"Xả hàng" trước tết Trung thu

Dù còn vài ngày nữa mới đến tết Trung thu, nhiều cửa hàng đã treo biển siêu khuyến mại như mua 1 được 4 cái, mua 1 thành 2, mua 1 thành 4, xổ hết 35k, giảm giá 40%…. 

"Thời điểm này tất cả các điểm bán đều xả hàng nếu mình không đại hạ giá cũng khó bán", chủ một cửa hàng kinh doanh bánh trung thu phố Nguyễn Xiển (Hà Nội) cho biết.

Người bán tại cửa hàng này giải thích, từ đầu mùa chủ yếu bán chạy các loại bánh của các thương hiệu do nhu cầu biếu tặng. Thời điểm này, cửa hàng bán giảm giá 50% bánh thương hiệu nhỏ hơn để phục vụ cho những ai có nhu cầu thưởng thức.

Một cửa hàng khuyến mại bánh trung thu ở TP. Hồ Chí Minh.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng bánh trung thu có thương hiệu, được cho phép sản xuất thì về cơ bản là an toàn. Chỉ đáng bàn là các loại bánh đại hạ giá này có hạn sử dụng thế nào, được bảo quản trong điều kiện ra sao, đã hỏng chưa, dù hạn sử dụng vẫn còn.

Ngoài ra, có những loại bánh giá rất rẻ nhưng lại không có tem nhãn, nhà sản xuất nên sẽ đem đến nguy cơ cao cho người sử dụng nếu chúng ta ăn phải bánh sử dụng chất tạo màu không được phép sử dụng trong công nghệ chế biến thực phẩm.

Một số chất tạo màu có thể gây nguy hiểm sức khỏe là: Brilliant blue (dùng trong chế biến sữa, thạch, xiro, đồ uống, kẹo) có nguy cơ gây dị ứng, erythrosine (sử dụng trong chế biến kẹo, bánh nướng, gia vị, thực phẩm ăn nhẹ) gây ung thư tuyến giáp, allura red (sử dụng trong chế biến thực phẩm ăn nhẹ, nước uống không cồn) có thể gây dị ứng, hen suyễn, viêm mũi ở người, chứng hiếu động thái quá ở trẻ em…

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cảnh báo người tiêu dùng không nên ham rẻ, tránh mang bệnh tật vào người. 

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, hiện nay thị trường bánh trung thu nói chung khá loạn về chất lượng nên cần hết sức cẩn trọng khi mua về sử dụng, nhất là với những loại bánh làm từ nguyên liệu giá rẻ, không rõ cơ sở sản xuất, hạn sử dụng… Đặc biệt lưu ý loại bánh trung thu được xả hàng về việc quan sát xem chúng có dấu hiệu mốc, hỏng không.

Bánh trung thu cần được bảo quản trong điều kiện nhiệt độ tiêu chuẩn, mát thì mới không hỏng khi hạn sử dụng chưa hết. Trong khi đa phần các điểm bán xả hàng đại hạ giá, bánh được phơi dưới nắng, khói bụi của xe cộ qua lại cả ngày. Liên tục trong nhiều ngày như thế, bánh không thể đảm bảo an toàn theo hạn sử dụng ghi trên bao bì. Nấm mốc chắc chắn sẽ phát triển trong điều kiện này.

Việc "tranh thủ" ăn bánh trung thu khi các cơ sở kinh doanh đại hạ giá không phải là xấu, nhưng khi chọn bánh, kể cả bánh của công ty hay bánh được sản xuất thủ công (nhưng vẫn có đăng ký kinh doanh, công bố chất lượng, bánh cổ truyền của làng nghề), người dân cần xem kỹ hạn sử dụng, quan sát kỹ vỏ bánh để phát hiện nấm mốc. Đừng vì "tiếc của" mà rước bệnh vào thân vì nguy cơ ngộ độc của các loại bánh mốc là cực cao.

Năm 2020, Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ KH&CN đã ban hành bộ tiêu chuẩn về bánh trung thu. Các tiêu chuẩn này sẽ giúp cho các cơ sở sản xuất có căn cứ để công bố sản phẩm theo quy định nêu trong Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật an toàn thực phẩm; giúp cơ quan quản lý có căn cứ để kiểm soát sản phẩm và giúp cho người tiêu dùng có cơ sở để lựa chọn sản phẩm có chất lượng thích hợp.

Chọn bánh ngon thế nào?

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, về cảm quan, bánh trung thu ngon, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thường có mặt bánh vàng đều, da bánh mỏng, nhân khi cắt ra không bị vụn. Nên mua bánh trung thu ở các cơ sở có tên tuổi đã có sự giám sát, kiểm tra của cơ quan y tế và phải xem xét kỹ nhãn mác của bánh phải ghi đầy đủ ngày sản xuất, thời hạn sử dụng.

Theo TS Trần Đáng, nguyên Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế, người tiêu dùng phải thông thái để lựa chọn đúng bánh trung thu chất lượng tốt bằng cảm quan. Bánh mới làm có bề mặt mịn, trơn, không có nấm mốc xung quanh với bánh dẻo. Nếu bánh dẻo mà bị mốc thì màu bột sẽ biến đổi. Với bánh nướng, bề mặt bánh phải có màu vàng óng, trơn láng chứ không bở bục. Có thể cắt bánh ra để biết mùi vị, nhân có bị nấm mốc hay không.

Việc mua bánh trung thu qua mạng hiện nay rất phổ biến, người dùng không được trực tiếp lựa chọn nên chỉ mua ở địa chỉ uy tín, có nguồn gốc rõ ràng. Bánh phải có tên của nhà sản xuất, địa chỉ, hướng dẫn sử dụng, bảo quản.

Ông Trần Việt Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, khi mua qua mạng, thông tin quan trọng nhất trên bánh trung thu là nơi sản xuất phải rõ ràng. Trọng lượng, thành phần bánh phải được ghi rõ ràng trên nhãn mác. Bánh trung thu mua về phải được bảo quản nơi sạch sẽ

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho biết, bánh Trung thu hoàn toàn có thể bảo quản trong tủ lạnh, song không nên để bánh trong tủ lạnh quá lâu. Mặc dù được bảo quản trong tủ lạnh, bánh chưa bị nấm mốc, song dinh dưỡng trong bánh sẽ bị giảm đi rất nhiều, không còn thơm ngon như bánh mới làm. Nếu bảo quản bánh trung thu trên ngăn đông thì trước khi cho vào tủ lạnh, nên bọc một lớp giấy bạc bên ngoài. Việc làm này sẽ giúp cho bánh giữ được hương vị và chất lượng tốt nhất. Khi ăn, bạn chỉ cần cho bánh xuống ngăn mát rã đông, sau đó cho bánh vào lò nướng và nướng lại là được.

Theo Sức khỏe & Đời sống