Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông Ngô Thanh Danh trao đổi với Tuần Việt Nam nhân sự kiện Đắk Nông tăng hạng kỷ lục về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2022.

"Tôi rất vui nhưng cũng rất lo”

Tỉnh Đắk Nông đã nhảy vọt mấy chục bậc từ cuối của bảng xếp hạng PCI cách đây mấy năm lên thứ 38/63 tỉnh trong báo cáo của VCCI. Cảm xúc của ông như thế nào?

Tôi rất vui nhưng cũng rất lo. Nhìn một số tỉnh đang từ bậc thấp nhảy lên tốp cao nên thấy áp lực ở chỗ, các tỉnh có thể nhảy vọt như vậy thì chúng tôi sẽ phải làm như thế nào tới đây. Hơn nữa, điều quan trọng là chúng tôi phải giữ được vị trí ít nhất như năm nay. PCI là thước đo của doanh nghiệp đối với sự điều hành của tỉnh mà.

Vì thẳng thắn nhìn lại, chúng tôi thấy công tác điều hành ở một số cơ quan, địa phương của tỉnh chưa quyết liệt quyết tâm như cuộc sống đòi hỏi; một số cán bộ chưa làm việc đúng với bổn phận và trách nhiệm.

Hơn nữa, việc đơn giản hóa quy trình, hồ sơ thủ tục còn rườm rà, chồng chéo. Khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp vẫn còn nhiều. Những hạn chế này cần được khắc phục quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả trong thời gian sớm nhất.

Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông Ngô Thanh Danh

Thông thường, chính quyền tỉnh làm cách nào để nắm bắt khó khăn của doanh nghiệp?

Ngay sau khi Đại hội lần thứ XII của Đảng bộ tỉnh, chúng tôi đã xây dựng các chương trình trên tất cả các lĩnh vực, ngành, rất cụ thể, sát, đúng; trong đó có kêu gọi cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh.

Ủy ban Nhân dân tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ động hàng tháng, hàng tuần tổ chức gặp gỡ “cà phê với doanh nhân” để lắng nghe trực tiếp tiếng nói của họ, xem khó khăn, vướng mắc của họ ở khâu nào. Các lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo sở lắng nghe, trao đổi với họ xem điều gì bị ách tắc có thể tháo gỡ ngay... Tất nhiên, còn nhiều nỗ lực khác mới giúp các chỉ số PCI tăng hạng.

Trong quá trình chỉ đạo, ông có thấy thực tế là luật pháp còn nhiều chồng chéo, vướng mắc mà địa phương không giải quyết được, làm doanh nghiệp rất khó khăn?

Các thông tư, nghị định và luật vẫn còn những chồng chéo, vướng mắc nhất định, làm cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp rất khó, cho nên cần phải điều chỉnh cho phù hợp với thực tế, vì suy cho cùng không có gì hoàn hảo cả đâu.

VCCI nhấn mạnh rằng, không gian cải cách bây giờ là nằm ở địa phương. Ông thấy khuyến nghị đó như thế nào?

Đánh giá đó là đúng. Bản thân các lãnh đạo địa phương phải năng động, sáng tạo, phải am hiểu tình hình địa phương địa, phải biết chia sẻ khó khăn của doanh nghiệp thì mới tháo gỡ được. Chuyện của địa phương thì địa phương phải giải quyết chứ làm sao trông chờ vào những người khác được. 

Tuy nhiên, địa phương cũng cần có không gian và khuôn khổ pháp lý và sự hỗ trợ của các bộ, ngành trung ương. 

“Nếu sợ trách nhiệm thì ai làm”

Cán bộ ở không ít đại phương hiện nay bày tỏ tâm tư, họ cũng đầy trách nhiệm muốn tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhưng nếu sai thì rất rủi ro. Tình trạng ở Đắk Nông như thế nào, thưa ông?

Chuyện cán bộ tâm tư là có. Chúng tôi làm thận trọng hơn theo yêu cầu thực tế và đúng quy định pháp luật, chậm và chắc hơn để cuối cùng vẫn tháo gỡ được vướng mắc, khó khăn. Vì tỉnh nghèo mà không làm thì nghèo nữa à!

Thực hiện cải cách bao giờ cũng có va chạm. Ông xử lý chuyện này thế nào?

Trên thực tế là có nhiều va chạm, rào cản cần tháo gỡ. Trong các cuộc làm việc  hội nghị, chúng tôi luôn nói với cán bộ là cần có niềm tin, là làm đúng luật, vì lợi ích chung thì không sao. Nhưng anh em thấy suốt ngày kỉ luật thì cũng ngại. Tuy nhiên, anh em vẫn làm những điều gì họ thấy đúng. Có những việc tồn đọng rất lâu đã được giải quyết sau những chỉ đạo, định hướng. 

Trong vai trò lãnh đạo tỉnh, cá nhân ông nói gì với các cán bộ, công chức để họ có thể giải quyết công việc như vậy?

Chúng tôi luôn động viên anh em, ai cố tình làm sai vì cái riêng thì không được nhưng ai làm vì cái chung là ủng hộ, chứ nếu sợ trách nhiệm thì ai làm. Nếu sợ trách nhiệm thì không có sự kiện Đắk Nông tăng hạng thế này đâu. Phải có nhiều sự hỗ trợ, tương hỗ, động viên và cam kết của lãnh đạo. Người đứng đầu phải tạo mọi điều kiện cho anh em làm. 

Chúng tôi tổ chức "cà phê doanh nhân", giao cho Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư và một vài sở khác đảm nhiệm việc này. Cần phải cởi mở, lắng nghe doanh nghiệp vì nếu không (có cà phê doanh nhân) không phải lúc nào tiếng nói của họ cũng đến tai lãnh đạo được.

Chúng tôi cũng ngồi với lãnh đạo các sở và các doanh nghiệp…. Quan điểm của chúng tôi nói được là được, không được là không được. Nếu không làm được thì nói làm cái khác đi phù hợp và hiệu quả hơn. Chẳng hạn về nông nghiệp, nếu doanh nghiệp không hiểu biết, không có sự am hiểu, nguồn lực về ngành nông nghiệp thì làm sao đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả được. Cần dành nguồn lực, không gian cho những doanh nghiệp hiệu quả hơn. Mọi thứ rõ ràng, minh bạch ngay từ đầu thì dễ làm cho tất cả.

Dự án điện gió tại tỉnh Đắk Nông. Ảnh: VOV

“Sinh sau đẻ muộn, Đắk Nông luôn phải cố gắng”

Chính phủ đang tính toán yêu cầu các địa phương thành lập các tổ công tác để giải quyết dứt điểm khó khăn cho doanh nghiệp. Ông thấy mô hình này hiệu quả không?

Có chứ. Tỉnh chúng tôi đã và đang làm. Chúng tôi thành lập các tổ công tác để tháo gỡ khó khăn hoặc ra quyết định cuối cùng với những vấn đề tồn đọng. Ví dụ, chúng tôi đã làm việc với Tập đoàn TH, tháo gỡ những vướng mắc cụ thể cho họ. Có những dự án treo của doanh nghiệp mấy chục năm chưa xong, họ lấy đất nhưng không làm, tôi nói thôi trả lại cho tỉnh đi, phải có hạn thời gian chứ không thể giữ mãi được hoặc cản trở sự phát triển của tỉnh.

Tới đây, tỉnh Đắk Nông tập trung cải cách như thế nào để thăng hạng?

Chúng tôi tập trung mạnh để tiếp tục cải cách hành chính, giải quyết những vấn đề khó khăn của người dân và doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực đất đai. Cam kết giải quyết hồ sơ trong thời gian ngắn nhất, đảm bảo các yêu cầu thì dứt khoát phải giải quyết hoặc ngắn hơn thì càng tốt. Chúng tôi tạo điều kiện, tháo gỡ khó khăn về chi phí, thời gian cho người dân và doanh nghiệp.

Đắk Nông mấy năm gần đây phát triển lên thực chất nhờ cải thiện môi trường đầu tư và tiếp cận thân thiện với các doanh nghiệp. Chúng tôi đã đón các dự án đầu tư và các doanh nghiệp lớn. Chúng tôi đang tập trung vào nông nghiệp công nghệ cao. Tập đoàn TH đang đang xem xét đầu tư những dự án nông nghiệp lớn.

Chính quyền tỉnh các cấp phải luôn công khai, minh bạch để cả Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân đều được hưởng lợi từ thành quả phát triển chứ chỉ 1 trong 3 có lợi là không được.

Đắk Nông có đặt mục tiêu thăng hạng vượt bậc trong xếp hạng PCI tới đây hay không?

Chúng tôi rất nỗ lực, rất mong muốn nhưng quả thực rất khó vì còn phụ thuộc nhiều yếu tố như vị trí địa lý, hạ tầng giao thông. Các doanh nghiệp phải đi cả mấy trăm cây số từ TPHCM đến Đắk Nông làm việc trong khi đường xá còn rất kém, chi phí lưu thông rất lớn. 

Còn đối với lãnh đạo tỉnh, chúng tôi lúc nào cũng cởi mở, thân thiện và cầu thị. Chúng tôi biết mình nghèo, lại sinh sau đẻ muộn, nên luôn phải cố gắng, nỗ lực.

Thăng hạng vượt bậc

Chỉ số PCI tổng hợp của Đắk Nông trong bảng xếp hạng PCI của VCCI đạt 64,87 điểm, đứng vị trí thứ 38/63 tỉnh, thành phố, cao nhất từ trước tới nay. Chỉ số PCI của Đắk Nông năm nay tăng 14 bậc từ vị trí 52 trong bảng xếp hạng năm 2021.

Trong đó, một số chỉ số có thứ hạng cao như: Chi phí thời gian (xếp hạng 6), tính minh bạch (xếp hạng 17), tính năng động của chính quyền tỉnh (xếp hạng 23), chi phí không chính thức (xếp hạng 26)…

Alumin lãi lớn

Về hoạt động của tổ hợp công nghiệp bôxít - nhôm - luyện kim: Tính đến nay, có tổng số 9 khu vực mỏ bauxit trên diện tích hơn 1.605 km2 đã được xác định. Đến tháng 6/2020, diện tích khai thác tính hơn 234 ha; tổng sản lượng quặng nguyên khai đã khai thác khoảng 13,78 triệu tấn.

Các sản phẩm alumin hiện đang mang lại giá trị sản xuất rất lớn cho ngành sản xuất kim loại với khối lượng sản phẩm bắt đầu tăng mạnh từ năm 2017 khi dự án nhà máy Alumin Nhân Cơ đi vào hoạt động. Năm 2018, sản lượng sản xuất alumin đạt 650.000 tấn và đến năm 2020 là 715.268 tấn, đạt 110% công suất thiết kế.

Đến nay, nhà máy Alumin Nhân Cơ không chỉ làm chủ được công nghệ, mà còn chủ động nghiên cứu các giải pháp cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa dây chuyền sản xuất, nâng cao sản lượng sản xuất. Sản phẩm alumin được xuất khẩu chủ yếu đến các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất, Thụy Sĩ.

Nhiều dự án điện mặt trời, điện gió gặp khó do thiếu chính sách

Đắk Nông còn được đánh giá có tiềm năng, lợi thế lớn để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời. Tổng công suất nguồn điện tăng nhanh nhờ chính sách khuyến khích đầu tư điện năng lượng tái tạo của Chính phủ.

Đến nay có 1.632 hệ thống điện mặt trời mái nhà, tổng công suất 377,412 MWp; 2 nhà máy điện mặt trời nối lưới, tổng công suất 106,4MWp đang vận hành. Có 6 dự án điện gió đã được Thủ tướng bổ sung vào quy hoạch điện VII. Trong số đó, 1 dự án đã thi công hoàn thành và phát điện thương mại (điện gió Đắk Hòa, công suất 50MW); 01 dự án đã thi công hoàn thành nhưng chưa phát điện (điện gió Nam Bình 1 – 30MW); 3 dự án đang triển khai xây dựng (Đắk N’Đrung 1, Đắk N’Đrung 2, Đắk N’Đrung 3) và 1 dự án đang thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng (Dự án điện gió Asia Đắk Song 1).

Vướng mắc với phát triển năng lượng tái tạo lớn nhất hiện nay với Đăk Nông là thiếu cơ chế, chính sách liên quan. Đề xuất các bộ ngành Trung ương quan tâm, bổ sung quy hoạch, kế hoạch phát triển nguồn điện tại chỗ vào Quy hoạch điện VIII để doanh nghiệp đầu tư cung cấp điện tái tạo, có cơ sở đảm bảo tính khả thi cho các dự án khai thác bô xít, nhà máy điện phân nhôm và phát triển ngành Công nghiệp nhôm như định hướng của Trung ương.

Bên cạnh đó, xem xét, tháo gỡ khó khăn cho các dự án điện gió đang triển khai, đã hoàn thành nhưng chưa được phát điện thương mại; sớm có hướng dẫn, quy trình thủ tục lựa chọn nhà đầu tư các dự án điện mặt trời đã được quy hoạch; tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho dự án nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông.

Tư Giang thực hiện