Biệt thự trăm tỷ, chung cư mỗi m2 hàng trăm triệu đồng

Năm 2021, thị trường bất động sản ghi dấu với nhiều dự án có mức giá cao kỷ lục. Giá căn hộ liên tục lập "đỉnh" mới trên thị trường. Ngay từ quý II/2021, Bộ Xây dựng đã thông tin về một loạt dự án tại Hà Nội, TP.HCM có vị trí đặc biệt, trung tâm với mức giá quảng cáo, chào bán rất cao. Như dự án Spirit Of Saigon (quận 1) giá khoảng 400 triệu đồng/m2; Sunshine Venicia Thủ Thiêm giá khoảng 150 triệu đồng/m2; The River Thủ Thiêm (TP Thủ Đức) giá khoảng 110 triệu đồng/m2. Dự án 22-24 phố Hàng Bài (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), giá căn hộ có diện tích 120-250m2 được chào bán khoảng 85-175 tỷ đồng.

Căn hộ được xem là đắt đỏ bậc nhất ở TP.HCM phải kể dự án One Central Saigon (quận 1) với giá lên đến 23.000 USD/m2, thậm chí có căn hộ mỗi mét vuông được chào bán với giá khoảng 800 triệu đồng.

{keywords}
Hình ảnh hợp đồng được môi giới tiết lộ việc khách hàng mua căn biệt thự diện tích 419m2 với giá 118,9 tỷ đồng tại khu đô thị Ciputra

Ở phân khúc đất nền và biệt thự giá còn tăng vọt chóng mặt thậm chí còn được cho là "ngáo giá". Tại Hà Nội thời gian qua thị trường xôn xao với thông tin rao bán biệt thự tại dự án The Lotus Center thuộc giai đoạn 3 của khu đô thị Nam Thăng Long (khu đô thị Ciputra, quận Tây Hồ) với giá hơn 100 tỷ đồng.

Dự án do Công ty CP Đầu tư Bất động sản Thanh Trì làm chủ đầu tư. Đơn vị phát triển dự án là Vimefulland thương hiệu bất động sản của Tập đoàn Dược phẩm Vimedimex. Theo giới thiệu, trong 81 căn biệt thự - liền kề tại dự án này thì có 6 căn biệt thự lâu đài “siêu VIP” thuộc khu BT5C. Trong đó có căn biệt thự diện tích trên khoảng 400m2, giá bán giao động từ 280 triệu đồng mỗi m2 trở lên. Như vậy, để sở hữu một siêu biệt thự trên 400m2 ở đây, khách hàng cần bỏ ra ít nhất hơn 100 tỷ đồng cho một căn biệt thự mới hoàn thiện xây dựng mặt ngoài.

Tại khu đô thị Vinhomes Green Bay (phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), giá một số biệt thự hiện đã chạm mốc 400 triệu đồng/m2, tăng khoảng 4-5 lần so với 4-5 năm trước. Một căn biệt thự song lập khoảng 150m2 tại khu đô thị này được rao bán với giá khoảng 60-70 tỷ đồng.

{keywords}
Theo khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường, 5 năm qua, giá nhà đã tăng 50-60%. Như năm 2015, giá căn hộ hạng B (căn hộ trung bình) giá khoảng 25 triệu đồng/m2 thì đến nay tăng lên 40 triệu đồng/m2. Mức tăng giá của đất nền còn "kinh khủng" hơn khi trong 5 năm qua tăng hơn 100%, có chỗ tăng hơn 200%

Khảo sát giá biệt thự tại khu vực ven Hà Nội như Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Bắc Ninh… cũng tăng rất mạnh. Dự án Ecopark (Hưng Yên), cách đây vài năm khi ra mắt khu biệt thự đảo với giá khoảng 15-20 tỷ đồng/căn đã tạo ra mức giá kỷ lục thời điểm đó thì gần đây giá rao bán đã tăng lên 50 - 70 tỷ đồng/căn, khoảng 180-200 triệu đồng/m2.

Phân khúc đất nền được coi là điểm nóng sốt đất của thị trường năm 2021 với giá bán “bỏng tay” tăng giá theo tuần thậm chí theo ngày. Ghi nhận tại các khu vực vùng ven Hà Nội như các huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Thạch Thất, Quốc Oai, Thanh Trì... giá đều tăng dựng đứng. Đất vị trí đẹp trung tâm thị trấn của huyện Đan Phượng đã tăng từ khoảng trên dưới 40 triệu đồng/m2 lên 60-70 triệu đồng/m2.

Vào thời điểm sốt đất, tại Đông Anh (Hà Nội), nhiều khu đất trước kia có giá dưới 20 triệu đồng/m2 giờ lên 50-60 triệu đồng/m2. Thậm chí, nhân viên môi giới còn cho biết có thể bán "ăn" chênh lệch 5-8 triệu/m2 chỉ qua một ngày…

Đến những tháng cuối năm 2021 cận Tết Nguyên Đán, ngay sau khi nới lỏng giãn xã hội, sốt đất tiếp tục quay trở lại. Trên cả nước lại xuất hiện những “điểm nóng”, giá nhà đất tiếp tục tăng mạnh khiến người dân có nhu cầu thực càng thêm chật vật với bài toán an cư.

Phía sau phiên đấu giá tỷ USD ở Thủ Thiêm

Cơn "địa chấn" đấu giá đất Thủ Thiêm vừa qua đã tạo ra kỷ lục mới. Cuộc đấu giá 4 lô đất rộng khoảng hơn 30.000m2 thuộc khu chức năng số 3 khu dân cư phía Bắc, khu đô thị mới Thủ Thiêm có giá trị lớn nhất cho đến thời điểm hiện nay với giá trúng đấu giá lên đến 37.346 tỷ đồng gấp 7,09 lần giá khởi điểm đấu giá.

Trong đó, cá biệt lô 3-12 được Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt trúng đấu giá 24.500 tỷ đồng, tức mỗi m2 chạm ngưỡng 2,4 tỷ đồng, gấp 8 lần giá khởi điểm. Đây cũng là mức giá đất cao nhất thị trường tại TP.HCM hiện nay, đồng thời là kỷ lục giá đất Việt Nam gây chấn động thị trường.

{keywords}

 

{keywords}

Cơ cấu giá đất trúng đấu giá phân bổ theo căn hộ và “dự đoán” giá bán căn hộ và theo m2 sàn (chưa bao gồm VAT). Hiện nay các chủ đầu tư dự án nhà ở cao cấp tại khu đô thị mới Thủ Thiêm đang bán căn hộ chỉ với giá khoảng 150-200 triệu đồng/m2

Đánh giá về các cuộc đấu giá này, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, không thể phủ nhận những tác động tích cực mà cuộc đấu giá mang lại. Trong đó sẽ thúc đẩy thực hiện phương thức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất dần trở thành phương thức chủ yếu để lựa chọn nhà đầu tư, chủ đầu tư, sẽ góp phần rất quan trọng để xây dựng môi trường đầu tư minh bạch, công bằng, cạnh tranh lành mạnh. Nhưng phải đi đôi với việc tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ, không để xảy ra tình trạng đấu giá “cuội”, có “quân xanh - quân đỏ”, hoặc đấu thầu “cuội”, có “chân gỗ”, hoặc xảy ra hành vi “thông đồng” giữa một số nhà đầu tư hoặc với người của cơ quan tổ chức đấu giá, đấu thầu.

Kết quả các cuộc đấu giá 4 lô đất Thủ Thiêm cũng sẽ bổ sung thêm cho ngân sách thành phố 37.346 tỷ đồng.

Nhìn từ giá trúng đấu giá quá cao của các lô đất chuyên gia bất động sản cũng đưa ra “dự đoán” giá bán căn hộ của 4 lô đất trong 5-8 năm tới cũng có thể có giá rất cao và rất cách biệt so với giá bán căn hộ cao cấp tại khu đô thị mới Thủ Thiêm thời điểm hiện tại dẫn tới nhiều lo ngại có thể tác động bất lợi từ các phiên đấu giá trên.

Đẳng cấp vượt trội của Khu đô thị mới Thủ Thiêm trước hết là “vị trí vàng”, là “Phố Đông” bên bờ Đông sông Sài Gòn với mục tiêu quy hoạch trở thành Khu Trung tâm mới của thành phố Hồ Chí Minh, trong đó có mục tiêu trở thành “Trung tâm tài chính quốc tế và khu vực” mà để thực hiện được thì phải thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài “sếu đầu đàn” từ các nước công nghiệp phát triển hiện đại trên thế giới.

Do vậy, giá đất trúng đấu giá quá cao có thể là “rào cản” cho việc thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài của các nhà đầu tư nước ngoài “sếu đầu đàn” để thực hiện mục tiêu này" - ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA.

Theo chuyên gia, hệ số sử dụng đất là nhân tố quyết định giá trúng đấu giá “tối đa”. Nhìn vào hệ số sử dụng đất, diện tích, số tầng, giá trúng đấu giá…có thể dự đoán giá bán căn hộ đều nằm trong vùng giá căn hộ “siêu sang” mỗi m2 sàn căn hộ từ 500 đến hơn 650 triệu đồng. Trong khi giá căn hộ cao cấp tại khu đô thị mới Thủ Thiêm hiện nay chỉ khoảng 150 - 200 triệu đồng/m2 tức mức giá dự đoán có thể cao hơn giá thị trường hiện nay từ 2,9-3,8 lần.

Chủ tịch HoREA cho rằng, kết quả cuộc đấu giá 4 lô đất Thủ Thiêm có thể đã bị đẩy lên mức quá cao so với giá trị thực, không có lợi cho sự phát triển bền vững của thị trường.

“Giá đất quá cao mới được xác lập sẽ có lợi cho các chủ đầu tư có dự án và đã nộp tiền sử dụng đất, nhưng bất lợi cho các chủ đầu tư chưa nộp hoặc mới tạm nộp tiền sử dụng đất. Giá đất quá cao được xác lập sẽ tác động ngược trở lại khu vực trung tâm quận 1, có lợi cho các dự án siêu sang, tạo cảm giác về mức giá bán căn hộ quận 1 trên dưới 500 triệu đồng/m2 hiện nay trở thành bình thường”, ông Châu nói.

Chủ tịch HoREA cũng nêu lên hiện tượng sau vụ đấu giá đất Thủ Thiêm, đã có thông tin về một số chủ đầu tư dừng bán hàng hoặc chấp nhận chịu phạt hợp đồng để “găm” hàng, nghe ngóng chờ cơ hội tăng giá. Và trên thực tế giá nhà đất trên địa bàn TP Thủ Đức đã tăng mạnh so với trước đây.

Cùng với đó là quan ngại về việc một số doanh nghiệp lợi dụng việc trúng đấu giá rất cao để xin định giá lại tài sản, nhất là tài sản thế chấp, rút ruột ngân hàng hoặc để làm sạch bảng cân đối tài chính.

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng, cần nhìn từ thực tế nếu thực sự các doanh nghiệp trúng đấu giá thực hiện đúng các quy trình và nộp tiền đầy đủ vào ngân sách nhà nước thì việc đấu giá công khai đã góp phần loại bỏ việc công sản, đất đai bị bán rẻ bằng cách thông thầu dẫn đến cả quan chức và nhà đầu tư bị khởi tố, ngân sách nhà nước bị thất thoát như vụ Vimedimex hay nhiều vụ mua bán, chuyển nhượng đất công giá bèo gây bức xúc dư luận.  

Đấu giá đất ở Thủ Thiêm là điển hình làm nhiễu loạn thị trường

Ngày 4/1 vừa qua, thảo luận tại tổ Quốc hội về gói chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất, theo Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, nhiều trường hợp, vốn vay gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu, nhưng vẫn phát hành trái phiếu doanh nghiệp để huy động vốn. Chẳng hạn, đấu giá đất ở Thủ Thiêm là điển hình làm nhiễu loạn thị trường.

Nói thêm về hiện tượng đấu giá đất Thủ Thiêm bên hành lang Quốc hội, ông Phớc nhận định, “là không phù hợp, giá không thực”. Bởi theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, so sánh cũng tại TP.HCM, đường Nguyễn Huệ - vốn là trái tim của TP - có giá trung bình 1,5 tỉ đồng/m2.

“Cần xem các nhà đầu tư có thực hiện đúng theo cam kết trúng giá hay không, hay bỏ cọc. Bộ Tài chính chỉ kiểm tra những doanh nghiệp này trên thị trường chứng khoán, còn quản lý nhà nước về đất đai là Bộ Tài nguyên Môi trường, kể cả vấn đề giá đất. Nhưng chưa thể công khai được”, ông Phớc cho hay.

Liên quan đến việc đấu giá đất tại Thủ Thiêm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đánh giá 1m2 đất mà 2,4 tỷ đồng thì “chưa bao giờ có chuyện này”. Chính vì thế ông Huệ cho biết Quốc hội, Chính phủ đang giao các cơ quan nghiên cứu động thái này xem có bất thường hay không.

 

Thuận Phong

Mất ngủ vì ôm nhiều đất, cuối năm cơn sốt dội về vội thoát hàng

Mất ngủ vì ôm nhiều đất, cuối năm cơn sốt dội về vội thoát hàng

Nghe thông tin sốt đất trở lại, chị Thuỳ lại rao bán mảnh đất đã đầu tư vài năm nhưng từ cơn sốt đầu năm đến giờ vẫn chưa gặp khách dù mảnh đất của chị ở khu vực người ta nói sốt nóng hầm hập, tăng giá từng ngày.