Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh vừa ký công văn gửi UBND các địa phương về việc thực hiện quy định pháp luật về nhà ở riêng lẻ, công trình có thiết kế nhiều tầng, nhiều căn hộ ở (thường được gọi là chung cư mini).

Bộ Xây dựng cho biết, pháp luật về xây dựng, nhà ở đã tạo hành lang pháp lý để điều chỉnh đầy đủ các hoạt động có liên quan trong lĩnh vực xây dựng công trình nói chung, xây dựng nhà ở riêng lẻ nói riêng trong đó có loại hình nhà ở riêng lẻ thiết kế nhiều tầng, nhiều hộ. Từ việc cấp giấy phép xây dựng, bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC), thi công, quản lý chất lượng,... cũng như việc xử lý các hành vi vi phạm có liên quan.

Tuy nhiên, Bộ Xây dựng đánh giá, trong thời gian qua, ở một số địa phương tại khu vực đô thị hoặc các khu dân cư gần các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế... có sự buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng. 

Hà Nội hiện có khoảng 2.000 chung cư mini, tập trung nhiều nhất ở quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Đống Đa, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Tây Hồ… 

Lợi dụng sự buông lỏng này, các hộ gia đình, cá nhân đã thực hiện xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ nhiều tầng, nhiều căn hộ ở hoặc xây dựng nhà ngăn phòng cho thuê (để ở) không tuân thủ các quy định của pháp luật về xây dựng, PCCC

Bộ Xây dựng chỉ ra những vi phạm như xây dựng không theo quy hoạch, xây dựng không phép, sai phép, xây dựng nhà ở không đảm bảo các tiêu chuẩn, quy chuẩn về PCCC.

Ngoài ra còn tự ý thiết kế nâng tầng bố trí nhà ở thành nhiều căn hộ nhằm mục đích cho thuê, mua bán, chuyển nhượng... 

Những vi phạm trên dẫn đến nhiều hệ lụy làm gia tăng mật độ dân số, gây quá tải về hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, hạ tầng giao thông, phá vỡ quy hoạch, xảy ra các tranh chấp, khiếu kiện giữa người mua và người bán do không cấp được giấy chứng nhận quyền sở hữu...

Đặc biệt là vi phạm các quy định về PCCC dẫn đến nguy cơ cháy nổ cao trong cộng đồng dân cư. Điển hình là vụ cháy tại số nhà 37, ngách 29/70 phố Khương Hạ (phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội) vừa qua gây thiệt hại rất nghiêm trọng về người và tài sản.

Trước thực trạng trên, Bộ Xây dựng đề nghị UBND các địa phương chỉ đạo Sở Xây dựng phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương khẩn trương thực hiện các công việc.

Cụ thể, đối với chung cư mini đã hoàn thành phải khẩn trương rà soát toàn bộ các công trình này để phát hiện các vi phạm về trật tự xây dựng đặc biệt là vi phạm về phòng cháy, chữa cháy.

Có giải pháp ngăn cách khu vực để xe với khu vực ở và có lối thoát nạn riêng; đầu tư trang thiết bị về phòng cháy, chữa cháy phù hợp; bố trí người có sức khỏe, kinh nghiệm để quản lý vận hành tòa nhà, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của pháp luật.

“Đối với chung cư mini khi xây dựng mới, các cơ quan có thẩm quyền của địa phương phải kiểm soát chặt chẽ việc tuân thủ các quy định của pháp luật về quy hoạch, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy, quản lý việc cấp giấy phép xây dựng, quản lý chất lượng, quản lý trật tự xây dựng theo quy định” – văn bản của Bộ Xây dựng nêu rõ.

Đặc biệt, địa phương phải chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh, kiểm tra để phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự xây dựng, PCCC của các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Lê Vĩnh Sang, Trần Quang Ninh, Nguyễn Hoàng Hà

Bộ Xây dựng nói gì về chung cư mini bị cháy ở Hà Nội?Ông Vũ Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ Xây dựng) chỉ ra rằng, việc để giếng trời tại toà chung cư mini vừa bị cháy ở Khương Hạ, Hà Nội rất nguy hiểm, khi bị cháy khói xộc lên rất nhanh.
Vĩnh Sang và nhóm PV, BTV