Kiến trúc sư người Đức Herman Sörgel đã đề xuất xây dựng một hệ thống đập thủy điện nhằm hạ thấp mực nước biển Địa Trung Hải để sáp nhập châu Âu với châu Phi tạo thành một siêu lục địa mới có tên Atlanropa.
Khi các nhà lãnh đạo châu Phi họp tại Bắc Kinh trong tuần này để tham dự hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - châu Phi 3 năm một lần, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có một điều để tự hào: truyền hình vệ tinh.
Theo BBC, cách đây 9 năm, ông Tập Cận Bình đã cam kết với các nguyên thủ quốc gia tham dự Diễn đàn hợp tác Trung Quốc - châu Phi (FOCAC) ở Johannesburg rằng, Trung Quốc sẽ cung cấp quyền truy cập truyền hình kỹ thuật số cho hơn 10.000 ngôi làng xa xôi ở 23 quốc gia châu Phi. Với hơn 9.600 ngôi làng đã có cơ sở hạ tầng vệ tinh, dự án đang gần hoàn thành.
Lời cam kết đầy tham vọng này được đưa ra trong thời kỳ quan hệ Trung Quốc và châu Phi nồng ấm. Dự án do Trung Quốc viện trợ này được giao cho StarTimes - một công ty tư nhân của Trung Quốc đã hoạt động ở một số nước châu Phi.
Động thái trên được coi là một biểu hiện thiện chí và là cơ hội để Trung Quốc thể hiện sức mạnh mềm tại một khu vực có tầm quan trọng chiến lược.
Khi nền kinh tế Trung Quốc đang gặp khó khăn và Bắc Kinh điều chỉnh lại chiến lược châu Phi, phóng viên BBC đã đến thăm 4 ngôi làng ở Kenya để tìm hiểu xem sáng kiến "sức mạnh mềm" này có thành công hay không.
Tại làng Olasiti, cách thủ đô Nairobi khoảng 3 giờ lái xe về phía tây, Nicholas Nguku đã tập hợp bạn bè và gia đình để cùng xem các vận động viên Kenya thi chạy tại Olympic Paris trên truyền hình. Người đàn ông này nói: "Tôi rất hạnh phúc khi được xem Olympic, trước đây, khi chưa có StarTimes, tôi không được xem", Nguku nói về việc StarTimes lắp đặt đĩa vệ tinh cách đây 4 năm.
Nicholas Nguku không phải là người được hưởng lợi duy nhất từ sự hiện diện của StarTimes trên khắp châu Phi. Kể từ lần đầu tiên được giới thiệu ở lục địa này vào năm 2008, StarTimes hiện là một trong những nhà cung cấp truyền hình kỹ thuật số tư nhân lớn nhất ở châu Phi cận Sahara, với hơn 16 triệu thuê bao.
Các nhà phân tích cho biết, ban đầu giá thuê bao thấp đã giúp củng cố chỗ đứng của công ty. Tại Kenya, các gói truyền hình kỹ thuật số hàng tháng dao động từ 329 shillings (2,50 USD) tới 1.799 shillings (14 USD). Trong khi đó, một gói dịch vụ hàng tháng cho DStv, thuộc sở hữu của MultiChoice, một công ty lớn khác trên thị trường truyền hình kỹ thuật số châu Phi, có giá từ 700 đến 10.500 shilling.
Trong khi StarTimes dựa một phần vào các gói đăng ký để có doanh thu cốt lõi, thì "Dự án 10.000 ngôi làng" lại nhận được tài trợ từ Quỹ hỗ trợ Nam - Nam do nhà nước Trung Quốc điều hành. Tất cả các đĩa vệ tinh đều có logo StarTimes, biểu tượng của Bộ Thông tin Kenya và logo "China Aid" màu đỏ. Trong quá trình lắp đặt các đĩa này, đại diện của StarTimes cho biết đây là "món quà" từ Trung Quốc, một số dân làng kể lại.
Theo Tiến sĩ Angela Lewis, một học giả đã viết nhiều bài về StarTimes ở châu Phi, dự án này có tiềm năng để lại hình ảnh tích cực về Trung Quốc cho người dân nơi đây. Dân làng dường như nhận được mọi thứ miễn phí, bao gồm cơ sở hạ tầng như chảo vệ tinh, pin và lắp đặt, cũng như nội dung của StarTimes.
Tiến sĩ Lewis nhận xét, những gì Trung Quốc làm là một bước ngoặt vì trước đây hầu hết các ngôi làng xa xôi ở châu Phi chỉ có thể tiếp cận truyền hình analogue chập chờn. Đối với nhiều người, đây là lần đầu tiên họ được tiếp cận với đĩa vệ tinh và nó làm thay đổi cách người dân tương tác với thế giới bên ngoài.
Hiện nay, các bệnh viện và trường học ở làng Ainomoi, phía tây Kenya, việc thuê bao truyền hình vệ tinh là hoàn toàn miễn phí. Tuy nhiên, một số hộ gia đình ở Kenya cho hay, thời gian dùng thử miễn phí chỉ kéo dài trong một khoảng thời gian giới hạn.
Dù giá tương đối rẻ nhưng việc gia hạn thuê bao được coi là gánh nặng tài chính đối với nhiều người. Do đó, sự phấn khích ban đầu của những người được hưởng lợi từ dự án của Trung Quốc đã giảm bớt, làm ảnh hưởng tới nỗ lực xây dựng thiện chí của Trung Quốc.