Các chính khách trên toàn châu Âu tới tấp phản hồi cuộc trả lời phỏng vấn mới nhất của Donald Trum, lên án bình luận "lạ đời" của Tổng thống đắc cử Mỹ về chính sách của EU, NATO và thỏa thuận hạt nhân Iran.
Trả lời phỏng vấn báo Times của Anh và Bild của Đức ngày 16/1, tỷ phú Trump đề cập rất nhiều điều mà châu Âu có thể không muốn nghe. Ông gọi thỏa thuận hạt nhân Iran là "thảm họa", nói NATO "lỗi thời", hoan nghênh Brexit (Ảnh rời khỏi EU) và nhắc lại ý định ông muốn cải thiện quan hệ với Nga.
Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Ảnh: Express |
Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh rằng, quan điểm của Donald Trump về NATO và EU "đã được biết đến từ trước".
"Quan điểm của tôi cũng đã rõ", bà Merkel nhấn mạnh và cam kết sẽ "tiếp tục làm việc để đảm bảo 27 nước thành viên hậu Brexit hợp tác hiệu quả với nhau, và trên tất cả, là theo một cách hướng về phía trước". "Người châu Âu chúng tôi nắm giữ vận mệnh trong chính đôi bàn tay mình", nữ Thủ tướng khẳng định.
Tổng thống Pháp Francois Hollande đáp trả cuộc tấn công của Trump nhằm vào EU, bằng tuyên bố rằng châu Âu "không cần bên ngoài khuyên bảo phải làm gì". "Châu Âu sẵn sàng theo đuổi sự hợp tác xuyên Đại Tây dương, nhưng điều đó sẽ chỉ dựa trên các lợi ích và giá trị của châu lục", ông Hollande tuyên bố.
Lời kêu gọi đoàn kết cũng được Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault cất lên. Ông quả quyết rằng "như với trường hợp Brexit thì cách tốt nhất để bảo vệ châu Âu là phải giữ vững đoàn kết".
Ngoại trưởng Phần Lan Timo Soini khẳng định NATO sẽ vẫn nằm ở tâm điểm an ninh châu Âu thời Trump.
"Tôi nghĩ rằng chi tiêu quân sự sẽ tăng. Nhưng tôi không nghĩ vai trò của châu Âu suy giảm hay NATO rút đi hoặc điều gì đó tương tự", báo Helsingin Sanomat của Phần Lan dẫn lời ông Soini. "Tôi không tin... rằng châu Âu và Mỹ sẽ rạn vỡ" và nếu có điều này thì "sẽ là thiệt hại lớn cho cả hai bên".
Ngoại trưởng Luxembourg Jean Asselborn bày tỏ hy vọng rằng quan điểm của Trump sẽ thay đổi sau khi ông nhậm chức Tổng thống thứ 45 của Mỹ.
Về hạt nhân Iran, một năm sau ngày ký, thỏa thuận hạt nhân Iran đã được người phụ trách chính sách đối ngoại EU Federica Mogherini ca ngợi là "bằng chứng ngoại giao hoạt động và mang lại hiệu quả". "Châu Âu sẽ tiếp tục làm việc vì sự tôn trọng và thực thi thỏa thuận tối quan trọng này, phần lớn vì an ninh của chúng ta", ông Mogherini nói.
Ngoại trưởng Anh Boris Johnson cũng bênh vực thỏa thuận Iran, nhắc đến "giá trị lớn" của nó và đưa ra cam kết rằng các nước lớn đứng sau "muốn nó vẫn tiếp tục".
Thỏa thuận Iran được chính quyền của Tổng thống sắp mãn nhiệm Barack Obama coi là một trong những thành tựu chính sách ngoại giao lớn nhất của mình. Tuy nhiên, khi trò chuyện với báo Anh và báo Đức, Donald Trump gọi đó là "một trong những thỏa thuận ngớ ngẩn nhất" mà ông từng thấy.
Thanh Hảo