Dấu hiệu mờ nhạt 

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hữu Trung - Trưởng khoa Phụ sản, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (cơ sở 2), cho biết ung thư buồng trứng là một trong 3 bệnh ung thư phụ khoa phổ biến ở Việt Nam. Ung thư buồng trứng có số ca mắc mới sau ung thư vú, ung thư cổ tử cung. Tuy nhiên, đây lại là căn bệnh ung thư có độ ác tính cao nhất. 

Dấu hiệu của ung thư buồng trứng, phụ nữ cảm thấy đau tức ở bụng dưới, đi tiểu thường xuyên, rối loạn đại tiện, cảm giác ăn nhanh no, chảy máu ngoài kỳ kinh, thay đổi chu kỳ kinh nguyệt, đau khi quan hệ tình dục. Trong thực tế, phụ nữ thường coi nhẹ hoặc hiểu nhầm những dấu hiệu của ung thư buồng trứng là triệu chứng của các căn bệnh nhẹ khác.

Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản cần sàng lọc ung thư buồng trứng. 

Tỷ lệ phụ nữ có u buồng trứng không phải hiếm nhưng chỉ một số trường hợp u đó là ác tính. Để chẩn đoán chính xác u buồng trứng lành tính hay ác tính, bác sĩ Trung cho rằng cần phẫu thuật làm sinh thiết giải phẫu tế bào học.

Theo ông, nếu phụ nữ khám sức khỏe thường xuyên có thể tìm được khối u trong buồng trứng. Qua siêu âm bác sĩ có thể xác định u lành tính, u lạc nội mạc tử cung, u do tế bào ung thư. Các dấu hiệu hướng tới ác tính trên siêu âm như u có nhiều thùy, ổ sùi trong u, mạch máu tăng sinh nhiều, dịch trong bụng… 

3 nhóm người có nguy cơ cao

Bác sĩ Trung cho biết để điều trị ung thư buồng trứng hiệu quả quan trọng nhất vẫn là việc sàng lọc để xác định bệnh sớm. Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản mỗi năm cần đi khám tổng quát một lần. Trong đó, ba nhóm phụ nữ có nguy cơ cao hơn cần khám 6 tháng/lần là:

Thứ nhất, phụ nữ có chị em, mẹ bị ung thư buồng trứng, ung thư vú mang gen BRCA1, BRCA2. Một tỷ lệ nhỏ ung thư buồng trứng là do đột biến gene mà bạn thừa hưởng từ cha mẹ mình. Xét nghiệm gene và giải trình tự gene giúp tiên lượng bệnh, lựa chọn thuốc điều trị và đánh giá khả năng mắc bệnh ung thư buồng trứng di truyền.

Thứ hai, phụ nữ có chu kỳ kinh nguyệt không đều kể cả phụ nữ chưa sinh con. Hiện nhiều phụ nữ không lập gia đình, không quan hệ tình dục nên họ nghĩ rằng nguy cơ ung thư thấp nhưng đây là quan niệm sai lầm. Phụ nữ độc thân càng phải sàng lọc ung thư nhiều.

Thứ ba, phụ nữ béo phì đặc biệt ở những người chưa bao giờ sử dụng liệu pháp thay thế hormone (HRT) trong thời kỳ mãn kinh. Ở những đối tượng này, nguy cơ mắc ung thư buồng trứng cao hơn 83% so với những người có trọng lượng trung bình.

Nhiều bệnh nhân ung thư buồng trứng là trẻ em gái ở tuổi sau dậy thì. Vì vậy, bác sĩ Trung cho rằng nếu trẻ có bụng to bất thường cha mẹ cũng không nên chủ quan cho rằng trẻ béo bụng. Cần cho trẻ đi khám sàng lọc ung thư buồng trứng.

Bác sĩ Trung khuyến cáo để phòng bệnh không có cách ngăn chặn hoàn toàn nguy cơ ung thư buồng trứng. Nhưng bạn có thể phòng ngừa bằng các cách sau:

- Có chế độ ăn uống lành mạnh. Một số nghiên cứu cho thấy chế độ ăn giàu vitamin A và chất xơ giúp giảm nguy cơ ung thư buồng trứng.

- Tập thể dục thường xuyên.

- Không nên mang thai và sinh con trễ.

- Kéo dài thời gian cho con bú sữa mẹ.