LTS: Nhiều vụ án liên quan đến các quan chức, công chức hiện nay đặt ra vấn đề, đâu là các cá nhân trục lợi, đâu là những lỗ hổng pháp lý, những điều gì cần khắc phục. Tuần Việt Nam trò chuyện với đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân xung quanh những vấn đề này.

Chế độ sở hữu, bảo vệ tài sản, bảo vệ hợp đồng đều rất yếu và kém tường minh

Thưa ông, nút thắt về thể chế đã được xác định là một trong ba yếu kém cơ bản, cản trở sự phát triển và cần tháo gỡ từ hơn thập kỷ trước. Về góc độ thể chế kinh tế, ông nhìn nhận nút thắt này ra sao khi liên hệ với thực tiễn?

ĐBQH Lê Thanh Vân: Thể chế là nền tảng để vận hành kinh tế xã hội. Mỗi nhà nước đều đặt ra hiến pháp như nền tảng thể chế để quản trị quốc gia. Có những bản hiến pháp quy định chi tiết, có bản hiến pháp quy định mang tính nguyên tắc.

Hiến pháp là văn bản chính trị pháp lý, chỉ đưa ra có tính chất cương lĩnh, định hướng còn sứ mệnh để cụ thể hoá chính là các đạo luật. 

ĐBQH Lê Thanh Vân: ba vấn đề là chế độ sở hữu, bảo vệ tài sản, bảo vệ chế độ hợp đồng đang là những vấn đề cốt tử

Trong hiến pháp của Việt Nam có những định chế được quy định rõ ràng, nhưng có những định chế chỉ mang tính nguyên tắc hay quy phạm chính trị. Quốc hội có nhiệm vụ thể chế hóa các quy định đó bằng văn bản pháp luật cụ thể - là quy tắc xử sự bắt buộc cả xã hội phải tuân theo.

Tuy nhiên, việc thể chế hoá không rõ ràng, thậm chí mâu thuẫn nhau trong không ít trường hợp. Có nhiều nguyên nhân: do hiến pháp quy định không rõ hoặc luật pháp diễn đạt sai các định chế hiến pháp nên mâu thuẫn, xung đột pháp luật đã diễn ra.

Bên cạnh đó, chất lượng các luật phụ thuộc hữu cơ vào chất lượng cán bộ. Nếu với tinh thần quy định của hiến pháp đó nhưng người này chủ trì hiểu theo nghĩa này, người chủ trì khác hiểu theo nghĩa khác thì chất lượng là khác, chưa nói đến bộ, ngành, địa phương can thiệp vào.

Chỉ trong lĩnh vực kinh tế, ba vấn đề là chế độ sở hữu, bảo vệ tài sản, bảo vệ hợp đồng đang là những vấn đề cốt tử, là nền tảng để quy kết trách nhiệm cho những cá nhân sử dụng quyền lực để lộng hành, trục lợi hay giúp ngăn chặn các vi phạm pháp luật, hoặc thúc đẩy/hạn chế các quan hệ kinh tế và thu hút nội lực cho phát triển kinh tế xã hội.

Nhà nước đại diện nhưng Nhà nước là ai?

Ba lĩnh vực ông vừa đề cập đã được xác định là những nền tảng còn rất yếu ở Việt Nam. Xin ông nói rõ từng điểm một, trước hết là chế độ sở hữu trong hoạt động lập pháp cũng như thực tiễn?

Về chế độ sở hữu, trong hiến pháp quy định sở hữu toàn dân, tập thể, sở hữu tư nhân. Riêng sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện, nhưng nhà nước là ai, cách thức sử dụng quyền đại diện của Nhà nước, đại diện cho sở hữu toàn dân thì luật quy định chứ Hiến pháp không quy định.

Chẳng hạn, Luật Đất đai quy định sở hữu toàn dân và Nhà nước là đại diện. Nhà nước là ai, là thiết chế nào? Nhà nước được hiểu là Quốc hội, là cơ quan ban hanh điều lệ; Nhà nước cũng là Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban Nhân dân các cấp, các bộ ngành vì đó cũng là các cơ quan Nhà nước sử dụng quyền lực Nhà nước để thực hiện chức năng đại diện cho sở hữu toàn dân.

Bản chất có thật vậy không? Ví dụ, Hội đồng Nhân dân có thẩm quyền quyết định quy hoạch và thay đổi quyền sử dụng đất. Nhưng nếu Hội động nhân dân vận hành theo ý chí cá nhân, chủ quan của một ông Bí thư tỉnh uỷ hay Chủ tịch tỉnh lộng hành quyền lực thì đó không phải là ý chí Nhà nước mà là sự tiếm quyền của cá nhân nhân danh Nhà nước. Khi có sai phạm xảy ra mới xem lại các quy định, thấy có kẽ hở, nhiều điều luật chưa chặt.

Vì thế, phải củng cố làm sao chế độ tập thể ra tập thể, cá nhân ra cá nhân. Ông Bí thư tỉnh uỷ đưa ra đường hướng và chịu trách nhiệm đường hướng đó. Còn đến lúc ông Chủ tịch Ủy ban Nhân dân trình ra Hội đồng Nhân dân thì một mặt ông chịu sự lãnh đạo của Đảng là cấp uỷ. Đừng nghĩ ông ấy tuân thủ chỉ đạo trực tiếp của ông Bí thư mà là của tập thể. Và trong quyết định tập thể đó, mối liên hệ giữa cá nhân ông Bí thư và tập thể như thế nào?

Một loạt vi phạm đất đai vừa rồi là do tiếm quyền cá nhân, lộng hành quyền lực để biến tập thể thành công cụ hợp thức hoá việc trục lợi. Ảnh minh hoạ: Hoàng Hà

Chẳng hạn, Ban thường vụ Tỉnh uỷ ra một nghị quyết sai trái, tính chịu trách nhiệm cá nhân trong tập thể đó phải bóc tách ra. Một người từ đầu phản đối và có cơ chế bảo lưu ý kiến của mình một cách tường minh, sau này người đó không chịu trách nhiệm và thậm chí họ có công chống lại nghị quyết sai trái. Không thể cứ "vơ đũa cả nắm" bắt họ phải chịu trách nhiệm!

Khi làm rõ trách nhiệm tập thể và cá nhân, lúc đó tính chịu trách nhiệm của tập thể mới chất lượng và không mượn bàn tay tập thể tiếm quyền, hợp thức hoá các quyết định cá nhân.

Một loạt vi phạm đất đai vừa rồi là do tiếm quyền cá nhân, lộng hành quyền lực để biến tập thể thành công cụ hợp thức hoá việc trục lợi. Sau khi điều tra, kiểm tra mới phát hiện ra đã muộn rồi.

Trên thực tế, trong một số vụ án liên quan đến đất đai gần đây, quyết định của tập thể nhưng rồi cá nhân lại chịu trách nhiệm. Ông có thấy sự mâu thuẫn không?

Trong một số vụ án, cơ quan điều tra xác định vai trò, trách nhiệm cá nhân có mục đích, động cơ cá nhân nên họ phải chịu trách nhiệm cá nhân. Trong pháp luật hình sự, yếu tố quan trọng nhất trong xác định yếu tố cấu thành tội phạm là chủ thể mặt chủ quan, khách thể mặt khách quan.

Ví dụ, một ông đứng đầu tỉnh chịu trách nhiệm cá nhân về dấu hiệu cấu thành tội phạm rất rõ ràng. Chủ thể đó là ông ấy có quyền quyết định, chi phối vì có chức vụ. Về mặt chủ quan, ông nung nấu sẵn ý định hoặc nghĩ đến lợi ích nhóm gia đình chi phối. Về mặt khách thể là lợi ích nhà nước bảo vệ, chế độ sở hữu, trật tự quản lí đất đai, là tài sản của Nhân dân và Nhà nước. Khách quan xảy ra, hậu quả có rồi nên dễ dàng quy kết trách nhiệm cá nhân.

Điều phức tạp hiện nay là nhập nhằng giữa cá nhân và tập thể. Kẻ phạm tội dùng quyền lực của mình chi phối áp đặt rất tinh xảo và nếu không dùng nghiệp vụ sắc xảo tinh vi không bóc trần ra được.

Vì vậy, làm nhân sự mà trao nhầm cho những người không đủ tầm tư duy, phẩm chất đạo đức thì nguy cơ cao. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cảnh báo chuyện đó.

Phải bảo vệ tài sản cho dân

Xin ông nói tiếp về cơ chế bảo vệ tài sản – vấn đề cũng còn đang rất yếu hiện nay?

Bảo vệ chế độ tài sản cho các chủ thể có quyền sở hữu tài sản đã được quy định trong Hiến pháp nhưng các Bộ luật Dân sự và các văn bản pháp luật liên quan có thể thể hiện nhất quán hay không?

Trên thực tế, làm luật không phải do một chủ thể mà nhiều chủ thể tham gia. Đặc biệt, việc soạn thảo luật lại được giao cho chính cơ quan hành pháp xây dựng để áp dụng trong chính lĩnh vực mình quản lý nên dẫn đến tình trạng chủ quan, cài cắm lợi ích, thu cái lợi cho mình còn đẩy cái khó cho người.

Ví dụ, bảo vệ tài sản là chuỗi tư tưởng nhất quán xuyên suốt, ai cũng phải bình đẳng trước pháp luật, tài sản là mồ hôi xương máu tích tụ nhiều đời phải được bảo đảm.

Tài sản là mồ hôi xương máu tích tụ nhiều đời phải được bảo đảm. Ảnh: Hoàng Hà

Tài sản đất đai hiện nay là giá trị được đong đếm bằng tiền, mảnh đất được quyền sử dụng như đất ở, đất nông nghiệp... đều quy được thành tiền thật. Quyền tài sản đong đếm được bằng tiền, bằng vàng, bằng giá trị cụ thể. Một miếng đất thuộc về quyền sử dụng đất ở. Chúng ta không có sở hữu đất đai, mà có quyền sử dụng đất ở. Khi quy ra tiền ở thời điểm, ví dụ giải phóng mặt bằng, Nhà nước trưng thu bao nhiêu chưa bàn nhưng trước hết phải bảo vệ quyền đó cho dân. Thu hồi, cưỡng chế… chính là quyền tài sản của dân bị xâm hại.

Ví dụ khác, doanh nghiệp bỏ vốn, tài sản đầu tư vào dự án. Nhưng Nhà nước vì lí do khách quan nào đó thay đổi chính sách, quy hoạch, làm méo mó giá trị tài sản đó, làm dự án không triển khai được, vậy làm sao doanh nghiệp họ tin được.

Vì thế, các quy phạm pháp luật về bảo vệ tài sản phải nhất quán, bình đẳng, ngang giá, bảo vệ cho bất kì các chủ thể nào, bất kể là ai.

Vì sao ông Chủ tịch lên sau lại "đòi lại"?

Bảo vệ chế độ hợp đồng, như ông đề cập, đang rất “yếu và thiếu” như nhiều báo cáo trước đó đã nhận định. Xin ông nói rõ hơn điểm này?

Hợp đồng là cam kết của các bên khi tham gia quan hệ kinh tế cụ thể. Chỗ này Nhà nước phải bảo vệ nhưng hiện nay các đạo luật lại quy định thiếu thống nhất.

Ví dụ, một doanh nghiệp đầu tư một dự án trên địa bàn tỉnh A. Trong nhiệm kì này ông Bí thư, Chủ tịch mời họ bằng được để làm và mở tối đa cơ chế ưu đãi, thậm chí cho phép lập dự án triển khai trước khi làm xong các quy trình, thủ tục. Nhưng trong nhiệm kì sau, các ông khác lên thay lại quy doanh nghiệp phạm tội.

Ở đây có câu chuyện hợp đồng không được bình đẳng, không được bảo vệ. Doanh nghiệp ký kết hợp đồng với ông Chủ tịch, vậy ông Chủ tịch đó không phải cá nhân ông ấy mà nhân danh Nhà nước. Tại sao sau đó ông Chủ tịch sau lại đòi lại, hủy hợp đồng? Chả nhẽ lại có mấy Nhà nước, Nhà nước của ông lên sau đúng, Nhà nước của ông trước sai hay sao mà lại đòi hủy hợp đồng Nhà nước đã ký với doanh nghiệp?!

Vì thế, hệ thống pháp luật phải được thiết kế để bảo vệ hợp đồng. Điều này trong Hiến pháp cũng có rồi.

Nếu không có những quy định pháp luật nhất quán, tường minh, nếu hệ thống pháp luật thiếu vắng các quy định chặt chẽ, một mặt các chủ thể pháp nhân có thể tranh thủ đục nước béo cò; nhưng mặt khác, chính các chủ thể đó cũng có thể mắc bẫy, sa chân vào vòng lao lý.

Quan hệ bất bình đẳng

Nhìn ra thế giới, việc bảo vệ chế độ hợp đồng là giá trị pháp lý cực kỳ quan trọng mà nhiều quốc gia đã thực hiện từ lâu. Ở Việt Nam lại khác bởi có không ít loại hợp đồng méo mó lắm?

Trong kì họp thứ 4 của Quốc hội vừa rồi, tôi có trao đổi với Thủ tướng về vấn đề bảo đảm an ninh năng lượng và đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát cách tính giá điện đầu vào ở các cơ sở sản xuất địên. 

Ví dụ, trong sản xuất điện rác hiện nay có những doanh nghiệp ăn 2 lần trong cả xử lý rác và sản xuất điện. Nhà nước phải chi ngân sách cho việc thu gom xử lí sơ cấp, vận chuyển đến nhà máy nhưng lại bỏ qua chi phí đó khi tính giá thành điện. Chuyện này phải tính toán lại.

Hay là việc thông thầu, chuyển nhượng thầu trái pháp luật. Tình trạng một doanh nghiệp ký hợp đồng với Nhà nước, rồi bán lại cho doanh nghiệp khác hay núp dưới hình thức hợp tác để ăn chênh lệch là không chấp nhận được. 

Cần điều tra, xử lí nghiêm để tạo sân chơi cho doanh nghiệp đủ năng lực tham gia, đẩy nhanh tiến độ thi công, bảo đảm chất lượng, giảm giá thành. Hiệp hội các nhà đầu tư hạ tầng giao thông đã có văn bản kiến nghị Chính phủ. Tôi mới đi khảo sát mấy tuyến thấy có chuyện đó thật. Đây là việc vi phạm chế độ hợp đồng.

Ảnh minh hoạ: Hoàng Hà

Hay một ví dụ khác, có nhà đầu tư thực hiện nghiêm chỉnh các cam kết với chính quyền địa phương. Uỷ ban Nhân dân tỉnh cũng cam kết rất hay, đưa ra vốn đối ứng 2000 tỷ đồng, cam kết chế độ thu phí, phân luồng giao thông… Tuy nhiên, khi dự án hoàn thành, đường được đưa vào sử dụng thì tỉnh không thực hiện các cam kết, thậm chí gây áp lực với chủ dự án phải cho người tham gia giao thông trên đường đó được đi miễn phí, và bắt gỡ một làn thu phí.

Làm như vậy đã đẩy doanh nghiệp vào chỗ chết. Đó là vi phạm chế độ hợp đồng, sử dụng quyền lực nhà nước bất bình đẳng, khi kí kết, chủ thể ngang bằng nhưng khi điều chỉnh lợi ích lại sử dụng quyền lực nhà nước bắt doanh nghiệp phải gỡ bỏ cam kết đó, đơn phương vi phạm.

Để cán bộ dám làm, dám chịu trách nhiệm

Vậy làm sao khắc phục tình trạng này trong bối cảnh có nhiều lời kêu gọi cán bộ dám làm, dám chịu trách nhiệm?

Ở góc độ hợp đồng, phải có điều khoản bổ sung, hoặc điều khoản về trường hợp bất khả kháng mà khi xảy ra phải thảo luận lại; hay có hợp đồng phụ. Còn ở góc độ Nhà nước, là trao quyền cho nhân sự nắm giữ chức vụ chứ không phải cá nhân đó để họ không tuân thủ hợp đồng.

Về sandbox (chế độ thử nghiệm) cho quy chế bảo vệ những người dám làm, dám chịu trách nhiệm, vì lợi ích chung, chúng ta chưa tổng kết đánh giá chế độ trách nhiệm cá nhân. Trong các văn bản của Đảng có nhắc đến nhưng ở văn bản pháp lý còn thiếu vắng.

Chung nhất, Hiến pháp quy định trách nhiệm của Thủ tướng, Chủ tịch nước; còn luật quy định trách nhiệm của Chủ tịch, Uỷ ban Nhân dân cấp tỉnh và cả cấp huyện xã.

Ở Quốc hội và Hội đồng nhân dân, với chế độ làm việc tập thể, không thể quy định trách nhiệm cá nhân, hay người đứng đầu được vì đều là Đại biểu Quốc hội.

Nhưng Chính phủ có chế độ làm việc tập thể và chế độ làm việc cá nhân.  Hiến pháp và luật quy định rõ thẩm quyền chung là Chính phủ, thẩm quyền riêng là Thủ tướng. Lẽ ra, vị trí Thủ tướng cần sử dụng thẩm quyền riêng của mình nhiều hơn, hiệu quả hơn.

Về nhà nước phải phân biệt chế độ làm việc tập thể phải là tập thể, không nhân danh cá nhân được, trừ một số nhiệm vụ, ví dụ của Chủ tịch Quốc hội. Chúng ta còn lẫn lộn nên dẫn đến danh xưng khác nhau, tác động đến tâm lí chấp hành và tuân thủ pháp luật khác nhau.

Tư Giang – Lan Anh thực hiện

(Còn nữa)