Nền kinh tế Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân, đặc biệt là những người lao động, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Trong bối cảnh đó, Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những địa phương đang đối diện với nhiều khó khăn nhất.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác của Chính phủ đến làm việc trực tiếp với lãnh đạo thành phố để chủ động tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát đi tín hiệu tích cực và tạo niềm tin trong nhân dân.

Những việc đáng trăn trở

Tại cuộc làm việc, báo chí tường thuật Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: Trung bình mỗi ngày, Bộ phải trả lời cho Thành phố Hồ Chí Minh 02 văn bản; trong khi các nội dung mà Thành phố hỏi đều thuộc thẩm quyền của Thành phố. “Đây là điều rất vô lý, cho thấy chúng ta sợ hoặc đùn đẩy nhau. Chúng tôi còn trăm ngàn việc khác, trong khi trách nhiệm đã được phân công, phân cấp”, ông nói.

Như vậy, có những quan điểm trái ngược giữa các cơ quan chức năng của trung ương và địa phương: Thành phố cho rằng mình không có thẩm quyền nên mới hỏi, còn Bộ cho rằng Thành phố đã được phân cấp nên không cần hướng dẫn giải quyết. Có lẽ đây là vướng mắc dai dẳng, không ai biết phải bắt đầu giải quyết từ đâu.

Thành phố Hồ Chí Minh cũng như bộ máy của Nhà nước nói chung đang đối diện với sự thật là có nhiều cán bộ e ngại, thủ thế, không dám làm gì vì sợ bị “chụp mũ”, kỷ luật. Khi làm việc, không ai tránh được khiếm khuyết, nhất là đối với những việc phải dám nghĩ, dám làm chưa có tiền lệ hoặc đã có quy định nhưng lạc hậu và bất cập. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các Phó Thủ tướng Chính phủ cùng lãnh đạo TP.HCM tại buổi làm việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế-xã hội cho TP.HCM sáng 16/04

Có tâm lý là ai cũng sợ bị quy chụp tội “cố ý làm trái” hoặc “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, hoặc tù mù hơn nữa là tội “vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và Nhà nước”…

Hệ quả trên đã dẫn đến tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, thẩm quyền giữa các cơ quan chức năng, làm công việc bị dồn ứ, đình trệ; nhiều công việc gấp của Nhà nước, doanh nghiệp bị tê liệt. Sự mâu thuẫn này khiến cho việc phân bổ trách nhiệm trở nên mơ hồ và khó khăn hơn bao giờ hết. 

Việc đưa ra giải pháp hợp lý để giải quyết tình trạng này là cực kỳ cần thiết để đảm bảo hoạt động của cả Thành phố Hồ Chí Minh và Bộ Kế hoạch và Đầu tư được diễn ra thuận lợi và hiệu quả hơn trong tương lai.

Nguyên nhân cốt lõi

Tuy nhiên, việc này hoàn toàn không dễ. Hồi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến Thành phố Hồ Chí Minh nhằm giải quyết những vướng mắc ở Tuyến Metro số 1, nhiều người trong cuộc từng vui mừng bảo nhau thế là vướng mắc được gỡ rồi sau khi nghe kết luận. Nhưng sau đó ít ngày lại thấy chỉ có công văn chỉ đạo Bộ này nghiên cứu việc này, Bộ kia nghiên cứu việc kia. Toàn là nghiên cứu chứ không có giải quyết vướng mắc gì hết, nhiều năm trôi qua cho tới bây giờ.

Trong mọi lĩnh vực và công việc, việc chỉ đạo chung chung để tránh mắc sai lầm là điều phổ biến. Tuy nhiên, điều này không chỉ tồn tại trong lời nói mà còn xuất hiện trong các văn bản pháp luật ở cả cấp cao và cấp trung gian. 

Vì vậy, việc chỉ đạo dẫu đúng nhưng cũng có thể gặp vướng mắc khi triển khai trong thực tế vì nó có thể được hiểu theo nhiều cách khác nhau, dẫn đến các sai sót không đáng có. Trong tình huống đó, việc xác định nguyên nhân và trách nhiệm sẽ trở nên khó khăn và có thể dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.

Nguyên nhân sâu xa do địa phương không chủ động được mà phải thường xuyên xin ý kiến Trung ương, dù đã có văn bản phân cấp, nhưng lại chưa phân cấp trong công tác cán bộ: Trung ương quyết định nhân sự của địa phương, không chỉ các vị trí đứng đầu là Bí thư, Chủ tịch mà còn nhiều vị trí khác.

Vậy nên có thực tế là mọi văn bản, bằng cấp đều không bằng cái “bằng lòng”. Một nguyên nhân khác là quy định chồng chéo, hay thay đổi, dễ rơi vào cảnh “sáng đúng, chiều sai”. Tiền lương thấp cũng làm cho cán bộ trong bộ máy hành là chính tìm cách gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.

Giải pháp chung

Cần có một sự thống nhất rõ ràng về phân chia thẩm quyền và trách nhiệm giữa các cơ quan chức năng trung ương và địa phương để tránh tình trạng đùn đẩy nhau. Điều này giúp đảm bảo mọi vấn đề được giải quyết đúng trách nhiệm và đúng thẩm quyền của từng cơ quan. Việc chủ động giải quyết khó khăn cho Thành phố cũng là một giải pháp khả thi và cần thiết để giảm thiểu tác động xấu của tình trạng này đến người dân và kinh tế địa phương.

Tâm lý của nhiều người hiện nay là muốn đóng góp vào sự phát triển của đất nước, nhưng lại e ngại vì những cơ quan chức năng có thể sẽ kiểm tra và yêu cầu giải trình. Vì vậy, Thủ tướng cần phải đưa ra những cam kết rõ ràng về việc tạo môi trường thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tham gia vào các hoạt động phát triển đất nước một cách minh bạch và công khai. Chỉ khi có những giải pháp cụ thể và sự cam kết rõ ràng, chúng ta mới có thể vượt qua được vướng mắc và đạt được mục tiêu phát triển bền vững cho đất nước.

Trước mắt, thành phố cho lập các tổ công tác, kiểm tra, giám sát tập trung tháo gỡ các vướng mắc, để các cán bộ thực thi yên tâm thực thi công vụ. Ảnh: Hoàng Hà

Việc “tự cứu lấy mình” là cần thiết để thành phố Hồ Chí Minh phát triển bền vững, tuy nhiên không nên hoàn toàn bỏ qua sự hỗ trợ, hướng dẫn từ các cơ quan chức năng. Thay vào đó, cần có một phương án đồng bộ, chi tiết, rõ ràng để các cơ quan chức năng có thể hỗ trợ và hướng dẫn thành phố Hồ Chí Minh trong quá trình phát triển. Điều quan trọng là phải tìm được sự cân bằng giữa sự “tự cứu lấy mình” và sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng, để đảm bảo thành phố có thể phát triển một cách hiệu quả và bền vững trong tương lai.

Giải pháp cấp bách khả thi

Đầu tiên là điều chỉnh các quy định bất cập về đấu thầu và quy trình thực hiện các dự án đầu tư công, nếu cấp bách có thể điều chỉnh bằng nghị quyết thí điểm của Quốc hội hoặc Chính phủ.

Trước mắt, Thành phố cho lập các tổ công tác, kiểm tra, giám sát tập trung tháo gỡ các vướng mắc, để các cán bộ thực thi yên tâm thực thi công vụ. Đây là việc làm cần thiết để các bộ phận chức năng vào cuộc ngay từ đầu thay cho hậu kiểm vẫn làm trước đây. Đồng thời, lãnh đạo thành phố cũng rà soát đánh giá năng lực, phẩm chất và bản lĩnh của cán bộ để điều chuyển, thay thế những người không còn thích hợp.

Tiếp theo, thí điểm cơ chế bảo vệ cán bộ, ít nhất những người được Thủ tướng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và Chủ tịch UBND thành phố giao nhiệm vụ trực tiếp được quyền tự chủ, nếu làm mà có sai sót cũng không bị truy cứu hình sự, miễn là không tham nhũng. Nếu những người “xé rào” bị oan, sau khi minh oan họ phải được phục chức, thậm chí thăng chức và được bồi hoàn danh dự cũng như vật chất xứng đáng.

Cuối cùng là giảm bớt sự can thiệp của quá nhiều cơ quan pháp luật vào các dự án. Nên giao cho Thanh tra Chính phủ làm đầu mối, còn Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, Kiểm toán, Công an nên gián tiếp, chỉ khi có dấu hiệu vi phạm rõ ràng hoặc sau kết luận thanh tra. Cần hạn chế hình sự hóa mà chỉ nên áp dụng xử phạt hành chính. Hy vọng làm được như thế thì mọi người mới dám làm và kinh tế mới sớm hồi phục được.

Bi kịch dùng người

Nhân đây, xin nói thêm về ông Cựụ Giám đốc bệnh viện Tim Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn đang bị xét xử. Ông là Giáo sư, Tiến sĩ Y khoa, bác sĩ hàng đầu về tim mạch của cả nước, từng cứu sống nhiều bệnh nhân và đào tạo nhiều bác sĩ chuyên ngành, nhưng cuối cùng lại lâm vào hoàn cảnh quá đau xót.

Trước 1975, trường Y ở miền Nam có chương trình đào tạo chính quy ngành quản lý bệnh viện, nên nói là tốt nghiệp trường Y nhưng người học chương trình này không có trách nhiệm lo chữa bệnh mà chỉ lo mỗi công việc quản lý, hành chính, thủ tục giấy tờ... cho bệnh viện. Đây là công việc chuyên môn vô cùng đặc thù mà trường Luật hoặc trường Kinh tế không có chương trình đào tạo, chỉ riêng trường Y có, để người ra trường cũng biết qua về y khoa nhưng phải đi chuyên sâu về quản lý bệnh viện.

Cho đến ngày nay, người ta vô cùng ngạc nhiên được biết “Do là ngành học còn khá mới ở Việt Nam nên hiện nay, trên cả nước mới có duy nhất Viện đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý ngành Y tế thuộc Đại học Y tế công cộng đào tạo ngành Tổ chức và quản lý y tế”.

Thế thì bắt Giáo sư, Tiến sĩ y khoa đã theo học chuyên sâu khám chữa bệnh hơn mười năm đại học và sau đại học, được đi tu nghiệp ở nước ngoài để mang về kiến thức y học hiện đại, rồi bỏ bớt ca khám và mổ để lo những việc lạ lẫm như đấu thầu, mua sắm thiết bị thuốc men cho bệnh viện của mình - với bao quy trình phức tạp và quy định rắc rối là điều cực kỳ phi lý mà hàng bao năm nay người ta không nhận ra, hoặc có nhận ra nhưng vẫn không thay đổi cách làm.

Mong sao chương trình đào tạo ở các trường y sớm chấn chỉnh để đưa ngành Tổ chức và Quản lý y tế vào chương trình chính quy bài bản, để tránh những lãng phí nhân lực vô cùng lớn lao cho xã hội. Từ đó, các bác sĩ giỏi sẽ chuyên tâm lo phòng chống và điều trị bệnh, để những việc quản lý và hành chính cho bộ phận chuyên trách lo.

Còn một nguyên nhân khác quan trọng không kém, ví dụ như: Cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội thừa nhận việc chỉ định thầu và đưa vật tư vào viện là sai, nhưng cho rằng “không còn cách nào khác” do phải đảm bảo hoạt động khám chữa bệnh.

Cần rà soát sâu và rộng hệ thống pháp lý để các bệnh viện có thể phát huy tối đa tiềm năng của họ nhằm tránh lặp lại câu nói “không còn cách khác”. Đặc biệt là gấp rút chấn chỉnh quy trình đấu thầu, mua sắm và tiếp nhận quà tặng thiết bị, vật liệu, thuốc men. Cũng nên luật hóa để chấn chỉnh và mở rộng chương trình hợp tác công tư và chương trình phối hợp công việc tự nguyện của nhân dân (như việc tặng máy thở trị Covid vừa qua, nên khuếch trương thêm).

Tháo gỡ điểm nghẽn 

Cần phải có các hành động để tháo gỡ các điểm nghẽn và đưa nền kinh tế của đất nước và thành phố Hồ Chí Minh trở lại đà tăng trưởng. 

Muốn làm được điều đó, cần có sự hợp tác giữa các bộ, ngành và địa phương, cải thiện môi trường đầu tư, đưa ra các chính sách hỗ trợ, tăng cường quản lý, đấu tranh chống lại các hành vi lừa đảo và xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng.

Tuy nhiên, để có thể thực hiện các hành động này, cần có sự quyết tâm của các bộ, ngành, địa phương và cả cộng đồng. Đồng thời, cần phải có sự liên kết chặt chẽ giữa các đơn vị, các doanh nghiệp và người dân để đưa ra các giải pháp cụ thể, thực hiện các hoạt động tối ưu hóa tài nguyên và tăng cường cạnh tranh.

Nếu như các hành động này được thực hiện đầy đủ và hiệu quả, chắc chắn sẽ giúp nền kinh tế của đất nước và thành phố Hồ Chí Minh phục hồi và phát triển mạnh mẽ hơn. 

Từ đó, nâng cao đời sống của người dân, cải thiện chất lượng cuộc sống và đưa đất nước Việt Nam trở thành một đất nước ổn định và phát triển bền vững.

Tô Văn Trường