Sáng 4/5, Bộ Chính trị triển khai quyết định luân chuyển cán bộ để ông Trần Lưu Quang, Phó bí thư Thành ủy TP.HCM làm Bí thư TP Hải Phòng.

Ông Trần Lưu Quang đang ở nhiệm kỳ ủy viên Trung ương lần thứ ba, với lần đầu là ủy viên dự khuyết khóa 11. Trưởng thành từ cán bộ đi lên ở quê hương, tới vị trí cao nhất - Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh 4 năm (2015-2019), trước khi được Bộ Chính trị điều động làm Phó bí thư thường trực TP.HCM, có thể nói, ông Quang là Bí thư Tỉnh ủy phía Nam đầu tiên kể từ sau 1975 ra làm Bí thư Tỉnh ủy một địa phương phía Bắc.

{keywords}
Tân Bí thư Thành ủy Hải Phòng Trần Lưu Quang

Mở rộng hơn một chút, cũng tính từ ngày đất nước thống nhất, ông Quang là người miền Nam thứ hai được Bộ Chính trị phân công làm Bí thư Tỉnh ủy một tỉnh phía Bắc.

Trước ông Quang đã rất nhiều năm chỉ có trường hợp nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Trưởng thành từ quê hương Bến Tre, ở cương vị Giám đốc Sở Tài chính, tỉnh ủy viên, bà Ngân được đưa ra Hà Nội làm Thứ trưởng Tài chính. Từ đây, năm 2001 bà trúng cử Trung ương khóa 9, rồi 2002 được Bộ Chính trị điều động làm Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương cho đến 2006…

Đột phá so với thông lệ

Nhìn trở lại kết quả công tác nhân sự Đại hội 13 đầu năm nay do Bộ Chính trị, BCH Trung ương khóa 12 dày công chuẩn bị, cũng như kết quả kiện toàn nhân sự các chức danh nhà nước ở kỳ họp Quốc hội hơn một tháng trước, có thể thấy quyết định nhân sự mới nhất của Bộ Chính trị phản ánh cách làm có tính chất đột phá so với thông lệ.

Đầu tiên là Thủ tướng - một trong 4 chức danh chủ chốt được đặt lên vai ông Phạm Minh Chính, người mới có kinh nghiệm ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh sau đó là ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, chưa từng trải qua cương vị Phó Thủ tướng, điều hành Chính phủ, như các Thủ tướng tiền nhiệm.

Cùng với ông Chính là Bí thư Hải Phòng Lê Văn Thành. Chưa có kinh nghiệm hoạt động hành pháp ở Trung ương, nhưng bằng thành tích công tác nổi trội ở thành phố cảng, ông được Bộ Chính trị tín nhiệm giới thiệu và Quốc hội chấp thuận giao nhiệm vụ đầy thách thức, Phó Thủ tướng.

Bình thường và khác thường

Trở lại với trường hợp ông Trần Lưu Quang, phải khẳng định rằng việc Bí thư tỉnh ủy không phải là người tại chỗ, đến mùa đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 vừa qua đã trở thành rất bình thường. Việc các ủy viên Trung ương người Bắc vào Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và thậm chí các tỉnh Nam Bộ làm Bí thư những khóa gần đây cũng không quá hiếm.

Câu hỏi là, tại sao trường hợp “Bắc tiến” như ông Quang lại hiếm như vậy? Lý do thì có nhiều, nhưng có thể điểm 2 nguyên nhân chính như sau.

Thứ nhất, đầu mối các đảng bộ trực thuộc Trung ương nằm ở phía Nam không nhiều, chủ yếu nằm ở các tỉnh, thành ủy. Trong khi phía Bắc, kể cả Bắc Trung bộ, ngoài các tỉnh, thành ủy thì còn nhiều bộ, ngành, cơ quan trung ương đặt tại Thủ đô Hà Nội. Yếu tố ấy cùng với thuận lợi về địa lý, khiến cho số cán bộ có cơ hội được bồi dưỡng, phát triển, tham gia BCH Trung ương ở các tỉnh phía Bắc Trung bộ trở ra dồi dào hơn Nam Trung bộ trở vào.

Thứ hai, ngay cả khi Trung ương “nhắm” được nhân sự phía Nam có năng lực nổi trội, muốn kéo ra Bắc để bồi dưỡng, phát triển, thì không ít trường hợp ngại ngần, từ chối. Lý do chủ yếu là khác biệt văn hóa vùng miền, là thiệt thòi, vất vả, là xa gia đình, xa môi trường vốn đã thân quen… Chưa kể, vất vả vậy thì cơ hội thăng tiến tương lai thế nào là câu hỏi còn có phần bỏ ngỏ.

Nhưng ngay cả khi có nhiều nguyên nhân khách quan như vậy thì cũng cần hỏi lại: Tại sao cũng vất vả, thiệt thòi, xa gia đình mà cán bộ phía Bắc lại mạnh dạn vào Nam theo điều động của Trung ương?

Câu trả lời duy nhất là cần mạnh dạn, đột phá.

Và nhân sự Trần Lưu Quang hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi cho nhiệm vụ đột phá khẩu ấy.

Thuận lợi nhiều hơn khó khăn

Đầu tiên là giao thông, đi lại, thông tin kết nối giờ đã thuận lợi hơn rất nhiều so với những năm trước. Từ Hải Phòng hay Hà Nội bay vào TP.HCM nhiều khi nhanh hơn từ TP.HCM chạy xe về các tỉnh…

 

Với ông Quang, văn hóa vùng miền phía Bắc không hẳn xa lạ. Có bố, mẹ là cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc, ông sinh ra ở Hà Nội năm 1967 với thời niên thiếu lớn lên ở hậu phương miền Bắc XHCN, rồi trở về Nam sau ngày thống nhất 30/4/1975.

 

Là cán bộ được đào tạo cơ bản, ông Quang được bồi dưỡng khá sớm, trở thành ủy viên Trung ương dự khuyết khóa 11, năm 2011, khi là Bí thư huyện ủy 44 tuổi. Nay bước sang nhiệm kỳ Trung ương thứ ba, công việc thuộc chức trách ủy viên Trung ương với ông không còn gì lạ lẫm.

Với thành tích khá nổi trội trong 4 năm Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh, tiếp đó trải nghiệm 2 năm Phó bí thư thường trực TP.HCM – trung tâm kinh tế, chính trị lớn nhất nhì cả nước, ông Quang hội đủ điều kiện để bước vào cương vị mới ở Hải Phòng - thành phố cảng đang được kỳ vọng là một đầu tàu kinh tế của miền Bắc.

Cơ hội dành cho người tiên phong

Cũng có câu hỏi là tại sao không phân công nhân sự Trần Lưu Quang về một địa phương nào đó ở phía Nam thì biết đâu ông sẽ đóng góp được nhiều hơn, do đã quen thuộc văn hóa vùng miền?

Câu trả lời: Vậy thì dễ quá, còn gì là thử thách!

Thử thách đang ở phía trước với bất cứ cán bộ nào từ Bắc vào Nam, hay từ Nam ra Bắc. Nhưng chỉ có vượt qua được thử thách thì mới khẳng định được chính mình.

Khẳng định được năng lực của mình ở những môi trường, văn hóa khác nhau của quốc gia cũng chính là chứng minh mình “có tố chất, năng lực lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược; có hoài bão, khát vọng đổi mới vì dân, vì nước” - như Quy định 214-QĐ/TW của Bộ Chính trị năm 2020 về khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

Nhân sự hai vị trí Thủ tướng, Phó Thủ tướng lần này và những cách làm khác với thông lệ đang phát đi tín hiệu mạnh mẽ khuyến khích những Bí thư địa phương dấn thân, dám nghĩ, dám làm.

Cùng với thách thức, cơ hội từ thành phố cảng - cửa ngõ thông thương quốc tế lớn nhất của các tỉnh phía Bắc đang đợi chờ tân Bí thư Trần Lưu Quang. Và hơn cả, ông đã có điều kiện rất thuận lợi để bắt tay vào công việc mới của mình khi quyết định nhân sự của Bộ Chính trị đã nhận được sự ủng hộ, đồng thuận và kỳ vọng từ Thành ủy Hải Phòng.

Nghĩa Nhân

Trọng trách và kỳ vọng với tân Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng

Trọng trách và kỳ vọng với tân Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng

Tại hội nghị lần thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 13, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đã được bầu vào Bộ Chính trị, sau đó được phân công làm Bí thư Thành ủy Hà Nội.