“Kỷ lục” lập pháp

Việc lùi thời điểm thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) nhằm đảm bảo nguyên tắc: “xây dựng luật phải thận trọng, chắc chắn, làm tốt từng khâu, đặt yêu cầu cao về chất lượng, không chạy theo số lượng…”.

Như vậy, Luật Đất đai (sửa đổi) sớm nhất sẽ phải chờ đến kỳ họp sau mới được thông qua và không loại trừ khả năng đó sẽ là một kỳ họp bất thường, có tính chất chuyên đề để thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật các Tổ chức tín dụng, như thông tin chia sẻ trong buổi họp báo do Văn phòng Quốc hội tổ chức vào sáng 29/11.

Việc thông qua một đạo luật ở kỳ họp bất thường cũng đã từng có tiền lệ và được áp dụng để giải quyết những vấn đề cấp bách, chẳng hạn như tại kỳ họp bất thường tháng 01/2022, Quốc hội đã thông qua luật số 03 sửa đổi, bổ sung 9 luật để tháo gỡ vướng mắc về khung khổ pháp lý, thúc đẩy phát triển kinh tế trong bối cảnh tác động của Covid-19.

Luật Đất đai (sửa đổi) cũng đang được cộng đồng doanh nghiệp, người dân và cả các cơ quan quản lý nhà nước trông đợi từng ngày để tháo gỡ những vướng mắc trong thi hành Luật Đất đai năm 2013, giúp khơi thông được nguồn lực đất đai, do vậy, một kỳ họp chuyên đề để rà soát, chỉnh lý thấu đáo dự thảo trước khi biểu quyết thông qua là hết sức cần thiết.

Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được xem xét, thông qua ở ít nhất bốn kỳ họp, có lẽ là một “kỷ lục” về độ bền bỉ trong công tác lập pháp. Cần nhấn mạnh rằng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật không có quy định về quy trình xem xét thông qua dự án luật tại 4 kỳ họp (chỉ có quy trình tại một, hai hoặc ba kì họp).

Do vậy, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã phải vận dụng quy định tại Điều 76 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (quy định “Trong trường hợp dự thảo luật chưa được thông qua hoặc mới được thông qua một phần thì Quốc hội xem xét, quyết định theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội”) để trình Quốc hội biểu quyết cho lùi thông qua dự án luật để tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý, rà soát, bảo đảm chất lượng tốt nhất.

luat dat dai.jpeg
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo về một số nội dung lớn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Cũng phải lưu ý rằng số đạo luật được xem xét thông qua tại 3 kỳ họp (như dự kiến ban đầu với Luật Đất đai) từ trước tới nay chỉ đếm trên đầu ngón tay, và ngay cả Hiến pháp năm 2013 cũng “chỉ” được xem xét thông qua tại 3 kỳ họp. 

Hơn nữa, trước khi trình dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) ra Quốc hội lần đầu vào tháng 10/2022 thì Chính phủ đã phải xin lùi tới 3 lần. Những chi tiết đó đủ thấy độ khó của Luật Đất đai và sự thận trọng mà các cấp có thẩm quyền đặt ra khi xây dựng đạo luật quan trọng này.

Chọn vấn đề đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh

Ngay từ đầu nhiệm kỳ của Đảng, Quốc hội và Chính phủ khóa mới, công tác lập pháp đã được đặc biệt ưu tiên. 

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng vào đầu năm 2021 đã tiếp tục nhấn mạnh “ba đột phá chiến lược” mà đột phá đầu tiên, quan trọng nhất là: “Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách nhằm tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là đất đai, tài chính…”.

Tại Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 về định hướng chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội khóa XV, Bộ Chính trị đã đề ra yêu cầu: “Việc xây dựng, ban hành luật phải thận trọng, chắc chắn, làm tốt từng khâu, đặt yêu cầu cao về chất lượng, không chạy theo số lượng, phải bám sát và kịp thời đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Những vấn đề cấp bách, đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh, có sự thống nhất cao thì mới xây dựng, ban hành luật; những vấn đề tuy cấp bách, cần thiết, nhưng là vấn đề mới, chưa đạt đồng thuận cao thì có thể quy định thực hiện thí điểm”.

Tinh thần ấy tiếp tục tái hiện tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban chấp hành Trung ương về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa: “Những vấn đề thực tiễn đòi hỏi, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, có sự thống nhất cao thì kiên quyết thực hiện; những vấn đề chưa rõ, còn nhiều ý kiến khác nhau thì tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, thực hiện thí điểm khi cơ quan có thẩm quyền cho phép...”.

Đi từ chủ trương ấy, việc hoãn thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là dễ hiểu và là việc đương nhiên phải làm. Tại đợt một kỳ họp Quốc hội, dự thảo luật vẫn còn 34 điều luật thiết kế hai đến ba phương án, trong đó Báo cáo số 678/BC-UBTVQH ngày 02/11 của UBTVQH đã xin ý kiến đối với 26 nội dung lớn, gồm 04 nội dung có 01 phương án và 22 nội dung có 02 phương án.

Sau khi Quốc hội thảo luận ở đợt một kỳ họp, cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan soạn thảo đã phối hợp tiếp thu, chỉnh lý nhưng vẫn còn 14 vấn đề có 02 phương án. 

Kết quả phiên họp ngày 16/11 của UBTVQH mang đến một số tiến triển nhưng vẫn còn một số nội dung lớn chưa thiết kế được phương án tối ưu hoặc chưa đủ căn cứ, phương hướng để chọn phương án tốt nhất.

Ngoài ra, dự thảo còn tồn tại một nhóm vấn đề hệ trọng, then chốt cần xin ý kiến cấp có thẩm quyền do chưa được quy định trong Nghị quyết số 18-NQ/TW của Đảng về hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý, sử dụng đất hoặc có thay đổi/cần làm rõ so với Nghị quyết 18. 

Do vậy, mặc dù cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra cơ bản đã thống nhất ý kiến nhưng vẫn cần báo cáo cấp có thẩm quyền trước khi thể chế hóa trong luật.

Một vấn đề lớn rất được kỳ vọng là về quyền sử dụng đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài. 

Đa số đại biểu Quốc hội thống nhất phương án: người Việt Nam định cư ở nước ngoài còn quốc tịch Việt Nam thì có đầy đủ các quyền liên quan đến đất đai như công dân Việt Nam ở trong nước. Quy định này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy đầu tư và thu hút kiều hối từ hàng triệu kiều bào ở nước ngoài để phát triển kinh tế đất nước. Tuy nhiên, do Nghị quyết 18 không đề cập nội dung này nên cần báo cáo, xin ý kiến cấp có thẩm quyền.

Vấn đề tiếp theo là nếu người có đất dự kiến bị thu hồi chưa được phê duyệt phương án bồi thường, chưa được bố trí tái định cư nhưng đã tự nguyện bàn giao đất cho Nhà nước và đã được bố trí tạm cư thì Nhà nước có được phép thu hồi đất không? Các cơ quan đều thống nhất phương án cho phép thu hồi đất trường hợp này để rút ngắn thời gian giải phóng mặt bằng nhưng do Nghị quyết 18 quy định rõ “Việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải đi trước một bước...” nên cần xin ý kiến cấp có thẩm quyền khi dự thảo luật có thay đổi.

bac tu liem 3.jpg
Ảnh minh hoạ: Hoàng Hà

Một vấn đề lớn khác là các loại đất thực hiện dự án nhà ở thương mại. Chính phủ đề xuất theo hướng bãi bỏ yêu cầu về loại đất mà nhà đầu tư đang có hoặc nhận chuyển nhượng để thực hiện dự án nhà ở thương mại (nhà đầu tư chỉ có đất nông nghiệp, đất sản xuất kinh doanh... thì cũng được chuyển mục đích làm nhà ở thương mại nếu phù hợp quy hoạch) nhưng Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề xuất bảo toàn quy định hiện hành: Nhà đầu tư phải có một phần đất ở.

Ngoài ra, Nghị quyết 18 vừa cho phép “thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại”; vừa yêu cầu “thực hiện việc giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất” nên cần xin ý kiến cấp có thẩm quyền để thống nhất phương án cuối cùng.

Sự thận trọng cần thiết

Trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ: “Cho đến nay, nhiều chính sách quan trọng chưa thiết kế được phương án tối ưu; trong quá trình rà soát tiếp tục phát sinh các vấn đề chính sách mới có ý kiến khác nhau do phạm vi của dự án Luật Đất đai rất rộng, liên quan mật thiết, chặt chẽ với nhiều luật khác... Chưa có điều kiện rà soát kỹ lưỡng các trường hợp cần có quy định chuyển tiếp cũng như nội dung khác của các luật có liên quan...”.

Điều hành thảo luận về dự thảo luật tại nghị trường, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng nêu rõ quan điểm: “Chất lượng của dự án luật là vấn đề phải được đặt lên hàng đầu, đòi hỏi phải nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng trên cơ sở khoa học và thực tiễn. Một sơ suất, một điều khoản của luật sau khi ban hành nếu có bất cập sẽ gây nhiều tác động và hệ lụy đối với kinh tế - xã hội, đời sống của nhân dân, thậm chí kìm hãm sự phát triển...”.

Trên tinh thần ấy, có thể nhìn nhận rằng việc hoãn thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ kéo dài các vướng mắc trong thực thi chính sách đất đai, các dự án đầu tư thêm một thời gian ngắn nhưng là sự thận trọng cần thiết để tránh một nguy cơ lớn hơn, khi luật vừa ban hành đã lập tức phát sinh bất cập, đòi hỏi phải tiếp tục sửa.

ThS Nguyễn Văn Đỉnh

Chất vấn ở Quốc hội: Đi đến cùng để gỡ đến cùngĐể góp phần chấn chỉnh tình trạng cán bộ sợ sai, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm - đang là vấn đề nóng bỏng hiện nay, các ĐBQH và các thành viên Chính phủ đều thể hiện trách nhiệm khi "truy" đến cùng và cũng "gỡ" đến cùng từng nội dung.