- Những chiến sĩ hải quân vùng 4 vẫn không quên bữa cơm tất niên bỏ dở khi gặp biến lạ ở khu vực đảo Sinh Tồn Đông một ngày Tết Giáp Ngọ.
Câu chuyện kể của Đại tá Nguyễn Công Sơn, Phó chính ủy Bộ tư lệnh Vùng 4 Hải quân tại đại hội thi đua yêu nước toàn quốc diễn ra hôm nay khiến cả nghìn đại biểu cuốn theo hồi hộp.
Một ngày Tết Giáp Ngọ 2014, ở đảo Sinh Tồn Đông, khi các chiến sĩ hải quân quây quần bên mâm cơm tất niên bỗng nhận thông tin hàng chục tàu cá nước ngoài có tàu chiến bảo vệ, xâm phạm vùng biển chủ quyền của ta.
Buông bỏ mâm cơm, lập tức toàn đảo phát lệnh báo động chiến đấu.
“Chúng tôi điện báo cáo cấp trên, triển khai lực lượng”, Đại tá Công Sơn kể.
Dù trong tình trạng sẵn sàng nhưng nhận lệnh cấp trên, các chiến sĩ phải đảm bảo sử dụng tổng hợp các biện pháp, đúng đối sách, tuyên truyền xua đuổi để buộc tàu nước ngoài phải rời khỏi vùng biển của ta.
Đại tá Nguyễn Công Sơn, Phó chính ủy Bộ tư lệnh Vùng 4 Hải quân. Ảnh: Hoàng Long |
Các tàu nước ngoài tỏ ra đầy thách thức, khiêu khích, nhưng với tinh thần kiên quyết, các chiến sĩ vùng 4 đã “tiễn” họ ra khỏi vùng biển chủ quyền êm thấm.
Đây chỉ là một trong vô vàn tình huống phức tạp trên biển mà các chiến sĩ hải quân đối diện. Đó cũng là cái Tết mà dù bữa cơm tất niên bị bỏ dở, bụng đói, nhưng ai cũng vui vì đã hoàn thành nhiệm vụ.
Cả hội trường vang lên nhiều tràng vỗ tay.
‘Khỏe, em lại ra khơi!’
Giúp đỡ ngư dân cũng là mệnh lệnh, nhiệm vụ chiến đấu của các chiến sĩ hải quân.
Đại tá Công Sơn kể, đã có 20.000 tàu cá được hỗ trợ ra khơi đánh bắt hải sản; 220 tàu và hơn 4.700 lượt người được cứu nạn trong 5 năm qua.
Một trong sự kiện đáng nhớ đó là cơn bão số 14 năm 2013. Trong sóng to, gió lớn, đêm tối, chiến sĩ đảo Song Tử Tây đã đưa 64 tàu cá với gần 800 ngư dân vào tránh trú an toàn, cung cấp thuốc men, quần áo, lương thực thực phẩm cho bà con.
Từ 2013 đến nay, kíp quân y các đảo đã cấp cứu trên 250 ca, khám chữa bệnh cho trên 1000 lượt ngư dân. Nhiều người được đưa về bờ cứu chữa, hoặc cứu chữa ngay trên đảo.
Gần đây nhất là vụ tàu cá Quảng Ngãi bị chìm ở đảo Đá Lớn. 11 ngư dân với một thuyền thúng không đủ sức chứa, được biên đội tàu trực trên biển tìm kiếm phát hiện và cứu sống sau gần 24 giờ lênh đênh.
Ngư dân Võ Văn Thành bị sốc bỏng nặng, mất thính lực, thị lực, được quân y trên đảo cứu chữa.
Hồi tỉnh, Thành nói trong cảm phục: "Khỏe, em lại ra khơi, bởi ở đó đã có bộ đội hải quân...".
Đó chỉ là một vài trong số nhiều câu chuyện thường ngày ở Trường Sa của các chiến sĩ hải quân vùng 4.
XEM CLIP:
Đóng quân trên một vùng biển đảo có vị trí chiến lược trọng điểm, có quần đảo Trường Sa và căn cứ quân sự Cam Ranh, chiến sĩ hải quân không quan tâm nắng mưa, ngày đêm, ngày thường hay lễ tết, luôn cảnh giác cao độ, không để đối phương tạo cớ gây xung đột."Mỗi khi chủ quyền biển, đảo của ta có dấu hiệu bị xâm phạm, đối mặt với những hiểm nguy, có thể hy sinh, mất mát; nhưng cán bộ, chiến sĩ Vùng 4 luôn vững vàng.
Ai cũng muốn nhận về mình phần khó khăn, gian khổ; ai cũng muốn ra biển; bị ốm, bị thương cũng không chịu vào bờ; có lệnh là lập tức lên đường, dù vẫn biết còn nhiều khó khăn, gian khổ đang ở phía trước", Phó chính ủy Vùng 4 tự hào kể.
Thuyền trưởng tàu Trường Sa 22, Thiếu tá Lê Minh Phúc trong một lần làm nhiệm vụ từng bị thương nặng, trên người 8 vết thương, mất nhiều máu, nhưng vẫn giữ vững vị trí chỉ huy, động viên anh em siết chặt đội ngũ, đấu tranh, quyết không để đối phương kích động, lợi dụng sơ hở, làm phức tạp thêm tình hình.
Một niềm vui nữa là bán đảo Cam Ranh, vốn rất khắc nghiệt, đang thay đổi diện mạo với các khu đô thị, căn cứ quân sự chính quy, hiện đại... giúp ổn định hậu phương, bộ đội an tâm công tác, gắn bó với biển, với đơn vị.
C.Hoàng - H.Nhì - X.Quý - H.Phúc - N.Chung
MỜI BẠN ĐỌC THÊM VỀ ĐH THI ĐUA YÊU NƯỚC TOÀN QUỐC: |