Nhiều doanh nhân mong muốn được bỏ vốn đi đầu tư kinh doanh, Chính phủ cũng khuyến khích khởi nghiệp, bỏ tiền đầu tư phát triển kinh tế. Tuy nhiên, thực tế có không ít những rào cản kinh doanh được lập nên đã khiến DN muốn bỏ vốn kinh doanh mà cũng không dễ dàng gì.

Salon ô tô kiêm bán nước ngọt

Buổi trưa một ngày cuối tháng 7, tại salon ô tô nhỏ ở khu vực Thanh Xuân, Hà Nội, nhóm các DN nhỏ đang bàn thảo về kiến nghị nghị bãi bỏ quy định nhập khẩu ô tô phải có giấy ủy quyền chính hãng tại Thông tư 20 của Bộ Công Thương.

Ông Nguyễn Tuấn, Công ty TNHH Thiên Phúc An là người được 50 DN nhập khẩu ô tô không chính hãng trên khắp Việt Nam ủy quyền dự thảo kiến nghị lần cuối này. 

Trước đó, các DN nhập khẩu ô tô không chính hãng đã phải căng băng rôn trước cổng Bộ Công Thương “kêu cứu” đề nghị bãi bỏ Thông tư 20, tạo cơ hội nhập khẩu ô tô bình đẳng cho các DN.

{keywords}
Băng rôn được các DN treo trước cổng Bộ Công Thương

Bởi lẽ, từ khi có Thông tư 20, khoảng 200 DN đã bị loại khỏi cuộc chơi. Bởi vì không thể có được giấy ủy quyền chính hãng từ những đại gia ô tô ngoại.

Còn tại salon ô tô mà các DN đang nhóm họp, ông chủ của nó cũng phải vừa buôn bán, sửa chữa ô tô cũ, vừa phải buôn thêm nước ngọt nhập khẩu. Nhiều người không khỏi bất ngờ khi trong salon ô tô này, có một khu vực dùng làm nơi chứa… nước ngọt.

“Mong muốn của chúng tôi là quy định hạn chế nhập khẩu ô tô được bãi bỏ, để chúng tôi được đem tiền đầu tư, đóng thuế cho nhà nước và tạo việc làm. Thế nhưng điều đó lại không thể thực hiện được chỉ vì thiếu một cái giấy phép con” – ông Nguyễn Tuấn băn khoăn.

Câu chuyện của các DN ô tô kể trên là minh chứng cho thấy những rào cản kinh doanh hạn chế DN gia nhập thị trường. Những 'giấy phép con' trái quy định đã phần nào được Chính phủ loại bỏ trong đợt rà soát “chưa từng có trong lịch sử” vừa qua. Nhưng vẫn còn những quy định tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau gây tranh cãi.

Ngay trong các luật hiện hành cũng có rất nhiều các điều kiện kinh doanh cần được loại bỏ, sửa đổi. Con số rà soát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, có đến 37 luật với 100 điều cần có sự sửa đổi, bổ sung.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI đã phải thốt lên: “Người dân có tiền mang tiền đi kinh doanh, đi đầu tư để tạo việc làm, tăng thu cho ngân sách và nộp thuế mà lại gian nan như thế.”

Càng ngậm ngùi khi thấy các DN tư nhân VN cứ nhỏ đi qua thời gian, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban pháp chế VCCI càng cảm thấy khó hiểu khi ngày càng có nhiều quy định lại “tẩy chay” các DN nhỏ.

Đơn cử như việc muốn xuất khẩu gạo phải có kho chứa 5.000 tấn thóc, phải có thêm cơ sở xay xát với công suất tối thiểu 10 tấn mỗi giờ. Với DN vận tải, muốn kinh doanh hành khách theo tuyến cố định ở thành phố lớn, DN phải có từ 20 xe trở lên, ở tỉnh phải có từ 10 xe trở lên…

Những quy định ấy đã “bóp nghẹt” cơ hội kinh doanh của nhiều DN, nhất là DN nhỏ và vừa.

Nơi hỗ trợ, chỗ cản trở

Nhiều điều kiện gia nhập thị trường khắt khe khiến DN mất đi cơ hội được bỏ tiền đầu tư. Nhưng các DN đã gia nhập thị trường và có chỗ đứng trên thị trường cũng không thể an tâm khi nhìn về môi trường kinh doanh hiện tại.

Trước đó, giới khởi nghiệp (start up) cũng cùng chung tâm trạng khi điều 292 Bộ luật hình sự đã có quy định khiến những doanh nhân khởi nghiệp có thể đi tù bất cứ lúc nào.

{keywords}
Những thùng nước ngọt xếp cạnh những chiếc ô tô trong một salon . Ảnh: L.Bằng

Những rào cản các DN đang gặp phải, dường như trái ngược hẳn với tinh thần hỗ trợ DN được thể hiện trong dự thảo Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến đông đảo các bên. Chính phủ cũng đã ban hành hẳn một Nghị quyết chuyên đề về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020 (Nghị quyết 35) với nhiều nội dung quan trọng liên quan đến sự sinh tồn và phát triển của cộng đồng DN.

Các chuyên gia lẫn giới kinh doanh đều đồng tình với quan điểm hỗ trợ DN không phải chỉ nhìn từ góc độ tài chính. Một trong những sự hỗ trợ lớn nhất mà các DN cần chính là được tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch, công bằng, và bình đẳng.

Nhắc đến tinh thần hỗ trợ DN trong Nghị quyết 35, ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG cho rằng: Chỉ cần thực hiện đúng và đủ tinh thần của Nghị quyết 35 thì tạo điều kiện môi trường kinh doanh rất lớn cho DN. Như thế đã là điều tuyệt vời, hỗ trợ cho DN chúng tôi.

Dù vậy, ông Thời cũng mong muốn không lặp lại tình trạng “con đường xa nhất là từ lời nói đến việc làm”.

Lương Bằng