Sau khi Trung tâm dữ liệu Viettel Hòa Lạc ra mắt, nhiều người tập trung vào yếu tố “lớn nhất” hay “DC xanh đầu tiên”. DC này có công suất tiêu thụ điện lên tới 30 MW, lớn nhất tại Việt Nam, và cũng là trung tâm dữ liệu đầu tiên ở Việt Nam nhận được nguồn tín dụng xanh từ ngân hàng toàn cầu HSBC.
Thế nhưng không nhiều người nhận ra rằng yếu tố xanh và bền vững của DC này còn là một bước tiến quan trọng đối với ngành công nghiệp trung tâm dữ liệu ở Việt Nam, trong bối cảnh quốc gia đặt ra các mục tiêu chuyển đổi số ở mọi ngành nghề, trở thành Digital Hub và Net Zero.
Chia sẻ về vấn đề xu hướng “xanh”, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình nói rằng khi FPT bàn ký hợp đồng với các dự án triệu USD thì các đối tác đều hỏi “các anh có xanh không”. Vì vậy, Chủ tịch FPT nhấn mạnh muốn có được các hợp đồng lớn thì yếu tố “xanh” là yếu tố sống còn trong tương lai.
Tại lễ khai trương DC của Viettel, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: “Cách đây 16 năm, vào năm 2008, DC đầu tiên ở Việt Nam cũng thuộc về Viettel. Trung tâm dữ liệu mới không chỉ là một dự án mới của Viettel mà còn là biểu tượng của sự tiên phong, phát triển và tiến bộ trong lĩnh vực công nghệ mới”.
“Viettel cũng như các nhà phát triển hạ tầng Việt Nam phải có một tầm nhìn đúng về hạ tầng dữ liệu của quốc gia để biến Việt Nam thành một Digital Hub của thế giới”, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng lưu ý.
DC thế hệ mới của Viettel sở hữu nhiều giải pháp công nghệ mới giúp tăng hiệu suất, tiết kiệm điện, giảm phát thải. Hiệu quả thể hiện qua chỉ số PUE – được tính bằng lượng điện tiêu thụ của cả DC chia cho lượng điện tiêu thụ của riêng các thiết bị tính toán. PUE càng thấp càng cho thấy DC đạt hiệu suất sử dụng năng lượng cao, điện năng thực sự đi vào phục vụ tính toán thay vì tiêu hao nhiều cho các hệ thống phụ trợ như tản nhiệt hay nguồn dự phòng.
Viettel Hòa Lạc đạt mức PUE 1,4-1,5, thấp hơn bất kỳ DC nào ở Việt Nam. Điều này cũng có nghĩa là mỗi phép toán thực hiện ở DC này sẽ tiêu tốn ít điện tăng hơn so với khi thực hiện ở một DC khác. Đây là lý do Viettel Hòa Lạc sẽ giúp tiết kiệm ít nhất 1 triệu Kwh, tương đương 1.000 tấn CO2, theo ước tính của Viettel IDC. Khi DC được sử dụng nhiều hơn, lượng điện tiết kiệm được sẽ lớn hơn.
Thiết kế mật độ cao, công suất cao của DC đáp ứng được các nhu cầu mới về vận hành trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data) của các khách hàng doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, tài chính. Trong khi đó, các giải pháp cải thiện hiệu suất giúp DC nhận được nguồn tín dụng xanh của HSBC.
Bên cạnh đó, các Data Center thế hệ mới của Viettel, bắt đầu với trung tâm dữ liệu này, đều có kế hoạch hướng đến mục tiêu sử dụng năng lượng tái tạo từ 20-30%. DC xanh cũng sẽ là hướng đi của Viettel cho 3 trung tâm dữ liệu với tổng công suất 240MW trong 2 năm tới.
Tại nhiều nước trên thế giới, ngành công nghiệp trung tâm dữ liệu tiêu thụ điện năng cực lớn. Ở Mỹ, các DC chiếm khoảng 2-3% tổng lượng điện tiêu thụ của cả quốc gia. Ở một Digital Hub của khu vực như Singapore, con số này lên tới 12%.
Ở Việt Nam, dù mức tiêu thụ điện năng của ngành công nghiệp Data Center chưa lớn, nhưng với việc AI và phân tích dữ liệu lớn đang ngày càng được ứng dụng nhiều trong mọi ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nhu cầu về năng lượng cho Data Center chắc chắn sẽ tăng vọt trong thời gian tới.
“Với số đơn đặt hàng mà chúng tôi đang chứng kiến ngay tại DC mới, có thể thấy các doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam ngày càng có nhiều nhu cầu về tính toán hiệu năng cao”, ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Viettel IDC, cho biết.
Trong khi đó, cùng với mục tiêu chuyển đổi số, Việt Nam có mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. “Một số khách hàng lớn khi đặt vấn đề thuê trung tâm dữ liệu đã bắt đầu đưa ra các yêu cầu liên quan đến tiêu chuẩn xanh, tối ưu năng lượng và giảm phát thải”, ông Hoàng Văn Ngọc, Tổng Giám đốc Viettel IDC, cho biết.
DC thế hệ mới của Viettel có thể coi như một bước ngoặt đối với ngành công nghiệp trung tâm dữ liệu trong việc khởi đầu một thời kỳ mới của các trung tâm dữ liệu xanh, đưa hạ tầng số của Việt Nam bắt kịp với các quốc gia phát triển cả về hiệu năng và tính bền vững.
“Viettel đã sẵn sàng mọi điều kiện để hiện thực hóa khát vọng mỗi người dân, mỗi hộ gia đình, mỗi tổ chức, doanh nghiệp sẽ có một kho dữ liệu trên nền tảng điện toán đám mây của Viettel, để mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp sống và làm việc trong không gian số”, ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel, cho biết.
Chủ tịch Viettel cũng khẳng định Viettel sẽ không ngừng dừng đầu tư cho các DC. Theo lộ trình, tới năm 2025, Viettel sẽ đầu tư thêm 10.000 tỷ đồng để mở rộng quy mô lên 17.000 rack. Tới năm 2030, Viettel sẽ nâng mức đầu tư lên 40.000 tỷ đồng với quy mô 34.000 rack. Cùng với đó, Viettel cũng đi đầu về các cam kết về chuyển đổi xanh và bền vững.