Mặc dù vậy, sắp tới đây, chiến lược đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp đang được Chính phủ quyết liệt triển khai có thể mang tới những sự thay đổi lớn.

Thoái vốn Nhà nước, chắc chắn là một chiến lược đúng đắn của Chính phủ để thúc đẩy nền kinh tế thị trường. Hiện tại, Habeco, dù khó khăn hơn trong những năm gần đây, nhưng về cơ bản vẫn là một DN đầy tiềm năng và chỉ cần Nhà nước đánh tiếng bán, chắc chắn sẽ có không ít người sẵn sàng nhảy vào mua.

Đặc biệt là chỉ đạo mới đây nhất của Thủ tướng về việc yêu cầu 12 doanh nghiệp lớn trong đó có Tổng công ty Bia rượu Nước giải khát Hà Nội (Habeco) phải thoái vốn Nhà nước đang đặt ra cho hãng bia nổi tiếng của miền Bắc này yêu cầu không thể tiếp tục trì hoãn.

Vấn đề nằm ở chỗ, với quy mô DN như Sabeco và Habeco, sẽ không có nhiều DN nội địa đủ tiềm lực để nhảy vào mua cổ phần. Nếu nhà đầu tư nước ngoài được mua không giới hạn, những thương hiệu đình đám của người Việt, khả năng cao sẽ rơi vào tay của các DN nước ngoài. Chẳng cần nhìn đi đâu xa, các doanh nghiệp Thái Lan chính là những người đang thèm muốn nhất cổ phần của các DN giải khát lớn Việt Nam

Nhìn thấy trước điều này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần chỉ đạo phải có biện pháp để giữ gìn các thương hiệu quốc gia như Bia Hà Nội, Bia Sài Gòn, hay Vinamilk sau khi Nhà nước bán vốn.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào những thương vụ M&A trong quá khứ, người tiêu dùng có thể sẽ cảm thấy lo lắng cho số phận các thương hiệu bia rượu Việt.

{keywords}

Câu chuyện đầu tiên: Thêm “vị đắng” cho bia Hà Nội

Thương vụ của Carlsberg tại Việt Nam là một ví dụ. Năm 2009, Carlsberg “kết duyên” với Habeco thông qua thương vụ mua lại 17,23% cổ phần.

Mặc dù đã được Bộ Công Thương chấp thuận cho hãng này mua tiếp 13% vốn điều lệ để nâng tỷ lệ sở hữu lên 30%, song đến nay sau gần 5 năm, kế hoạch này vẫn bất thành.

Những lùm xùm của mối quan hệ Carlsberg – Habeco dấy lên khi ngay chính người trong cuộc bày tỏ sự “ái ngại” không muốn tiếp tục “bán mình” cho đối tác ngoại đã từng chung sống suốt 5 năm.

Một nguồn tin từ Bộ Công Thương chia sẻ, một trong những lý do khiến cho Habeco không muốn bán cổ phần cho Carlsberg bởi nguy cơ bị mất thương hiệu. Thực tế sau 5 năm hợp tác, Carlsberg chưa làm được gì nhiều cho Habeco như đã hứa. Những thỏa thuận hợp tác giữa 2 bên về đào tạo nhân lực, chuyển giao công nghệ, thiết bị, mở rộng thị trường và nâng cấp quản trị,… đều còn bỏ ngỏ.

Trong cuộc họp Đại hội cổ đông vào năm ngoái, lãnh đạo Habeco còn bày tỏ sự “thất vọng” về sự hợp tác chiến lược với Carlsberg và cho rằng đây là “bài học xương máu”.

Chưa kể, từ khi hợp tác với Carlsberg thì tình hình kinh doanh của hãng này cũng không có nhiều khởi sắc. Dẫn chứng, kết quả kinh doanh của Habeco trong nửa đầu năm nay, doanh thu của hãng này giảm 13% so với cùng kỳ; trong khi đó lợi nhuận giảm gần 39%.

Chuyện giữa Carlsberg và Habeco chính là lý do khiến cho không chỉ bản thân Habeco mà cả Bộ chủ quản phải suy nghĩ đến việc sẽ lựa chọn phương án bán vốn Nhà nước như thế nào để những DN bia nội không bị mất đi thương hiệu quốc gia.

“Như chuyện Habeco, bán làm sao để đối tác ngoại thực sự muốn phát triển cho DN, xây dựng thương hiệu, chứ không phải chỉ tham gia vào để tận dụng cơ hội thị phần, hệ thống phân phối và có thể là nguy cơ đe dọa chính DN”, nguồn tin từ Bộ Công thương suy ngẫm.

Câu chuyện thứ hai: Mang Vodka Xanh, Nếp mới pha với rượu ngoại

Nhìn từ câu chuyện Habeco, lo ngại này của lãnh đạo Bộ Công Thương không phải là không có cơ sở, khi nói thêm về một trường hợp khác của chính công ty con trực thuộc Habeco là Công ty Rượu Hà Nội (Halico).

Vốn là thương hiệu rượu nổi tiếng đình đám một thời với sản phẩm Vodka xanh, sở hữu trong tay nhiều hệ thống phân phối, và đặc biệt là nắm trong tay miếng bánh không nhỏ trên thị trường đồ uống bình dân, Halico trở thành mục tiêu của các tập đoàn đa quốc gia săn đón.

Và Diageo – một trong những tập đoàn đồ uống có cồn lớn nhất thế giới đã vào cuộc. Năm 2012, Diageo đã mua lại 21,8 triệu cổ phần. Và đến nay, tỉ lệ nắm giữ của Diageo tại Halico đã lên tới 45,5% - một tỉ lệ cao gần đủ để chi phối hoạt động của cả doanh nghiệp.

Trước khi mua cổ phần Halico, Diageo đã có mặt tại Việt Nam và ghi dấu ấn với các sản phẩm rượu phục vụ tầng lớp trung lưu. Song, DN Anh quốc này lại gặp nhiều rào cản khi thâm nhập vào thị trường rượu bình dân vốn đang là nơi ngự trị của Halico. Vì vậy, cách tốt nhất là biến đối thủ thành đồng minh, Diageo quyết định nhảy vào mua cổ phần.

Thế nhưng, một sự trùng hợp đó là kết quả kinh doanh của Halico sau khi tác hợp với Diageo ngày càng đáng ngại. Từng lãi lớn, nhưng doanh thu và lợi nhuận của Halico những năm qua liên tục tuột dốc và phải báo lỗ 21 tỷ đồng trong năm 2015.

Lật lại tham vọng của Diageo thời kỳ đầu, sẽ thấy đằng sau sự hợp tác này có rất nhiều vấn đề cạnh tranh đáng suy nghĩ.

Đó là một đối tác ngoại có thâm niên, lại có tiềm lực về công nghệ và tài chính nhảy vào, những hoài nghi về việc thôn tính, lợi dụng kênh phân phối của Halico để bán hàng và có thể tạo nên áp lực cạnh tranh cho sản phẩm mới.

Dù chưa có lời giải chính thức cho thương vụ này, nhưng rõ ràng kết quả kinh doanh tụt dốc của Halico từ sau mối lương duyên với Diageo đã phần nào cho thấy, việc bán vốn nhà nước cho DN nước ngoài, đòi hỏi sự suy tính kỹ càng.

Ông Trịnh Đình Long, chuyên gia tư vấn thương hiệu của Công ty AMICA, cho rằng đằng sau đó, không chỉ là việc sở hữu cổ phần là bước nhanh nhất vào thị trường, mà những tham vọng đầy toan tính là không tránh khỏi.

“Người kinh doanh họ không quan tâm thương hiệu đó có là biểu tượng quốc gia hay niềm tự hào quốc gia, họ chỉ đơn giản là sẽ ưu tiên nhãn thu được lợi nhiều nhất. Bản thân những DN ngoại này cũng sở hữu những sản phẩm nổi tiếng, vì vậy việc tận dụng hệ thống phân phối sau M&A để đưa sản phẩm riêng của họ vào, là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Và như vậy đây rõ ràng đây là nguy cơ cho các thương hiệu nội” – vị chuyên gia này cảnh báo.

Theo InfoNet