Tân Việt Books vừa ra mắt cuốn sách Phương pháp đọc liên kết - Dẫn lối ước mơ và nghề nghiệp cho trẻ của Ryu Sun-deok, hiện là Giám đốc Thư viện Daechi ở Gangnam-gu (Seoul, Hàn Quốc). Bà là người luôn trăn trở với câu hỏi: “Làm thế nào để kích thích việc ham đọc sách ở Hàn Quốc?”. 

Kể từ khi đảm nhiệm chức vụ người đứng đầu Thư viện Daechi năm 2011, bà Ryu Sun-deok đã tiến hành nhiều cuộc thảo luận về phương pháp đọc sách, cũng như các chương trình văn hóa đọc cho những nhóm tuổi khác nhau, đặc biệt là thanh thiếu niên. Đây chính là cơ duyên ra đời cuốn sách Phương pháp đọc liên kết - Dẫn lối ước mơ và nghề nghiệp cho trẻ.

Tác giả chỉ dẫn cách giúp trẻ đọc sách với trạng thái thoải mái, vui vẻ; đồng thời nêu lên những thói quen 'phù phép' cho việc đọc trở nên hiệu quả, ghi nhớ thông tin nhanh. Đặc biệt, bà còn “bày cách” để các em có thể tiếp xúc với cuốn sách đầu tiên, từ đó yêu thích những tác phẩm khác và hình thành thói quen đọc một cách thật tự nhiên.

Theo bà Ryu Sun-deok, 'phương pháp đọc liên kết' chính là tìm đến một cuốn sách khác có cùng chủ đề với quyển bạn vừa đọc. Hay nói cách khác, khi đọc liên tục vài cuốn sách, sự quan tâm và lòng hiếu kỳ về một vấn đề nào đó sẽ dần hình thành. 

Ngoài ra, tác giả còn đề cập đến kỳ tích Đại học Chicago trở thành top 3 trường tốt nhất ở Mỹ và có số người đoạt giải Nobel chỉ sau Đại học Harvard và Yale nhờ cho học sinh đọc nhiều sách: sinh viên phải đọc hàng trăm cuốn sách bắt buộc về khoa học, lịch sử, triết học, nhân văn mới được tốt nghiệp. Bà cũng liệt kê 144 tác phẩm mà Đại học Chicago yêu cầu sinh viên phải đọc - đây cũng chính là những sách quý cho bạn đọc tham khảo.

Giám đốc Thư viện Daechi cũng cho rằng, đọc sách là cách tốt nhất để thanh thiếu niên tìm ra con đường và phát triển ước mơ. Sách vở giống như kho báu, trong đó chứa hàng nghìn hàng vạn ý tưởng cho tương lai. Đọc từng cuốn sẽ giúp tích lũy kiến ​​thức và trí tuệ, đào sâu suy nghĩ và phát triển khả năng sáng tạo.

GS. Jeong Dae Sung (Đại học Yonsei, Hàn Quốc) nhận xét: “Phương pháp đọc liên kết đã ghi lại tầm quan trọng của việc đọc sách. Tác phẩm này không chỉ chia sẻ những câu chuyện về các vĩ nhân dựa trên những cuốn sách họ đọc thời thơ ấu, mà còn có câu chuyện về sự trưởng thành của những cô, cậu bé nhờ sử dụng thư viện trong ngôi làng nhỏ. Hơn hết, cuốn sách chứa đựng nhiều bí quyết sống động của tác giả để người đọc say mê đọc và tiến tới một thế giới đọc sâu sắc hơn”.  

Lê Thị Thuý Tình, Lê Thanh Hùng, Lê Diệu Thúy