- Trong số ba quốc gia bị chia cắt bởi sự thỏa thuận của các cường quốc sau chiến tranh thế giới lần thứ hai và bắt đầu Chiến tranh Lạnh giữa hai phe ý thức hệ đối lập, hai quốc gia là Việt Nam và Đức đã đi đến thống nhất và nay là Triều Tiên, bắt đầu có những hi vọng sáng hơn cho một giải pháp chính trị.

Gió đổi chiều

Sau các thay đổi mang tính chiến thuật nhằm gây nhiễu truyền thông cũng như gây nhiễu đối với đối phương, ngày 12/6/2018 vẫn sẽ là ngày lãnh đạo Triều Tiên và Mĩ gặp nhau và bắt đầu quá trình đàm phán.

Hôm 5/6, thư kí báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders thông báo trên Twitter về địa điểm cuộc gặp giữa Kim Jong Un và Donald Trump. Hai bên quyết định sẽ gặp tại Capella Hotel, Singapore lúc 9h sáng ngày 12/6 tới. 

{keywords}
Hôm 5/6, thư kí báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders thông báo trên Twitter về địa điểm cuộc gặp giữa Kim Jong Un và Donald Trump. Hai bên quyết định sẽ gặp tại Capella Hotel, Singapore lúc 9h sáng ngày 12/6 tới. Ảnh: Sky News.

Về kết quả, các bên đều đưa ra mong muốn chấm dứt tình trạng căng thẳng, đảm bảo an ninh, không gian phát triển cho Triều Tiên, và loại trừ vũ khí hạt nhân – vũ khí hủy diệt hàng loạt vốn chỉ được dùng duy nhất một lần tại Hiroshima và Nagasaki vào những ngày cuối của chiến tranh thế giới lần thứ 2.

Đây là lần đàm phán trực tiếp đầu tiên ở cấp độ cao nhất giữa Triều Tiên và Mĩ sau khi đình chiến năm 1953. Vì tính chất phức tạp của vấn đề, ngày 31/5, ông Trump chia sẻ nhận định với phóng viên Reuters trên chuyên cơ Air Force One rằng việc đàm phán ở cấp cao nhất với Triều Tiên còn kéo dài với nhiều lần gặp nữa. Chắc chắn rằng, ông Trump hay ít nhất các cố vấn của ông đều biết rằng trước đây Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mĩ cũng mất 4 năm để đi đến thỏa thuận. Mà khi ấy Mĩ đang ở thế sa lầy. Tại Triều Tiên hiện nay, Mĩ không phải là bên sa lầy!

Như vậy là trong số ba quốc gia bị chia cắt bởi sự thỏa thuận của các cường quốc sau chiến tranh thế giới lần thứ hai và bắt đầu Chiến tranh Lạnh giữa hai phe ý thức hệ đối lập, hai quốc gia là Việt Nam và Đức đã đi đến thống nhất và nay là Triều Tiên, bắt đầu có những hi vọng sáng hơn cho một giải pháp chính trị.

Điểm đáng chú ý ở đây là sự tham gia của các bên. Nếu như trước đây có đàm phán đa phương sáu bên gồm Mĩ, Hàn Quốc, Triều Tiên, Trung Quốc, Nga và Nhật vốn không đi đến kết quả nào khả quan thì hiện nay Triều Tiên và Hàn Quốc đang tiến hành một cách khác: đàm phán trực tiếp và chỉ với Mĩ. Một so sánh thú vị: Nếu năm 1954, tại Hội nghị Geneve, tiếng nói của Triều Tiên hay Việt Nam không có nhiều trọng lượng khiến việc chia cắt đất nước bị quyết định bởi các cường quốc. Sau này, trong giai đoạn 1968-1973, Việt Nam trực tiếp đàm phán với Mĩ và đạt được mục tiêu. Nhiều khả năng khi Triều Tiên đàm phán trực tiếp với Mĩ sẽ đem lại một kết quả khác so với trước đây.

Đàm phán Kim Jong un – Donald Trump, sự thay đổi trong cách tiếp cận giải quyết xung đột hay là trạng thái cân bằng mới nhờ vào sự công nhận tiềm lực?

Sau một thời gian căng thẳng với các vụ thử tên lửa và bom hạt nhân của Triều Tiên cũng như các phản ứng gay gắt và xiết chặt cấm vận từ Mĩ và cộng đồng quốc tế, lãnh đạo tối cao Triều Tiên Kim Jong Un, trong thông điệp đầu năm 2018 đã tuyên bố các điểm chính sau:

Triều Tiên đã trở thành một quốc gia với khả năng răn đe hạt nhân và không thế lực nào có thể đảo ngược tiến trình này. Mĩ và các quốc gia cần phải công nhận thực tế này để không thể tiến hành các cuộc phiêu lưu quân sự nhằm vào Triều Tiên.

Hòa bình và thống nhất bán đảo Triều Tiên đạt được nếu 2 miền (Triều Tiên và Hàn Quốc) cùng có ý chí đó và có các nỗ lực để hiện thực hóa nó mà không cần can thiệp từ bên ngoài, vốn có lợi ích riêng.

Triều Tiên sẽ cải thiện quan hệ với Hàn Quốc thông qua việc tham gia Thế vận hội mùa đông.

Như vậy ông Kim một mặt khẳng định Triều Tiên đã làm chủ được công nghệ chế tạo vũ khí hạt nhân và hệ thống phóng. Mặt khác, họ cũng khẳng định khả năng đàm phán để có hòa bình và thống nhất bán đảo của mình. Trong tiến trình hòa bình và thống nhất bán đảo Triều Tiên, ông Kim nhấn mạnh, chỉ có thể thành công nếu hai miền cùng thể hiện ý muốn đó và không có sự tham gia của nước nào bên ngoài.

Có 2 câu hỏi đặt ra với cả Triều Tiên và Mĩ:

Đối với Triều Tiên, việc đột ngột đưa ra các thông điệp hòa bình, hòa giải sau chuỗi thử nghiệm tên lửa tầm xa và bom hạt nhân có phải là một bước ngoặt trong tính toán chiến lược hướng về củng cố an ninh quốc gia hay chỉ là một bước đi chiến thuật nhằm giải tỏa áp lực?

Đối với Mĩ, việc tổng thống đương nhiệm chấp nhận đàm phán trực tiếp, không có trung gian và ở cấp lãnh đạo cao nhất của Triều Tiên thì đây là một thay đổi trong cách tiếp cận giải quyết vấn đề xung đột với Triều Tiên, phù hợp với phong cách ưu tiên tiếp xúc song phương của ông Trump và tất cả đều có thể đàm phán, hay chỉ là một sai lầm về quan hệ quốc tế của vị tổng thống thiếu kinh nghiệm?

Để trả lời hai câu hỏi này thì cần phải quay trở lại quá khứ.

Vấn đề hạt nhân tại khu vực Đông Bắc Á xuất hiện ngay từ cuối chiến tranh thế giới lần thứ 2 và thời kì đầu của Chiến tranh Lạnh và tới từ cả hai phía.

Năm 1945, Mĩ thả 2 quả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki. Năm 1956, các nhà khoa học hạt nhân đầu tiên của Triều Tiên được Liên Xô đào tạo. Năm 1958, Mĩ triển khai tên lửa đất đối đất và pháo mang đạn hạt nhân, đều ở tầm ngắn khoảng 30km với đỉnh điểm năm 1967 với khoảng 950 đầu đạn hạt nhân. Năm 1959, Triều Tiên và Liên Xô kí hiệp định hợp tác hạt nhân.

Sau giai đoạn nghiên cứu ban đầu, Triều Tiên bắt đầu có những bước tiến trong sản xuất nhiên liệu cho các lò phản ứng hạt nhân. Năm 1985, Triều Tiên kí hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân. Năm 1991, khi Liên Xô không còn ảnh hưởng, Mĩ tuyên bố rút vũ khí hạt nhân khỏi Hàn Quốc.

Năm 1994, Mĩ và Triều Tiên kí thỏa thuận khung về việc Triều Tiên dừng việc làm giàu plutonium, dở bỏ lò hạt nhân đưa ra nước ngoài để đổi lấy nhiên liệu, hai lò hạt nhân nước nhẹ dân sự và hàng hóa cho phát triển kinh tế. Tuy nhiên, cơ quan nguyên tử quốc tế IAEA cho rằng Triều Tiên không nghiêm túc thực hiện thỏa thuận này.

Tới 2002, Triều Tiên đưa yêu cầu với Mĩ rằng cần phải có một hiệp ước không xâm phạm lẫn nhau và hỗ trợ kinh tế để đổi lấy việc dừng chương trình hạt nhân. Cùng năm, Triều Tiên dỡ bỏ các niêm phong thiết bị và tái khởi động các lò hạt nhân ở nhà máy Yongbyon.

Năm 2003, sau một loạt các căng thẳng, đàm phán sáu bên (Mĩ, Nga, Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc và Triều Tiên) bắt đầu triển khai nhưng không đem lại kết quả cụ thể. Triều Tiên đề xuất “đóng băng” chương trình hạt nhân để đổi lấy cam kết từ Mĩ. Tổng thống Mĩ khi đó bác bỏ đề xuất này và yêu cầu Bình Nhưỡng dừng hẳn chương trình hạt nhân. Từ đó, Triều Tiên, Mĩ và các nước xung quanh vẫn tiếp tục vừa đàm phán, vừa gây sức ép thông qua cô lập ngoại giao và cấm vận kinh tế.

Triều Tiên vẫn tiếp tục chương trình vũ khí hạt nhân và phát triển các hệ thống phóng tầm xa – bộ phận không thể thiếu cho sức mạnh răn đe hạt nhân. Các hệ thống phóng này được công bố là các tên lửa phóng vệ tinh dân sự nhưng Nhật Bản, Mĩ và các nước khác tin rằng đây là chương trình tên lửa đạn đạo. Quá trình này kéo dài suốt thời gian Kim Jong Il nắm quyền.

Từ 2011, khi Kim Jong Un cầm quyền thì việc thử nghiệm phóng tên lửa tầm xa và các vụ nổ hạt nhân được tiến hành với tần suất lớn hơn hẳn. Từ 2011, Kim Jong Un đã cho phóng thử hơn 85 tên lửa, nhiều hơn tổng tất cả số lần Triều Tiên phóng tên lửa trong 27 năm trước đó. Triều Tiên cũng công khai chương trình tên lửa đạn đạo mà không cần tuyên bố đó là các tên lửa đẩy không gian như trước kia.

Tại đại hội Đảng Lao động Triều Tiên, 6-9/5/2016, đại hội lần đầu tiên được tổ chức lại từ 1980, Kim Jong Un được khẳng định vị trí lãnh đạo tối cao. Răn đe hạt nhân được chính thức đưa vào điều lệ Đảng và Hiến pháp. Vai trò của Đảng Lao động được đưa trở lại cao hơn, giảm vai trò của tướng lĩnh quân đội. Bình Nhưỡng khẳng định sẽ không có thỏa thuận nào với Mĩ chừng nào Mĩ và đồng minh chưa thừa nhận Triều Tiên là một “quốc gia hạt nhân”.

Rõ ràng là chiến lược “Songun” (quân đội trước tiên) với lực lượng răn đe hạt nhân (bom hạt nhân và tên lửa đạn đạo) là chiến lược xuyên suốt của Triều Tiên. Các thỏa thuận trước đây như là một biện pháp chiến thuật, giảm căng thẳng và giữ cho chương trình này phát triển. Sau hơn 60 năm phát triển, Triều Tiên đã có sức mạnh răn đe hạt nhân và thực tế này đã được các nước khác thừa nhận.

Đề nghị đàm phán hòa bình của ông Kim Jong Un bao gồm phi hạt nhân hóa toàn bộ bán đảo Triều Tiên kèm theo thỏa thuận hòa bình với Mĩ vẫn là các yêu cầu của Triều Tiên như trước đây. Điều khác là trong những năm 90 đến năm 2000, chương trình vũ khí răn đe của Triều Tiên chưa hoàn tất.

Thiện chí của Triều Tiên

Một câu hỏi nữa đặt ra là tại sao Triều Tiên lại tỏ ra thiện chí khi phá hủy khu thử nghiệm Punggye-ri trước khi phía Mĩ có những động thái rõ ràng hơn trong việc chuẩn bị cuộc gặp ngày 12/6. 

Bình Nhưỡng cần một thỏa thuận nhiều hơn hay phía Mĩ cần một dàn xếp về vấn đề an ninh khu vực? Một số giải thích cho rằng sau các vụ nổ, đặc biệt là vụ nổ tháng 9/2017, ngọn núi này không thể chịu thêm các thử nghiệm hạt nhân. Ngoài ra một số cách giải thích khác là sau sáu lần thử nghiệm, Triều Tiên đã có đủ các dữ liệu thực tế để có thể chuyển sang sử dụng phương pháp mô phỏng các hoạt động nổ bom hạt nhân. Ví dụ hiện nay, Pháp vẫn là quốc gia hạt nhân và là quốc gia duy nhất chỉ sử dụng phương pháp mô phỏng cho việc duy trì và phát triển các thế hệ đầu đạn mới mà không cần bãi nổ thử nghiệm.

Trước đây, vào 1995-96, Pháp cũng cho nổ thử 6 vụ nổ hạt nhân tại Nam Thái Bình Dương trước khi dừng vĩnh viễn các vụ thử dạng này. Khi đó, mỗi vụ nổ đều được tính toán và thu thập dữ liệu đủ để sử dụng cho các mô phỏng nổ đầu đạn hạt nhân trong tương lai. Tới 1998, khu nổ thử nghiệm hạt nhân ở Nam Thái Bình Dương được dỡ bỏ hoàn toàn và minh bạch. Vì thế, có lí do để cho rằng việc Triều Tiên phá hủy khu thử nghiệm không có nghĩa là Triều Tiên hủy chương trình răn đe chiến lược.

Về phía Mĩ, trước đây các đàm phán trực tiếp giữa Mĩ và Triều Tiên không phải là chưa có tiền lệ. Việc ông Trump ngay từ rất sớm đưa ra ý tưởng có thể gặp ông Kim cho thấy đây là cách tiếp cận mới, bỏ qua các thủ tục ngoại giao thông thường.

Tháng 5/2017, trong khi các căng thẳng khu vực tăng lên do các vụ bắn thử tên lửa của Triều Tiên, tổng thống Trump khi đó đã nói rằng “sẽ là hợp lí khi tôi gặp anh ta. Tôi rất lấy làm hân hạnh làm như vậy”.

Cần phải thừa nhận một thực tế là cả hai phía – Triều Tiên và Mĩ, dĩ nhiên với sự ủng hộ của Hàn Quốc, đều tỏ ra sẵn sàng cho một cuộc đàm phán. Đây là điều kiện cần để cho cuộc gặp gỡ có thể diễn ra.

Về phía Triều Tiên, khi họ đã bước đầu xây dựng được hệ thống vũ khí răn đe (bom hạt nhân và tên lửa đạn đạo có thể mang vũ khí hạt nhân) thì đây là điểm tựa để họ đến bàn đàm phán. Điểm tựa này mạnh hơn nhiều so với điểm tựa trước đây là sự ủng hộ của Trung Quốc và Nga. Sự ủng hộ của Trung Quốc và Nga không dễ điều khiển, còn hệ thống vũ khí răn đe, nếu thực sự hoạt động được, sẽ là một sự chủ động tuyệt đối của Triều Tiên.

Về phía Mĩ, không bị sa lầy ở Triều Tiên. Hệ thống răn đe hiện tại của Triều Tiên chưa đủ sức đe dọa Mĩ. Mĩ vẫn có các đồng minh đủ sức mạnh là Nhật Bản, Hàn Quốc và xa hơn là Đài Loan. Vậy điều gì khiến Mĩ muốn đàm phán với Triều Tiên? Liệu đây có phải là kết quả của đánh giá cá nhân của ông Trump đối với ông Kim Jong Un hay nhờ hi vọng về một Triều Tiên thân thiện, mở cửa và hợp tác kinh tế sẽ giúp làm thay đổi cán cân chiến lược Đông Bắc Á?

Dường như việc chuẩn bị cho đàm phán thượng đỉnh Kim – Trump đã được chuẩn bị khá cẩn trọng từ cả hai phía. Tuy nhiên, có một điểm không bình thường : vai trò của Nhật Bản ! Kim Jong Un đã hai lần gặp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, hai lần gặp tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-In. Bộ trưởng ngoại giao Mĩ và Nga đều đã tới Bình Nhưỡng gặp Kim Jong Un. Đặc phái viên của Kim Jong Un là Kim Yong Chol, cựu phụ trách tình báo quân sự Triều Tiên cũng đã tới Mĩ bàn việc chuẩn bị cuộc gặp Kim – Trump.

Trong tháng 5, thủ tướng Trung Quốc, tổng thống Hàn Quốc và thủ tướng Nhật đã cam kết tại Tokyo về các hành động cụ thể cho giải quyết vấn đề Triều Tiên. Nhưng chưa hề có cuộc tiếp xúc cấp cao nào giữa Triều Tiên và Nhật Bản. Thủ tướng Abe, trước cuộc gặp với Trump chỉ năm ngày trước cuộc gặp gỡ Kim – Trump, đã cố gắng lưu ý Trump về vai trò và các lo lắng của Nhật đối với việc giải quyết vấn đề Triều Tiên. Truyền thông cũng đưa tin về mong muốn của Abe cho một cuộc gặp thượng đỉnh Abe – Kim.    

Răn đe chiến lược và cân bằng an ninh khu vực Đông Bắc Á

Khu vực Đông Bắc Á là nơi tập trung cao độ của các lực lượng răn đe chiến lược và cũng là nơi di sản của đối đầu trong và sau chiến tranh thế giới lần thứ 2 vẫn còn rõ rệt.

Tất cả các quốc gia có mặt ở khu vực này, Mĩ, Nga, Nhật Bản, Trung Quốc, Triều Tiên và Hàn Quốc đều có năng lực quốc phòng ở mức độ rất cao và hiện nay, tất cả các bên đều có năng lực về vũ khí hạt nhân. Nga, Trung Quốc và Triều Tiên có năng lực hạt nhân riêng. Nhật Bản và Hàn Quốc cùng với Mĩ chia sẻ “ô hạt nhân” dưới hình thức liên minh. Về mặt kĩ thuật, Nga và Nhật Bản chưa kí hiệp định hòa bình nào sau chiến tranh thế giới lần thứ 2. Vì vậy, việc Triều Tiên, vốn là nước có xung đột với Hàn Quốc, Mĩ và Nhật Bản và cũng được cho là đang tìm kiếm một vị thế độc lập hơn với Trung Quốc và Nga, sở hữu vũ khí răn đe chiến lược cho thấy sự cân bằng hơn của khu vực trong thế đối đầu. Sự chuyển dịch cân bằng này sẽ ảnh hưởng đến tính toán chiến lược của tất cả các bên liên quan.  

Trong chiến lược an ninh quốc gia và chiến lược quốc phòng mới của Mĩ dưới thời tổng thống Trump, vấn đề răn đe hạt nhân được đặt ra với mức độ cao hơn do những lo ngại về các phát triển của Nga và Trung Quốc, thậm chí Triều Tiên trong lĩnh vực này. Trong bối cảnh như vậy, việc hủy bỏ chương trình vũ khí răn đe trên bán đảo Triều Tiên kèm với mở cửa kinh tế, nếu được thực hiện, sẽ là một lợi thế không nhỏ đối với liên minh Mĩ, Hàn Quốc và Nhật Bản. Ngay cả khi Triều Tiên không hủy chương trình vũ khí răn đe nhưng mở cửa, hợp tác kinh tế và bỏ thế đối đầu thì lợi thế vẫn thuộc về phía Mĩ, Hàn Quốc và Nhật Bản. Nếu trong trường hợp này, Triều Tiên cũng sẽ là bên có lợi nếu liên minh Mĩ – Nhật – Hàn Quốc đảm bảo an ninh và không can thiệp vào nội bộ Triều Tiên.

Ngược lại, đối với Nga và Trung Quốc, việc Triều Tiên mở cửa hợp tác kinh tế và hợp tác với Mĩ sẽ khiến các nước này mất đi một "vùng đệm an ninh". Vì vậy chắc chắn các nước này sẽ đón nhận kết quả của thượng đỉnh Kim – Trump với một thái độ rất khác so với Nhật Bản và Hàn Quốc.

Nga và Trung Quốc có điểm chung là đều là quốc gia lục địa, đều bị “khóa” ở các mặt giáp biển. Đối với Nga, việc tiếp cận các vùng biển nóng có ý nghĩa chiến lược. Đối với Trung Quốc, một cường quốc đang lên với tham vọng toàn cầu, việc bị chặn ở phía Đông và phía Bắc sẽ khiến Trung Quốc phải tập trung bảo vệ hướng tiếp cận đại dương từ phía Nam, nghĩa là khu vực Biển Đông sẽ trở thành hướng sống còn đối với vị thế mà Trung Quốc muốn đạt tới!

Tương lai nào cho bán đảo Triều Tiên?

Rất khó có thể dự đoán được tương lai cho bán đảo Triều Tiên trong thế cân bằng an ninh dựa trên tương quan sức mạnh mà không dựa trên sự tin cậy, hợp tác và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.

Mô hình nhà nước và ý thức hệ tại Triều Tiên hiện tại và Hàn Quốc quá khác biệt cũng khiến cho việc hòa giải và thống nhất cần nhiều thời gian mới có thể thực hiện. Các tranh chấp, xung đột hay cạnh tranh đan xen như giữa Triều Tiên với Hàn Quốc, Nhật Bản, Mĩ; giữa Trung Quốc và Mĩ, Nhật Bản; giữa Nga và Mĩ, Nhật ; hay thậm chí giữa Nhật Bản và Hàn Quốc, Triều Tiên khiến cho việc triển khai các giải pháp cho bán đảo Triều Tiên sẽ cần nhiều thời gian hơn. Tuy nhiên, chắc chắn rằng vấn đề Triều Tiên sẽ được giải quyết, nếu lãnh đạo hai miền Nam – Bắc thống nhất được chương trình, lộ trình và xây dựng được lòng tin. Kịch bản khả quan nhất là một Triều Tiên cải cách, mở cửa hợp tác về kinh tế, giảm đối đầu về quân sự trong sự đảm bảo không can thiệp từ bên ngoài vào chế độ chính trị.

Trong trường hợp cuộc gặp Kim – Trump không đạt được bước tiến nào thì chắc chắn khu vực Đông Bắc Á lại tiếp tục chìm trong căng thẳng và rủi ro của đối đầu quân sự cho đến khi các bên đạt đến một mức độ cân bằng mới!

Trần Bình, từ Paris

Thử bom nhiệt hạch: "Triều Tiên thà ăn cỏ chứ không từ bỏ hạt nhân"

Thử bom nhiệt hạch: "Triều Tiên thà ăn cỏ chứ không từ bỏ hạt nhân"

Tổng thống Nga Putin nhận định, nếu không thấy an toàn, Triều Tiên sẽ thà ăn cỏ chứ không từ bỏ hạt nhân.

Triều Tiên và những lời nhắn nhủ “lạnh gáy”

Triều Tiên và những lời nhắn nhủ “lạnh gáy”

Với các vụ thử tên lửa đạn đạo trong hai tháng qua, Triều Tiên muốn gửi đi những thông điệp “máu lạnh” đối với Mỹ và các đồng minh của Washington.

Mỹ - Triều Tiên: ‘Cơn thịnh nộ’ hay thỏa thuận ‘đóng băng’?

Mỹ - Triều Tiên: ‘Cơn thịnh nộ’ hay thỏa thuận ‘đóng băng’?

Tổng thống Trump cảnh báo sẽ cho Triều Tiên hứng chịu "cơn thịnh nộ", nhà lãnh đạo Kim Jong Un thì đe dọa tấn công đảo Guam.

Căng thẳng Triều Tiên vẫn rất khó đoán định

Căng thẳng Triều Tiên vẫn rất khó đoán định

Chuyến công du châu Á của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đang diễn ra có thể là thời điểm thích hợp để Mỹ áp dụng một chính sách thực dụng nào đó.

Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên: Ván cờ vẫn chưa kết thúc

Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên: Ván cờ vẫn chưa kết thúc

Mặc dù không có mặt lãnh đạo TQ như mọi năm, không có thử hạt nhân nhưng Triều Tiên đã khiến các nước khác phải dõi nhìn khi họ phô diễn binh lực và vũ khí lớn ngày hôm qua (15/4)

Khó xảy ra cuộc chiến Mỹ - Triều Tiên

Khó xảy ra cuộc chiến Mỹ - Triều Tiên

Hầu như không có một cuộc chiến tranh nào diễn ra một cách ngẫu nhiên hay tình cờ (accidental war).

Có thật Triều Tiên dám gây ra chiến tranh?

Có thật Triều Tiên dám gây ra chiến tranh?

Ngày càng cho thấy đây chỉ là cuộc khẩu chiến mà thôi, một cách làm được Kim Jong Un thường sử dụng.