Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất Việt Nam, bao gồm cả khu vực đồng bằng, trung du, và miền núi. Điều này tạo ra thách thức trong việc triển khai dịch vụ công đến các vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là các huyện miền núi như Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Châu... có địa hình hiểm trở, giao thông khó khăn.

Dịch vụ công trực tuyến toàn trình (việc thực hiện và giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện trên môi trường mạng; việc trả kết quả được thực hiện trực tuyến hoặc qua dịch vụ bưu chính công ích) đã trở thành giải pháp hữu hiệu giúp người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện các thủ tục hành chính một cách dễ dàng, hiệu quả.

Buu dien Nghe An.jpg
Nhân viên tại các điểm phục vụ của bưu điện sẵn sàng hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Thời gian qua, Bưu điện Nghệ An đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng cường nhận thức của người dân về lợi ích của việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Nhân viên tại các điểm phục vụ của bưu điện sẵn sàng hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thực hiện tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả tại địa chỉ.

Theo bà Bùi Thị Minh, Giám đốc Bưu điện tỉnh Nghệ An, việc bưu điện phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình hiện có nhiều thuận lợi và cũng không ít khó khăn.

Bưu điện tỉnh Nghệ An có mạng lưới chi nhánh rộng khắp các huyện, xã, kể cả vùng sâu, vùng xa, nên có điều kiện thuận lợi để triển khai hỗ trợ người dân tiếp cận các dịch vụ công trực tuyến. Đội ngũ nhân viên bưu điện nhiều kinh nghiệm trong việc hỗ trợ người dân thực hiện thủ tục hành chính, tiếp cận dịch vụ công trực tuyến. 

Tuy nhiên, một bộ phận người dân, đặc biệt ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, còn thiếu kỹ năng sử dụng công nghệ và nhận thức chưa đầy đủ về lợi ích của dịch vụ công trực tuyến. Người dân vẫn quen với việc giải quyết thủ tục trực tiếp tại các cơ quan hành chính, dẫn đến việc chậm chuyển đổi sang sử dụng dịch vụ trực tuyến.

Cùng với đó, việc đồng bộ hóa hệ thống dữ liệu giữa các cơ quan hành chính và bưu điện đôi khi phức tạp, nhất là khi các cơ sở dữ liệu chưa được thống nhất hoặc chưa đảm bảo bảo mật.

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả dịch vụ công trực tuyến toàn trình tại địa phương trong thời gian tới, lãnh đạo Bưu điện tỉnh Nghệ An đề nghị chính quyền và các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ để tối ưu hóa nguồn lực; tăng cường truyền thông, hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ trực tuyến; tập huấn cho nhân viên bưu điện và cán bộ địa phương để nâng cao kỹ năng hỗ trợ người dân. 

Bằng cách tận dụng các lợi thế sẵn có và giải quyết từng khó khăn, Bưu điện Nghệ An và chính quyền địa phương sẽ có thể thúc đẩy hiệu quả việc triển khai dịch vụ công trực tuyến toàn trình, góp phần xây dựng chính quyền minh bạch, chuyên nghiệp và hiện đại hơn. 

Những kết quả này không chỉ giúp nâng cao hiệu quả của dịch vụ hành chính công, nâng cao sự hài lòng của người dân đối với chính quyền, mà còn thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.