Rác thải điện tử là bất kỳ sản phẩm bị loại bỏ nào có pin hoặc phích cắm và có các chất độc hại, nguy hiểm có thể gây ảnh hưởng xấu cho sức khỏe con người và môi trường. Trên thực tế, hầu hết các thiết bị điện tử đều chứa các nguyên tố độc hại cao như: chì, thủy ngân, cadmium, bari, các chất chống cháy... 

Khi chất thải điện tử bị phân hủy, nó sẽ giải phóng các kim loại nặng độc hại như chì, asen và cadmium... Khi chất thải điện tử được xử lý tại bãi chôn lấp thông thường, chúng sẽ bị đốt bỏ bằng lò đốt tại chỗ. Quá trình này có thể giải phóng hydrocacbon trong khí quyển, gây ô nhiễm không khí. Hơn nữa, những hydrocacbon này có thể góp phần làm tăng hiệu ứng nhà kính. Báo cáo “Giám sát rác thải điện tử toàn cầu năm 2020” được Liên hợp quốc công bố cho biết, riêng năm 2019, ước tính có khoảng 98 triệu tấn CO2 đã được thải vào khí quyển từ các tủ lạnh và máy điều hòa không khí bị loại bỏ, làm tăng thêm khoảng 0,3% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu. 

Tại Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Việt Nam hướng tới phát thải ròng bằng “0” vì mục tiêu phát triển bền vững” do Trường Đại học Ngoại Thương phối hợp với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội và Viện Kinh tế Việt Nam vừa tổ chức, nhóm tác giả Nguyễn Thúy Quỳnh, Lê Kiều Phương, Nguyễn Minh Thủy, Bùi Hồng Trang, Nghiên cứu sinh của Khoa Kinh tế quốc tế, Trường Đại học Ngoại thương, Hà Nội đã có bài viết về nghiên cứu thực trạng hoạt động quản lý rác thải của một số quốc gia trên thế giới, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam. 

Theo số liệu của The Global E-waste Statistics Partnership, lượng rác thải của Việt Nam đã tăng từ 172 kt năm 2015 lên 257 kt vào năm 2019, với mức tăng 49,42% trong vòng 4 năm, tốc độ tăng cao hơn rất nhiều so với mức tăng chung của rác thải điện tử trên toàn thế giới. 

Ở Việt Nam, rác thải điện tử chủ yếu được tạo ra từ hộ gia đình (thiết bị điện tử gia dụng), văn phòng (máy móc dùng cho doanh nghiệp như máy tính cá nhân, máy photocopy, máy fax, máy in và máy quét) và từ công nghiệp điện tử (hầu hết bao gồm các bộ phận/thiết bị/sản phẩm điện tử bị lỗi). Rác thải điện tử cũng đến từ các thiết bị bị loại bỏ được nhập khẩu bất hợp pháp từ nước ngoài và từ các địa điểm tháo dỡ và tái chế. Trong số các nguồn rác thải điện tử này, các thiết bị đã hết tuổi thọ từ các hộ gia đình rất được chú ý do khối lượng lớn và việc quản lý không đảm bảo.

Tỷ lệ tái chế rác thải điện tử ở Việt Nam cũng còn rất thấp, phần lớn bị chôn vùi dưới lòng đất trong nhiều thế kỷ dưới dạng bãi rác, hoặc được thu gom bởi các cá nhân làm nghề đồng nát, hoặc sửa chữa thiết bị. 

Theo nhóm tác giả, hiện việc xử lý rác thải điện tử ở Việt Nam còn nhiều bất cập, và cũng chưa có những quy định, hướng dẫn xử lý dành riêng cho loại rác thải đặc biệt này. Nghiên cứu ở một số quốc gia như Nhật Bản và Đức cho thấy họ đạt được những thành công đáng kể trong việc xử lý rác thải điện tử. Chính phủ của các nước này đã đưa ra các quy định nghiêm ngặt và khuyến khích doanh nghiệp và người dân tham gia vào việc tái chế và tái sử dụng các thiết bị điện tử. Họ cũng đã đầu tư vào công nghệ xử lý tiên tiến nhằm khai thác các tài nguyên từ rác thải điện tử và giảm lượng chất thải cuối cùng.

Theo nghiên cứu của nhóm tác giả, rác thải điện tử vẫn được coi là một nguồn tài nguyên ở Việt Nam, giống như ở các quốc gia khác. Khu vực tư nhân thu gom, phân loại, tháo dỡ và tái chế bằng các công cụ và công nghệ thủ công, bỏ qua các mối quan tâm về môi trường, sức khỏe và cộng đồng. Tái chế chất thải hiện chỉ liên quan đến việc phân hủy và tách nhựa, đồng và nhôm tại các điểm thu gom phế liệu. Đây là xử lý sơ bộ, không phải tái chế chất thải điện tử. Việt Nam không phân loại và thu gom rác thải điện tử. Việt Nam chưa có mã ngành môi trường, trong đó có ngành tái chế chất thải điện tử. 

Từ nghiên cứu thực thế, nhóm tác giả đã chỉ ra rằng, mặc dù chưa có quy định cụ thể đối với chất thải điện tử nhưng Việt Nam đã có các chính sách, quy định về quản lý chất thải rắn và chất thải nguy hại, chẳng hạn như Quyết định 2149/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, với mục tiêu tầm nhìn đến năm 2050 và Quyết định 1216 phê duyệt chiến lược quốc gia bảo vệ môi trường đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030... Luật Bảo vệ Môi trường 2014 cấm nhập khẩu và quá cảnh rác thải nước ngoài. Nghị định 38 và Thông tư 36 năm 2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về quản lý chất thải nguy hại, trong đó có phân loại chất thải nguy hại theo tiêu chuẩn Cộng đồng Châu Âu. 

Bên cạnh đó, do sự cạnh tranh của khu vực phi chính thức, khối lượng và chất lượng rác đầu vào không ổn định, khiến các công ty ngần ngại đầu tư vào các phương pháp hiện tại để thu hồi kim loại có giá trị từ rác thải điện tử. Tỷ lệ tái chế, xử lý rác thải điện tử ở Việt Nam còn thấp, công nghệ mới chỉ tái chế được một phần sắt, đồng, chì, thiếc, nhựa. Phát thải chất thải điện tử, đặc biệt là từ các gia đình, không được kiểm soát. Pin, vỏ, thân điện thoại, đồ điện tử gia dụng… vẫn được giữ lại cùng với rác thải sinh hoạt. Rác thải điện tử không được phân loại tại nguồn do người dân chưa biết đến sự nguy hiểm của nó, gây ô nhiễm môi trường. Hiện Việt Nam còn thiếu dự báo và kiểm kê rác thải điện tử chính thức. 

Các chuyên gia môi trường cho rằng các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người tiêu dùng phải hợp tác để tăng cường thu hồi và xử lý chất thải điện tử tại Việt Nam. Nhà nước phải làm rõ các quy định hiện hành, xác định chất thải điện tử nguy hại và không nguy hại, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định để nâng cao trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp sản xuất thiết bị điện tử. Ngoài ra, các doanh nghiệp phải được khuyến khích đầu tư vào xử lý chất thải điện tử bằng các công nghệ thân thiện với môi trường hiện tại. 

Cùng với các biện pháp quản lý doanh nghiệp, Chính phủ và các bộ ngành cần tích cực tuyên truyền cho người dân về sự nguy hại của rác thải điện tử đối với cuộc sống của chính họ, với môi trường xã hội và cách ứng xử để người dân cùng tham gia phân loại tại nguồn. Việc áp dụng lối sống bền vững bằng thúc đẩy lối sống bền vững, xây dựng một xã hội ít chất thải, các-bon thấp, hài hòa, thân thiện với môi trường… là việc làm cấp bách và thường xuyên.

Vũ Thị Huệ, Nguyễn Thị Thu Hằng, Phùng Thu Thủy, Nguyễn Quang Phong