Lượng người dùng sách nói tăng chóng mặt

Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ hai vừa khai mạc tại Huế. TP.HCM cũng là địa phương hưởng ứng nhiệt tình hoạt động này. Bên cạnh sự tham gia của 30 đơn vị xuất bản, phát hành, lần đầu tiên hội sách có sự góp mặt của các startup ứng dụng sách nói hàng đầu tại Việt Nam. Gian hàng của FONOS, Voiz... thu hút rất nhiều khách thăm quan, đặc biệt là các bạn trẻ bởi hình thức mới lạ và trải nghiệm dành cho độc giả. 

"Tôi khá bất ngờ với độ hoành tráng của Ban tổ chức. Nhiều gian hàng giống năm ngoái nhưng khác biệt nhất là có thể trải nghiệm thêm hoạt động nghe sách, mới thử thì thấy rất đã. Với quy mô Ngày Sách và Văn hóa đọc lần này, tôi hy vọng tìm được thêm nhiều cuốn ưng ý", độc giả Mai Cao (29 tuổi, TP.HCM) chia sẻ.

Gian hàng sách nói là điểm mới của Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam tại TP.HCM.

Gian hàng sách nói thu hút không chỉ nhiều bạn trẻ - nhóm công chúng bắt đầu làm quen với văn hóa nghe sách mà còn hấp dẫn trẻ nhỏ. Các bé khá hứng thú khi được nghe truyện thiếu nhi với giọng đọc truyền cảm và nhạc hiệu vui nhộn.

Có rất nhiều lý do khiến độc giả lựa chọn loại hình sách nói, đầu tiên là sự tiện lợi khi có thể “mang” theo nhiều cuốn bên mình. ​​Với thế hệ gen Z, gen Alpha gắn liền với Internet và thiết bị thông minh từ khi còn nhỏ, việc tiếp nhận thông tin qua nghe - nhìn cũng thay đổi phần nào thói quen đọc sách thành nghe sách.

“Các ứng dụng sách nói phát triển giúp đa dạng hình thức tiếp nhận thông tin từ xuất bản phẩm, phù hợp với sự phát triển xã hội hiện đại”, đại diện ứng dụng sách nói FONOS cho biết. 

Sách nói đặc biệt phù hợp cho nhóm học sinh 6 - 12 tuổi vì có giá trị cung cấp kiến thức như sách in truyền thống, tuy nhiên lại hạn chế căng thẳng cho mắt. Ở độ tuổi này, các em chưa đủ khả năng và động lực thôi thúc đọc sách nên việc ép đọc trọn vẹn một cuốn sách giấy hay Ebook (sách điện tử) là tương đối khó. Audio Books trở thành lựa chọn hợp lý giúp cha mẹ xây dựng thói quen đọc sách tích cực cho con cái.

Tương lai rộng mở cho sách nói

Giữa bối cảnh thị trường nội dung âm thanh trở thành xu hướng được ưa chuộng mà minh chứng là sự thành công của những ông lớn như Spotify, Apple Podcasts... sách nói được dự báo có tương lai rộng mở. Trong số các quốc gia Đông Nam Á, Việt Nam là thị trường tiềm năng với dân số trên 90 triệu người, trong đó có hơn 50% dưới 35 tuổi, đồng thời có lượng người sử dụng smartphone đứng thứ 2 Đông Nam Á. Đây là cơ sở quan trọng cho sự phát triển của các nội dung số cũng như sách nói. 

Kể từ khi đại dịch bùng phát, sách nói có tốc độ tăng trưởng mạnh; nhiều quốc gia như Anh, Mỹ, Trung Quốc có doanh thu đạt mức ấn tượng. 

Thị trường sách nói giai đoạn 2023-2026 được dự đoán tiếp tục mở rộng và trở thành xu hướng ở nước ta, thậm chí một số ý kiến cho rằng nó có tương lai tốt hơn so với Ebook. Bởi sách điện tử vẫn có trở ngại là bắt mọi người phải đọc, trong khi nhịp sống hiện đại ngày càng hạn chế thời gian cho điều này.

Trải nghiệm nghe sách thoải mái hơn và giúp khắc phục các hạn chế của việc đọc sách.

Trước sự phát triển nhanh chóng của ứng dụng sách nói, các nhà xuất bản tới đây có xu hướng tung ra hai phiên bản song song, sách giấy/sách điện tử hoặc sách giấy/sách nói. Độc giả có thể chọn lựa sản phẩm với đủ hai hình thức này để tận dụng công nghệ cho giải trí hoặc phát triển bản thân.

Xu hướng tất yếu của sách hiện đại là sự xuất hiện song song các nền tảng. Trong đó, bản giấy chỉ dành cho những cuốn sách giá trị, cần lưu giữ và làm quà tặng, còn sách điện tử và sách nói sẽ trở nên thông dụng hơn.

Rất nhiều lợi thế trước mắt nhưng sách nói cũng có hạn chế riêng. Dù thư viện sách nói khá phong phú song người nghe không dễ tìm được tác phẩm mình yêu thích. Một vấn đề nữa là khi nghe, cảm xúc thường bị dẫn dắt bởi người đọc. Như thế, tính tự do trong tiếp nhận cũng như kinh nghiệm thẩm mỹ của chủ thể bị ảnh hưởng không nhỏ.

Điển hình như việc vừa nghe một vài câu lại phải dừng để đọc chú giải (trong một số sách nói văn học cổ điển) khiến cho mạch văn, mạch truyện bị ngắt quãng, gây ức chế... Cảm xúc của người đọc thể hiện trực tiếp qua ngữ điệu, cách nhấn nhá, nhanh chậm, khiến cho người nghe không có được trải nghiệm chủ động mang tính cá nhân. Khi dòng cảm xúc của người nghe trôi theo giọng đọc, khả năng lưu tâm đến một tình tiết, chi tiết, điểm nhấn nào đó có thể bị mất đi.

Chính những yếu tố mang tính đặc thù của sách nói - giọng đọc, bất cập về ngôn ngữ vùng miền, khả năng diễn đạt, năng lực thói quen ngôn ngữ, thậm chí là tật lỗi của người đọc có thể là điểm trừ mà người làm sách nói không thể không nghĩ tới. 

Trải nghiệm đọc sách giấy vẫn được nhiều độc giả ưu tiên.

Tuy vậy, khi người sử dụng điện thoại thông minh ngày càng nhiều và thời gian dành cho việc đọc càng ít đi, sách nói dự báo vẫn tăng trưởng mạnh thời gian tới. Đại diện FONOS cho biết ứng dụng đặt mục tiêu tiếp cận hơn 2 triệu người sử dụng thường xuyên tại Việt Nam trong năm 2023. 

Nghe sách nói miễn phí tại Đường sách TP.HCM

Đường sách Nguyễn Văn Bình và Đường sách Tết Nguyễn Huệ tại TP.HCM được lắp đặt không gian nghe sách nói miễn phí - thêm một trải nghiệm mới thú vị cho người dân tham quan Đường sách ngày xuân.