Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, việc lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn tại phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã được cân nhắc kỹ lưỡng. Hầu hết các vấn đề chất vấn lần này là những nội dung mới, được cử tri và nhân dân quan tâm.
Phát biểu mở đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào sáng 18/3, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết việc lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn tại phiên họp này đã được cân nhắc rất kỹ lưỡng.
Chất vấn 4 nhóm vấn đề về lĩnh vực tài chính
Trên cơ sở tổng hợp các nguồn thông tin, đề xuất của các Đoàn đại biểu Quốc hội, rà soát các nội dung, xuất phát từ tình hình thực tế, đồng thời để tạo điều kiện cho tất cả các bộ trưởng, trưởng ngành đều được trả lời chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chọn chất vấn đối với các nhóm vấn đề của Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao tại phiên họp này.
Thứ nhất là công tác quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm và các hoạt động dịch vụ thuộc lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm nhân thọ.
Thứ hai là việc thẩm định, cấp phép hoạt động của các công ty làm dịch vụ liên quan đến tài chính; việc thực hiện pháp luật đối với hoạt động kinh doanh xổ số, đặt cược, casino và trò chơi điện tử có thưởng.
Nhóm vấn đề thứ 3, các đại biểu chất vấn tập trung vào thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan; phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Nhóm vấn đề thứ 4 là về công tác quản lý giá và việc quyết định giá hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá.
Chủ tịch Quốc hội thông tin thêm, thời gian qua, Quốc hội đã quan tâm chất vấn nhiều vấn đề thuộc lĩnh vực tài chính. Hầu hết các vấn đề chất vấn lần này là những nội dung mới và được các Đoàn đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân cả nước rất quan tâm.
“Tài chính là lĩnh vực đa ngành, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, việc tiếp tục chất vấn đối với lĩnh vực này rất cần thiết để tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp luật, chính sách, tổ chức thực hiện và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát nhằm lành mạnh hóa thị trường tài chính, thúc đẩy phát triển các loại hình dịch vụ tài chính có giá trị gia tăng cao như bảo hiểm, kế toán, kiểm toán, thẩm định giá…”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Lần đầu tiên lĩnh vực ngoại giao được lựa chọn để chất vấn
Cụ thể, nhóm thứ nhất, các đại biểu sẽ chất vấn về công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài; tình trạng vi phạm pháp luật của công dân Việt Nam ở nước ngoài và của người nước ngoài tại Việt Nam; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam.
Nhóm thứ 2, các đại biểu quan tâm đặt câu hỏi về thực trạng việc triển khai các thỏa thuận song phương, đa phương và giải pháp thúc đẩy thực hiện các thỏa thuận hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư; công tác hỗ trợ mở rộng thị trường hàng hóa xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tránh bị lừa đảo.
Thứ 3, chất vấn về hoạt động xúc tiến và quảng bá du lịch Việt Nam với thế giới và việc miễn thị thực nhập cảnh cho công dân các nước vào Việt Nam để phát triển du lịch.
Thứ tư là nhóm vấn đề về công tác quản lý, sắp xếp, kiện toàn, nâng cao trình độ, năng lực tổ chức bộ máy ngành ngoại giao (kể cả các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài); giải pháp tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động ngoại giao.
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, đây là lần đầu tiên lĩnh vực ngoại giao và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn được lựa chọn để chất vấn. Từ sau Đại hội 13 của Đảng đến nay, tình hình thế giới trải qua những biến động lớn, phức tạp, có những diễn biến vượt khỏi dự báo thông thường, mở ra nhiều cơ hội mới, song cũng đặt ra nhiều thách thức lớn đối với nước ta.
Trong bối cảnh đó, công tác đối ngoại đã đạt được “nhiều kết quả, thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, trở thành một điểm sáng đầy ấn tượng” trong thành tựu chung của đất nước như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá.
“Thông qua hoạt động chất vấn lần này, cũng sẽ góp phần làm rõ thực trạng tình hình, những kết quả nổi bật, những hạn chế, tồn tại và nguyên nhân khách quan, chủ quan cũng như xác định rõ các phương hướng, giải pháp để làm tốt hơn các nội dung công tác này trong thời gian tới”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu đặt câu hỏi rõ, ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề, tranh luận thẳng thắn, trách nhiệm, mang tính xây dựng.
Theo quy định, mỗi đại biểu sẽ tiến hành chất vấn không quá 1 phút; thời gian tranh luận không quá 2 phút (đại biểu đăng ký chất vấn và tranh luận qua app Quốc hội).
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các Bộ trưởng nêu cao tinh thần trách nhiệm, trả lời ngắn gọn, đúng trọng tâm, làm rõ những chất vấn của đại biểu, đồng thời đưa ra các giải pháp thiết thực, hiệu quả, khả thi, bảo đảm vừa khắc phục kịp thời, hiệu quả các yếu kém, hạn chế trước mắt, vừa tạo được chuyển biến thực chất, căn cơ và lâu dài đối với từng nội dung chất vấn.
Qua đó, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác điều hành lĩnh vực quản lý, đáp ứng yêu cầu, kỳ vọng của cử tri, nhân dân cả nước.
Phiên chất vấn được tổ chức tại Phòng Diên Hồng, Nhà Quốc hội, kết nối truyền hình trực tuyến với 62 điểm cầu của các Đoàn đại biểu Quốc hội tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Chương trình phiên chất vấn được phát thanh trực tiếp trên Đài Tiếng nói Việt Nam, truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam để cử tri và nhân dân theo dõi, giám sát.
Bộ Ngoại giao tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, tập trung vào các lĩnh vực được xác định là dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực hoặc những vấn đề nổi cộm, bức xúc.
Năm 2024, Bộ Tài chính sẽ thanh tra 6 doanh nghiệp bảo hiểm; trong đó có thanh tra việc triển khai bán bảo hiểm qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài với 2 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ.
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, năm 2023, dù kết quả kinh doanh dự án casino tại Phú Quốc có khởi sắc hơn so với năm 2022 nhưng tổng thể đang bị lỗ lũy kế 3.724 tỷ đồng do chi phí khấu hao, trả lãi giai đoạn đầu lớn.