Theo Aljazeera, chỉ còn vài ngày trước khi cuộc xung đột Ukraine bước qua 1 năm, đã có nhiều dấu hiệu cho thấy Nga đang chuẩn bị một chiến dịch tiến công mới. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg mới đây đã lên tiếng cam kết tiếp tục ủng hộ Kiev, bất chấp số tiền khổng lồ mà liên minh này đã chi cho Kiev kể từ tháng 2/2022.

Báo cáo mới của Viện Kinh tế thế giới Kiel cho biết, tính tới ngày 20/11/2022, 30 nước thành viên NATO đã cam kết các khoản viện trợ trị giá 75,2 tỷ Euro cho Ukraine.

Trong số này, Mỹ là nước đóng góp nhiều nhất, với 22,9 tỷ Euro viện trợ quân sự, 15,05 tỷ viện trợ tài chính và 9,9 tỷ viện trợ nhân đạo. Xếp sau Mỹ là Anh với tổng số tiền viện trợ rơi vào khoảng 7,1 tỷ Euro; Đức xếp thứ 3 với 5,4 tỷ.

Bên cạnh đó, 2 quốc gia không phải thành viên NATO là Thụy Điển và Phần Lan đã viện trợ lần lượt 810 triệu và 310 triệu cho Ukraine.

Theo Viện Kiel, các gói viện trợ quân sự bao gồm vũ khí, thiết bị và hỗ trợ tài chính cho quân đội Ukraine. Viện trợ nhân đạo bao gồm y tế, thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu. Viện trợ tài chính là các khoản trợ cấp và bảo lãnh vay vốn.

Các thành viên NATO đã cung cấp cho Ukraine nhiều loại vũ khí 

Kể từ khi cuộc xung đột nổ ra vào ngày 24/2/2022, các nước thành viên NATO đã gửi cả vũ khí thông thường cũng như các thiết bị và khí tài tiên tiến tới Ukraine. Các loại vũ khí đáng chú ý mà Kiev đã nhận được gồm:

- Trực thăng Westland Sea King

- Hệ thống phòng không IRIS-T

- Tên lửa chống tăng Javelin

- Lựu pháo các loại

- UAV cảm tử Switchblade

- Hệ thống tên lửa HIMARS

- Hệ thống phòng không NASAMS

- Vũ khí chống tăng hạng nhẹ (NLAW)

- Các loại tên lửa phóng loạt (MLRS)

- Pháo tự hành Caesar

- Xe tăng T-72 và pháo phòng không Gepard