Cung cấp dịch vụ công trực tuyến vẫn là ưu tiên hàng đầu
Cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) là một trong những chỉ số đo lường quan trọng nhất trong phát triển Chính phủ điện tử khi lấy người dân làm trung tâm, là đối tượng phục vụ.
DVCTT cần được cung cấp đến mọi người dân, mọi lúc, mọi nơi góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí làm cho hoạt động của các cơ quan nhà nước được minh bạch, hiệu quả, phòng chống tham nhũng và cải cách hành chính toàn diện.
Nâng tỷ lệ DVCTT mức 4 từ 10,7% lên đạt trên 30% là một kết quả nổi bật của các bộ, ngành, địa phương trong phát triển Chính phủ điện tử năm 2020, góp phần phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn.
Đặc biệt, có 3 cơ quan bộ, ngành là Bộ TT&TT, Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cùng 2 tỉnh, thành phố gồm Bến Tre, Tây Ninh đã hoàn thành việc đưa 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức 4.
Là một trong hai địa phương đã hoàn thành cung cấp dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức 4, Bến Tre đã thực hiện việc này chỉ trong hơn 2 tháng (Ảnh: T.Trận) |
Tại phiên họp ngày 10/3 của Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử, Thủ tướng đã yêu cầu các bộ, ngành địa phương tiếp tục tập trung nguồn lực để đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Trong công văn ngày 19/4 gửi tới các Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và Bộ trưởng các bộ, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, để phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số trong giai đoạn mới, việc cung cấp DVCTT vẫn là nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu.
Vận dụng kinh nghiệm của Bến Tre, Tây Ninh để sớm hoàn thành chỉ tiêu 100%
Bộ trưởng Bộ TT&TT đề nghị người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm, chỉ đạo tỉnh, bộ triển khai quyết liệt và có hiệu quả các giải pháp để đạt được mục tiêu cung cấp 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức 4 trong năm nay.
Đối với các dịch vụ công không đủ điều kiện đưa lên trực tuyến mức 4, cần ứng dụng triệt để các giải pháp kỹ thuật để đưa tối đa các hoạt động cung cấp dịch vụ công lên môi trường mạng, từ quá trình nộp, tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính cho đến trả kết quả tới người dân, doanh nghiệp.
Người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương cũng được đề nghị giao Sở TT&TT, cơ quan chuyên trách về CNTT của bộ, ngành xây dựng kế hoạch triển khai DVCTT mức 4.
Kế hoạch này cần thể hiện rõ các nội dung: mục tiêu cung cấp 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức 4 trong năm 2021 và theo từng tháng; danh sách các dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức 4 trong năm 2021 và danh sách các dịch vụ công không đủ điều kiện đưa lên trực tuyến mức 4 (kèm theo giải thích nguyên nhân không đủ điều kiện).
Đáng chú ý, với mục tiêu hỗ trợ các địa phương đẩy nhanh việc cung cấp tất cả dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức 4, lãnh đạo Bộ TT&TT đề nghị các tỉnh, thành phố nghiên cứu, vận dụng kinh nghiệm triển khai nhanh, hiệu quả của một số địa phương trong thời gian qua.
Bên cạnh hướng dẫn cụ thể 9 bước triển khai, Bộ TT&TT cũng tổng kết các bài học kinh nghiệm mà các địa phương cần lưu ý đã đưa 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức 4 như: sự quyết tâm của lãnh đạo các cấp, sự sẵn sàng của các nền tảng, sự chuẩn hóa của thủ tục hành chính, sự phối hợp Tỉnh - Bộ - Doanh nghiệp.
Trong đó, bài học kinh nghiệm đầu tiên cũng là yếu tố tiên quyết, quan trọng để nhanh chóng cung cấp 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức 4 chính là sự quyết tâm của lãnh đạo các cấp.
Lãnh đạo địa phương phải có quyết tâm và tạo được sự đồng thuận cao trong việc thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch với lộ trình cụ thể. Lãnh đạo các đơn vị trong tỉnh thực sự quan tâm, tạo điều kiện cho các cán bộ tham gia nhiệm vụ.
Tổ giúp việc có thành viên là các cán bộ thuộc các Sở, ban, ngành, huyện, thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh được đào tạo và trực tiếp tạo eform, thiết lập quy trình điện tử cho các dịch vụ công trực tuyến mức 4 của đơn vị mình. Nhờ đó, đã rút ngắn được thời gian thực hiện.
Bộ TT&TT cũng khuyến nghị, để đẩy nhanh quá trình triển khai cung cấp 100% DVCTT mức 4 một cách hiệu quả, một trong những điểm quan trọng là việc sử dụng giải pháp Cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử đáp ứng các tiêu chí kỹ thuật và khả năng kết nối, chia sẻ dữ liệu theo quy định hiện hành.
Cụ thể, tùy vào hiện trạng triển khai tại từng địa phương, trong quá trình thực hiện đưa 100% dịch vụ công lên trực tuyến mức 4, địa phương có thể xem xét lựa chọn giải pháp: triển khai Cổng dịch vụ công và hệ thống một cửa điện tử trên cùng một nền tảng đáp ứng các yêu cầu và quy định hiện hành; triển khai theo mô hình cung cấp dịch vụ phần mềm trên nền tảng điện toán đám mây SaaS (Software-as-a-Service) đáp ứng các yêu cầu và quy định hiện hành.
Với việc triển khai theo giải pháp trên, thiết lập một dịch vụ công mới sẽ thực hiện trên cơ sở tùy biến các biểu mẫu và quy trình xử lý điện tử, các tài nguyên sử dụng chung sẽ được tận dụng tối đa; người dùng tại các đơn vị có thể chủ động khởi tạo và cung cấp DVCTT mức 4 trên môi trường mạng.
Vân Anh
Thủ tướng yêu cầu các bộ, tỉnh tập trung nguồn lực nâng tỷ lệ dịch vụ công mức 3, 4
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung nguồn lực nâng tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức 3, 4 và tích hợp cung cấp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu Chính phủ giao.