Fed có thể gây bất ngờ gì?

Những tranh cãi trong nội bộ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cùng với các cảnh báo của nhiều tổ chức thế giới có thể khiến Ngân hàng Trung ương Mỹ thay đổi vào phút chót. Các quan chức cấp cao bao gồm Chủ tịch Fed Jerome Powell có thể bỏ phiếu để giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp của Fed, đồng thời để ngỏ khả năng tăng lãi suất bổ sung vào tháng 7 nếu cần.

Trong một báo cáo mới công bố, Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, cuộc chiến chống lạm phát của Fed có thể gây ra những “hậu quả kinh tế” vượt ra ngoài nước Mỹ, khiến toàn cầu gặp “biến lớn”.

Cuộc chiến chống lạm phát của Mỹ vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc cho dù Fed đã có 10 lần tăng lãi suất với tổng mức tăng 500 điểm phần trăm. Lạm phát Mỹ vẫn ở mức cao 4,83% trong tháng 5, cao hơn nhiều so với mục tiêu 2%.

Chủ tịch Fed Jerome Powell. (Ảnh: CNBC)

Trong khi nền kinh tế Mỹ chưa suy thoái thì Fed có thể tiếp tục tăng lãi suất. Tuy nhiên, ảnh hưởng của chính sách thắt chặt tiền tệ của Mỹ đã gây ra nhiều hậu quả trên thị trường tài chính thế giới, trong đó có cuộc khủng hoảng ngân hàng tại Mỹ và châu Âu hồi tháng 3 vừa qua.

Theo Business Insider (BI), Fed có khả năng tạm dừng tăng lãi suất tại cuộc họp chính sách vào ngày 13-14/6 (kết thúc vào rạng sáng 15/6 giờ Việt Nam).

Nhiều dự báo khác cũng cho rằng, Fed sẽ tạm dừng tăng lãi suất trong cuộc họp tới. Các nhà hoạch định chính sách cần có thêm thời gian đánh giá tác động kinh tế của các đợt tăng lãi suất và biến động trong ngành ngân hàng gần đây.

Báo cáo của WB cho rằng, việc thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh chóng ở Mỹ sẽ tác động đặc biệt đến thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển (EMDE). Đây cũng là yếu tố có thể dẫn đến khủng hoảng tài chính và suy thoái trên toàn thế giới.

Trong cả năm qua, theo bước chân của Fed, ngân hàng trung ương nhiều nước thắt chặt chính sách tiền tệ, qua đó khiến lãi suất trong nước tăng cao. Nền kinh tế bị ảnh hưởng rất lớn.

Fed tăng lãi suất 10 lần liên tiếp và có khả năng không tăng trong cuộc họp 13-14/6. (Biểu đồ: M. Hà)

Thế giới thay đổi, mục tiêu của Mỹ cũng thay đổi?

Trên thực tế, Fed hiện vẫn chia rẽ về kế hoạch lãi suất. Các thành viên của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) có quan điểm khác nhau. Một nhóm thiểu số vẫn thúc đẩy đợt tăng lãi suất lần thứ 11 liên tiếp để chống lạm phát. Ở chiều ngược lại, một số thành viên thể hiện sự thận trọng.

Đêm qua 13/6 (giờ Việt Nam), Bộ Lao động Mỹ công bố chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 chỉ tăng 0,1% sau khi tăng 0,4% trong tháng 4. Mức tăng lần này thấp hơn so với kỳ vọng của thị trường (vốn ước đoán tăng 0,2%). So với cùng kỳ, giá cả hàng hóa của Mỹ tăng 4%, thấp hơn so với mức 4,1% được các chuyên gia dự báo. Và đây là mức tăng thấp nhất trong vòng 2 năm.

Đây là cơ sở cho Fed có thể dừng tăng lãi suất trong cuộc họp đang diễn ra.

Dù vậy, lạm phát lõi của Mỹ vẫn ở mức cao (tăng 5,3% so với cùng kỳ). Điều này khiến nhiều người lo ngại Fed duy trì lập trường chính sách tiền tệ thắt chặt của mình.

Tính tới 11h ngày 14/6 (giờ Việt Nam), tín hiệu trên thị trường cho thấy, có hơn 93% cơ hội Fed giữ lãi suất không đổi trong cuộc họp 13-14/6 (kết thúc rạng sang 15/6 giờ Việt Nam). Tuy nhiên, cũng có 60% khả năng Fed tăng lãi suất trong tháng 7.

Hơn 93% Fed không tăng lãi suất trong tháng 6. 

Nigel Green, CEO và nhà sáng lập của deVere Group cho rằng, lạm phát đang đi theo đúng hướng, nhưng còn cao hơn rất nhiều so với mục tiêu 2%. Do vậy, các nhà đầu tư cần chú ý về khả năng có thêm 1 lần tăng lãi suất nữa trong năm nay, dù Fed có thể không tăng trong cuộc họp tháng 6.

Hiện thị trường cũng tính tới kịch bản Fed xử lý vấn đề lạm phát, lãi suất bằng cách nâng mục tiêu lạm phát, lên mức 2-3%, thay vì mục tiêu cứng 2% trong bối cảnh thế giới có quá nhiều biến động phức tạp như hiện nay.

Qua đó, Fed sẽ có thời gian để theo dõi các tác động của đợt tăng lãi suất nhanh mạnh và kéo dài nhất trong hơn 4 thập kỷ qua.

Đồng thời, Fed cũng tiếp tục mở thanh khoản, bơm ra thị trường, thay vì phải thu hẹp, hút tiền về như theo kế hoạch.