Công bằng mà nói, nếu như lớp hậu duệ thật sự đủ tầm để đảm đương trọng trách và phát huy tốt truyền thống của cha anh trong sự nghiệp “chèo lái” đất nước, dần dần xã hội cũng sẽ không khắt khe chuyện “con ông cháu cha” và ngành nội vụ cũng chẳng cần lảng tránh nữa.

Những ngày qua, liên tiếp trên mặt báo xuất hiện những gương mặt cán bộ được coi là trẻ tuổi, đồng thời là con của các vị lãnh đạo hay nguyên lãnh đạo. Trước sự quan tâm của dư luận, người có trách nhiệm của ngành nội vụ đã lên tiếng rằng, nên tin tưởng vào tuổi trẻ và đừng quan tâm tới xuất thân của họ.

Nhưng cách phát ngôn như vậy về mặt truyền thông thật ra rất khó thuyết phục vì không có một lý lẽ nào khả dĩ có thể khiến người nghe tâm phục, khẩu phục. Chưa cần nói tới quyền làm chủ, cho phép người dân có quyền chất vấn, dường như cơ quan công quyền chưa quen với việc ứng xử trong một xã hội thông tin, nơi sự quan tâm của dư luận là điều không thể nào tránh khỏi.

Với tinh thần ôn cố tri tân, xin nhắc lại một câu chuyện cũ để xem người xưa đã xử lý tình huống tương tự như thế nào.

Kỳ Hề là quan đại phu nước Tấn thời Xuân Thu. Một lần, Tấn Bình Công hỏi ông: “Huyện Nam Dương khuyết chức huyện lệnh, ai có thể đảm đương được chức ấy?”

Kỳ Hề thưa: “Giải Hồ có thể đảm đương được!”

Tấn Bình Công lại hỏi: “Giải Hồ chẳng phải là kẻ thù địch của nhà ngươi sao?”

Kỳ Hề thưa: “Chúa công chỉ hỏi ai có thể đảm đương được chân huyện lệnh Nam Dương, chứ có hỏi đến kẻ thù của hạ thần đâu!”

Tấn Bình Công liền dùng Giải Hồ làm huyện lệnh Nam Dương.

Ít lâu sau, Tấn Bình Công lại hỏi Kỳ Hề: “Quốc gia đang khuyết chức Đô úy, ai có thể đảm đương chức ấy?”

Kỳ Hề thưa: “Kỳ Ngọ có thể đảm đương chức ấy!”

Tấn Bình Công lại hỏi: “Ngọ chẳng phải là con của ngươi đó sao?”

Kỳ Hề thưa: “Chúa công chỉ hỏi ai đảm đương được chức Đô úy, chứ có hỏi đến con của hạ thần đâu!”

Tấn Bình Công liền giao cho Kỳ Ngọ chức Đô úy.

Về sau quả nhiên, cả hai người đều làm tốt nhiệm vụ của mình. Khổng Tử biết chuyện đã khen Kỳ Hề: “Tiến cử nhân tài chẳng hề vì người ấy là kẻ thù mà dìm đi, cũng chẳng vì người ấy là người thân mà tránh tiếng.”

Câu chuyện này gợi lên cho chúng ta suy nghĩ gì? Rõ ràng việc lớp “hậu duệ” tiếp nối cha anh mình trong giới chính trị là điều đã có từ lâu. Chuyện đó không chỉ xảy ra ở Trung Quốc thời xưa. Ngày nay, tại một đất nước được xem là mẫu hình cho nền dân chủ như Mỹ, thậm chí còn có cả những tổng thống là cha - con kia mà!

{keywords}
Ảnh minh họa. ĐH Đại biểu Đảng bộ TP.HCM

Người viết tin rằng “lãnh đạo” cũng là một nghề, và nếu nhìn ở một khía cạnh nghề nghiệp, yếu tố di truyền và truyền thống gia đình có những ý nghĩa, may mắn nhất định. Dù không phải tất cả, song con cái của các thương nhân thường có sự nhạy bén về kinh doanh; và con cái của giới lãnh đạo cũng dễ có sự nhạy bén về chính trị? Phải chăng vì thế người xưa đã có câu: “Làm quan phải có mả, kẻ cả phải có dòng”?

Công bằng mà nói, nếu như lớp hậu duệ thật sự đủ tầm để đảm đương trọng trách và phát huy tốt truyền thống của cha anh trong sự nghiệp “chèo lái” đất nước, dần dần xã hội cũng sẽ không khắt khe chuyện “con ông cháu cha” và ngành nội vụ cũng chẳng cần lảng tránh nữa.

Nhưng cũng nên nhớ rằng, xưa kia Kỳ Hề không ngại tiến cử con mình làm Đô úy là vì ông nhất quán trong tôn chỉ: Xét việc chứ không xét người. Phải vô tư đến độ dám tiến cử người đối địch thì mới có thể tiến cử con mình mà không phải hổ thẹn. Soi vào chuyện ngày nay, xem ra còn rất nhiều điều phải bàn.

Nếu tất cả người tài đều có cơ hội được thi thố, được tuyển chọn công khai, công bằng bất kể thân sơ mà kết quả vẫn là “cả họ làm quan” thì người dân sẽ tâm phục khẩu phục. Còn nếu ngược lại, thật khó tránh lời đàm tiếu và cũng chẳng ai tin đó là sự trùng hợp ngẫu nhiên.

Dù thế nào đi chăng nữa, điều người dân mong mỏi không phải là “soi” bằng được cán bộ nào là con ai, cháu ai mà là sự khách quan trong việc “tiến cử”. Nói cách khác người dân cần sự chí công vô tư của Kỳ Hề ngày xưa chứ không cần câu cửa miệng “đúng quy trình” chung chung ngày nay.

Người dân bao giờ cũng rất tinh tường. Sau khi được bổ nhiệm “đúng quy trình”, việc các cán bộ hậu duệ kia làm được gì sẽ là thước đo tốt nhất để xem người “tiến cử” họ có thật sự là những Kỳ Hề!

  • Khương Duy