- Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông, để tương thích với chương trình giáo dục phổ thông mới, việc xét tốt nghiệp sẽ giao cho các trường học.

GS Thuyết cũng cho biết thêm: Các tổ chức, cá nhân nếu muốn đều có thể tham gia viết sách giáo khoa cho chương trình giáo dục phổ thông mới. Song phải qua thẩm định mới có thể đưa vào sử dụng.

{keywords}
GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông. Ảnh: Lê Văn.

Giới thiệu về Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới, GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết, một trong những yêu cầu của chương trình này là phát triển phẩm chất và năng lực, định hướng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp cho học sinh.

Chương trình hướng tới tích hợp cao ở các lớp dưới và phân hóa dần ở các lớp trên, đặc biệt có thêm những môn học mới theo cách tích hợp liên môn.

“Trước mắt, giáo viên môn nào sẽ dạy nội dung của môn đó, còn những giáo viên đã được bồi dưỡng, tập huấn tốt có khả năng đảm nhận toàn bộ môn tích hợp thì sẽ dạy môn tích hợp”, ông Thuyết nói.

GS Nguyễn Minh Thuyết nói về các năng lực của học sinh trong chương trình giáo dục phổ thông mới:

Đáng chú ý, trong dự thảo chương trình tổng thể đề cập vấn đề đổi mới đánh giá học sinh với 3 hình thức. Đặc biệt điểm mới là việc xét tốt nghiệp sẽ giao cho cấp trường. Để được cấp bằng tốt nghiệp THPT, học sinh không phải trải qua kỳ thi THPT quốc gia như hiện nay mà việc xét tốt nghiệp sẽ phụ thuộc vào việc đánh giá định kỳ do chính trường THPT thực hiện. Học sinh hoàn thành các môn học, tích lũy đủ kết quả đánh giá theo quy định của Bộ GD-ĐT được cấp bằng tốt nghiệp THPT.

Ông Thuyết cho biết, hiện Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã giao cho Vụ Giáo dục Trung học chủ trì, phối hợp với ban đề án xây dựng lộ trình đổi mới xét tốt nghiệp THPT khi mà chương trình mới này bắt đầu được triển khai nghiêm túc.

“Tuy nhiên, Bộ trưởng GD-ĐT cũng khẳng định từ nay đến năm 2020 sẽ giữ ổn định hình thức thi THPT quốc gia và xét tốt nghiệp”, ông Thuyết nói.

Ông Thuyết cho rằng nếu không đổi mới thi cử sẽ rất khó trong việc đổi mới trong cách dạy và học. “Kỳ thi hiện nay chủ yếu kiểm tra kiến thức chứ không phải năng lực. Nếu giờ chúng ta dạy theo kiểu mới là học sinh phải vào thực tế nhiều hơn, phải giải các bài toán thực tế thì sau này ở các nhà trường có thể tổ chức một vài môn thi theo hình thức như thế. Giao cho học sinh các đề án nghiên cứu, khi làm tốt thì học sinh được tích lũy thêm điểm để có thể xét tốt nghiệp, chứ không nhất thiết lúc nào cũng thi theo kiểu kiểm tra lý thuyết và kỹ năng giải bài tập”, ông Thuyết phân tích.

Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới cũng tạo điều kiện cho học sinh được học tập trung những môn phù hợp với định hướng nghề nghiệp của các em.

“Với các môn Tự chọn bắt buộc, việc đưa ra các môn cho phép các học sinh tự chọn này là hình thức mới, tuy nhiên học sinh có thể tự chọn môn học mình thích”.

Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra lo ngại là các tổ hợp môn học mà các em lựa chọn có quá phân tán và nhà trường liệu có xếp nổi thời khóa biểu.

Về việc này, ông Thuyết cho hay: “Trước khi đưa ra điều này chúng tôi đã khảo sát với học sinh của 5 trường THPT ở Hà Nội, Nam Định và Hưng Yên tổng số gần 2.800 em. Kết quả chọn môn của các em có điểm chung, kể cả khi chúng tôi đặt ngoài vấn đề thi đại học và theo sở thích thì cũng khá thống nhất. Sắp tới chúng tôi sẽ tiếp tục khảo sát trên toàn quốc và đã thông qua Bộ GD-ĐT”.

Chương trình hướng tới việc thực hiện một chương trình nhiều bộ sách, có một bộ cốt lõi do Bộ GD-ĐT chủ trì. Tuy nhiên, theo ông Thuyết trước mắt sẽ dạy theo hình thức cuốn chiếu chứ không phải ngay lập tức có sách cho 12 lớp.

“Các tổ chức cá nhân khác nếu muốn viết sách giáo khoa đều có thể tham gia. Tuy nhiên phải được duyệt bởi Hội đồng thẩm định quốc gia, sau đó mới có thể đưa vào sử dụng”.

Theo ông Thuyết, không phải những người trong ban xây dựng chương trình đều sẽ viết bộ sách giáo khoa do Bộ chủ trì. Bởi việc này phụ thuộc vào nhiều yếu tố và phải được tổ chức phụ trách làm sách giáo khoa mời và đủ một số tiêu chí.

“Sau khi có chương tình tổng thể, sẽ biên soạn chương trình môn học. Trong 1- 2 tháng nữa sẽ đưa ra để các chuyên gia thẩm định nhiều vòng. Chúng tôi cũng kiến nghị với Bộ khoảng 1-2 tháng nữa sẽ cho công bố trên các phương tiện thông tin thông báo mời các tổ chức, cá nhân đăng ký sách giáo khoa. Khi đó, các tổ chức cá nhân đó sẽ được thường xuyên liên hệ với ban phát triển chương trình để nắm những thông tin mới nhất về chương trình để chuẩn bị sách giáo khoa. Người viết sách giáo khoa phải có thời gian chuẩn bị khá dài, từ việc nghiên cứu mô hình sách giáo khoa các nước, của chính Việt Nam mới có thể viết được”.

Nói về số lượng đã đăng ký viết sách giáo khoa, ông Thuyết chia sẻ: “Bộ chưa thông báo mời nên chưa có danh sách, nhưng chúng tôi được biết hiện đã có khá nhiều đơn vị, cá nhân đăng ký viết sách”.

Tuy nhiên, theo ông Thuyết, quan điểm của Bộ GD-ĐT là các cơ quan quản lý nhà nước không đứng ra tổ chức biên soạn, viết sách giáo khoa. “Bởi đơn giản giờ một Sở GD-ĐT đứng ra biên soạn sách giáo khoa thì các trường trong tỉnh đó gần như không có quyền để lựa chọn bộ sách nào nữa. Và rồi các Sở khác cũng sẽ đăng ký và thành mỗi tỉnh một bộ sách sẽ rất khó thống nhất”.

GS Nguyễn Minh Thuyết giải thích về hoạt động trải nghiệm sáng tạo của học sinh trong chương trình giáo dục phổ thông mới:

Theo ông Thuyết, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được phát triển thường xuyên, bao gồm các khâu xây dựng chương trình, đánh giá, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chương trình trong quá trình thực hiện.

“Về cơ bản chương trình không thể không cập nhật. Bởi đơn giản thế giới có nhiều sự thay đổi về lịch sử, địa lý,... Hay như chuyện nhỏ ở ta là Hà Nội và Hà Tây sáp nhập. Do đó chương trình phải cập nhật chứ không thể cứ thế mà dạy mãi. Chưa kể, cuộc cách mạng 4.0 càng đòi hỏi chúng ta phải cập nhật”, ông Thuyết lý giải.

Dựa trên nội dung và yêu cầu cần đạt của chương trình giáo dục phổ thông, các trường xây dựng kế hoạch giáo dục riêng một cách linh hoạt, mềm dẻo, phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của địa phương.

Tuy nhiên, theo ông Thuyết, chương trình mới dù sẽ có thay đổi nhưng tương đối ổn định, bởi những gì mang vào chương trình phổ thông hầu hết là những thứ căn bản.

Thanh Hùng - Lê Văn