Để thúc đẩy phát triển giao thông xanh, bền vững, hướng tới đạt phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 vào năm 2025 tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon, khí mê tan của ngành giao thông vận tải. Một nhiệm vụ trọng tâm được Thủ tướng Chính phủ giao UBND các tỉnh, thành phố tổ chức thực hiện là phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng sử dụng điện tại địa phương.
Nhằm thúc đẩy việc thiết kế và áp dụng mô hình chia sẻ xe điện tại Việt Nam, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), dự án SolutionPlus (hợp phần Việt Nam) và tỉnh Thừa Thiên Huế vừa tổ chức Hội thảo quốc gia về chia sẻ kinh nghiệm mô hình quản lý xe đạp, xe máy điện, với sự tham gia của gần 100 đại biểu đến từ các bộ ngành, tỉnh, thành phố, các viện nghiên cứu, doanh nghiệp tham gia trực tiếp và trực tuyến. Hội thảo đã tập trung chia sẻ các kinh nghiệm và thành công, cũng như những thách thức của các mô hình chia sẻ xe đạp thông thường và xe đạp điện, xe máy điện từ nhiều hành phố trên thế giới và ở Việt Nam. Đồng thời, chương trình cũng trao đổi những vấn đề liên quan đến các chính sách, hoạt động phát triển giao thông xanh, kinh tế tuần hoàn và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Phát biểu tại Hội thảo, đại diện Bộ Giao thông Vận tải, ông Trần Ánh Dương – Phó vụ trưởng – Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường – Bộ GTVT đã nhấn mạnh về tầm quan trọng của chuyển đổi năng lượng xanh trong ngành giao thông vận tải, nhằm đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0. Đây là một xu hướng quốc tế và các địa phương cần thể hiện sự đóng góp của Việt Nam trong việc thúc đẩy sự phát triển giao thông xanh.
Tại hội thảo, ông Lê Văn Đạt, chuyên gia thể chế giao thông của UNDP, đã trình bày về tổng quan về Hệ thống xe đạp chia sẻ tại Việt Nam, bao gồm các thể chế và chính sách liên quan. Ông đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng môi trường thuận lợi và quy định rõ ràng để khuyến khích sự phát triển của hệ thống này. Theo ông Đạt, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hệ thống xe đạp, xe máy chia sẻ (hoặc công cộng) được quy định rải rác ở các phần quy định pháp lý liên quan đến quy hoạch, đầu tư, thuế, phí... có liên quan trong các bộ luật giao thông, xây dựng, quy hoạch, đầu tư…, trong các tiêu chuẩn thiết kế đường, quy hoạch, xây dựng hạ tầng và tổ chức giao thông, quy hoạch, đầu tư, thuế, phí... có liên quan.
Trong chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050, tại Quyết định số 1658/QĐ-TTg, ngày 01/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ có uu tiên phát triển hệ thống vận tải công cộng đô thị; Khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân; Xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển kết cấu hạ tầng giao thông xanh, phát triển hệ thống giao thông công cộng; Xây dựng và tổ chức thực hiện các giải pháp để khuyến khích các loại phương tiện sử dụng năng lượng sạch, tiết kiệm, hiệu quả và công nghệ thân thiện với môi trường. Đến năm 2030, tỷ lệ đảm nhận của vận tải hành khách công cộng tại các đô thị đặc biệt bằng và lớn hơn 20%; đến 2050 là bằng và lớn hơn 40%; Với đô thị loại I, tỉ lệ này tương ứng với 5% và 15 %. Đến 2030, số đô thị phê duyệt và thực hiện đề án tổng thể về phát triển đô thị tăng trưởng xanh theo hướng đô thị thông minh bền vững là bằng và lớn hơn 10%; đến 2050 là bằng và lớn hơn 40%.
Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hiệp quốc về BĐKH (Quyết định số 888/QĐ-TTg, ngày 25/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ) đặt ra mục tiêu cụ thể: Các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực năng lượng, giao thông vận tải, sản xuất vật liệu xây dựng, nông nghiệp, xử lý chất thải được đẩy mạnh; Đến năm 2030, khuyến khích sử dụng điện, năng lượng xanh trong giao thông vận tải, sử dụng 100% xăng E5. Giải pháp đặt ra là chuyển đổi sử dụng phương tiện giao thông cá nhân sang sử dụng phương tiện giao thông công cộng, nâng cao thị phần vận tải hành khách công cộng tại các đô thị; mở rộng, phát triển giao thông phi cơ giới; Phát triển hạ tầng cung cấp năng lượng xanh cho phương tiện giao thông vận tải; phát triển kết cấu hạ tầng giao thông xanh, phát thải các-bon thấp.
Tại Việt Nam, dịch vụ xe đạp công cộng ở Hội An, Huế, TP.HCM, Vũng Tàu, Quy Nhơn, Đà Nẵng, Hà Nội, Hải Phòng dưới hai hình thức áp dụng thí điểm với sự tài trợ của các tổ chức quốc tế’; do doanh nghiệp tư nhân đầu tư và khai thác. Tuy nhiên, ông Đạt cũng chia sẻ, rào cản về quy hoạch và thiết kế làn đuờng dành riêng cho xe đạp có thể kể đến thiếu tiêu chuẩn, chỉ dẫn kỹ thuật thiết kế làn đường dành cho xe đạp, xe đạp điện; Thiếu các quy định pháp lý bắt buộc khi lập quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị.
Quy hoạch các trạm sạc điện chưa có quy định pháp lý liên quan đến quy hoạch và đầu tư xây dựng hệ thống trạm sạc và cấp điện cho các trạm sạc (hạ tầng điện riêng – 3 pha). Hiện có quy chuẩn, tiêu chuẩn về trụ sạc nhưng chưa có quy chuẩn tiêu chuẩn về việc xây dựng trạm sạc, hệ thống/thiết bị bảo vệ trạm sạc. Chưa có quy định liên quan đến việc sử dụng điện cho các trạm sạc (giá điện sinh hoạt, kinh doanh, sản xuất – theo Thông tư số 16/2014/TT-BTC ngày 29/5/2014 của Bộ Tài chính hay chưa có các quy định về sử dụng điện - năng lượng tái tạo, năng lượng sạch).
Một số rào cản về thể chế và chính sách có thể kể đến như thủ tục và quy trình phê duyệt dự án đầu tư hiện nay chưa có khái niệm chính thức về “Xe đạp, xe đạp điện, xe máy điện chia sẻ”, do đó cần phải cụ thể hóa bằng các quy định pháp luật – nên theo hướng “công cộng”. Chưa có quy định cụ thể về ngành, nghề kinh doanh dịch vụ xe đạp, xe đạp điện, xe máy điện công cộng. Hiện nay, (Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg, ngày 06/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam), chỉ có quy định ngành nghề “Cho thuê xe có động cơ” và “Cho thuê ôtô”. Thủ tục và quy trình phê duyệt dự án đầu tư phức tạp, mất nhiều thời gian…
Hiện nay mới chỉ có chính sách trợ giá cho xe buýt, không có ưu đãi đối với đầu tư xe đạp, xe đạp điện công cộng. Thiếu các giải pháp và chính sách hỗ trợ chuyển đổi sang sử dụng xe đạp, xe đạp điện. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền còn hạn chế.
Để thực hiện được cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, Việt Nam cần đẩy mạnh phát triển Giao thông xanh. “Hệ thống xe đạp, xe đạp điện, xe máy điện chia sẻ (công cộng) mang lại nhiều lợi ích. Vì vậy, cần thúc đẩy chính sách xã hội hóa nhằm huy động sự tham gia của mọi thành phần kinh tế, xã hội vào phát triển hệ thống; Cần hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan, giải quyết các rào cản. Các địa phương phát triển: hạ tầng giao thông an toàn cho xe đạp, xe đạp điện, xe máy điện (làn đường dành riêng); các trạm sạc điện và hệ thống cấp điện; các trạm đặt xe… Trung ương và địa phương có các chính sách ưu đãi về thuế, phí, lệ phí, trợ giá … cho các doanh nghiệp sản xuất phương tiện, doanh nghiệp đầu tư khai thác dịch vụ”, ông Đạt nói.