có nhiều dấu ấn văn hóa, lịch sử thế kỷ XIII - XIV. Thống gốm hoa nâu có dáng chắc khỏe, cốt gốm dầy, chất đất thô xốp, trong lòng để mộc không thấy có tráng men, họa tiết trang trí theo lối khắc vẽ thành đường nền rồi dùng màu nâu lấy từ đất đỏ, tô vẽ thành mảng; Sau cùng mới phủ tráng một lớp men vàng ngà. |